Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra rằng, bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, là nguy cơ lớn nhất của đảng cầm quyền. Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn ngừa, khắc phục và loại bỏ những biểu hiện của bệnh quan liêu, xa dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ít lần phê phán gay gắt
các cán bộ, đảng viên có thái độ thờ ơ, vô cảm, tắc trách trước những bức xúc,
khó khăn, nguyện vọng và đòi hỏi chính đáng, hợp pháp của nhân dân, “chỉ biết lo
cho mình, không quan tâm đến nhân dân”, việc có lợi cho dân thì không làm, việc
có hại cho dân thì làm ngơ hoặc trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Nguy hại nhất
của bệnh quan liêu, xa dân còn là ở chỗ nó “đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn
tham ô, lãng phí.
Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải
tẩy sạch bệnh quan liêu”. Muốn tẩy sạch bệnh quan liêu, theo Chủ tịch Hồ Chí
Minh nhất thiết phải: “Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là: Đặt lợi ích
nhân dân lên trên hết; Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; Việc gì cũng bàn với nhân
dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ; Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình
trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình; Sẵn sàng học hỏi nhân
dân; Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo”. (Hồ
Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội 2011,
tr.177).
Ngay khi nước nhà mới giành được độc lập, công cuộc xây dựng,
tái thiết đất nước trong những ngày đầu thành lập còn ngổn ngang, bộn bề trăm
việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định việc gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của
các tầng lớp nhân dân là một công việc nhất định phải làm ngay. Người bày tỏ:
“Từ năm nay, tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể,
như: Các báo Việt và Tàu, Văn hóa giới, Công giáo, Công hội, Thương giới, Thanh
niên, Hoa kiều, Công chức, Phật giáo, Nông hội, Phụ nữ, Nhi đồng”. Chính vì vậy
chỉ trong vòng 10 năm (từ năm 1955 đến năm 1965), Người đã có hơn 700 cuộc gặp
gỡ, làm việc với quần chúng nhân dân, đại diện các tổ chức xã hội,… ngay tại cơ
sở. Những việc làm ý nghĩa như vậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần củng cố
niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc
cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển.
Không chỉ những năm tháng chiến tranh, mà ngay cả trong thời
bình, việc lắng nghe dân, thấu hiểu mong muốn, tâm tư nguyện vọng của nhân dân,
cũng có một vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng, củng cố chính quyền các
cấp, thúc đẩy sự phát triển bền vững, ổn định của đất nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng đã ban hành loạt các Nghị quyết,
Chỉ thị để ngăn chặn, khắc phục, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng,
chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở một bộ phận cán
bộ, đảng viên, trong đó có biểu hiện của bệnh quan liêu, điển hình như: Nghị
quyết số 10-NQ/TW, ngày 2/2/1999, Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành
Trung ương Đảng khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác
xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/1/2012, Hội nghị lần
thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây
dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ
tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn
Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,
những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận Hội nghị
lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Kết luận số 21-KL/TW ngày
25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và
hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng
viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa”...
Đặc biệt, trong Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không
được làm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ban hành ngày 25/10/2021
so với Quy định 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm của Ban Chấp
hành Trung ương Đảng khóa XI, ban hành ngày 1/11/2011 đã bổ sung nhiều điểm
mới. Nổi bật là việc bổ sung, làm rõ thêm những biểu hiện của bệnh quan liêu:
“Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan
liêu, xa rời quần chúng” (Điều 3, Quy định 37-QĐ/TW).
Đây là sự bổ sung rất quan trọng và cần thiết bởi chỉ khi nào
chúng ta xác định rõ được những biểu hiện cụ thể của bệnh quan liêu thì mới đề
xuất và thực hiện hiệu quả các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tiến tới loại bỏ
căn bệnh này. Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “thắt chặt
mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh
phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật,
tập 1, tr.97).
Nhờ những chủ trương, đường lối, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng,
Nhà nước cùng sự quyết tâm, vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, toàn quân,
toàn dân ta, thời gian vừa qua, công tác đấu tranh phòng, chống bệnh quan liêu,
xa dân đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều cán bộ, đảng viên có biểu
hiện của căn bệnh này đã được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh. Chỉ
tính riêng từ năm 2012 đến 2020, trong số 57.199 đảng viên bị xử lý kỷ luật do
vi phạm Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về
những điều đảng viên không được làm thì có đến 17,4% vi phạm Điều 8 (quan liêu,
thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi
thực hiện nhiệm vụ).
Đảng ta thẳng thắn chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí,
vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”. (Đảng
Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính
trị quốc gia Sự thật, tập 1, tr. 95). Nhìn chung, bệnh quan liêu, vô cảm, xa
dân vẫn là một trong những căn bệnh chưa được “chữa dứt điểm” trong Đảng, bộ
máy công quyền, là cội nguồn “ấp ủ, dung túng” cho tệ tham nhũng, lãng phí, tạo
ra những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua Đảng, Chính phủ, Nhà nước đã
ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm khắc, đồng bộ hệ thống các giải pháp đẩy
mạnh phòng, chống, ngăn ngừa, khắc phục, đẩy lùi các biểu hiện của bệnh quan
liêu, xa dân, tham nhũng, lãng phí; quyết tâm giữ vững đúng bản chất của Đảng
là đại biểu trung thành cho lợi ích của toàn thể nhân dân, toàn thể dân tộc,
bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của dân, do dân và
vì dân.
Tuy nhiên, lợi dụng việc một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý
của Đảng, Nhà nước ở một số cấp, ngành, địa phương có biểu hiện quan liêu, xa
rời nhân dân, không lắng nghe nhân dân, các đối tượng chống phá cực đoan lập
tức tung tin sai sự thật với ý đồ đen tối. Chúng lớn tiếng rêu rao Đảng ta là
“đảng độc tài”, Nhà nước và chính quyền các cấp thì quan liêu, cửa quyền, cán
bộ, đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thâu tóm quyền lực, phục vụ lợi
ích nhóm, lợi ích cục bộ... Tuy nhiên, những luận điệu này đều là sự xuyên tạc
ác ý, vô căn cứ hòng phủ nhận bản chất dân chủ của Đảng, của Nhà nước, của con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, từ đó âm mưu xóa bỏ vai trò lãnh đạo
của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nhằm làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam.
Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà đặc
trưng của thời kỳ quá độ là cái tốt và cái xấu, cái mới và cái cũ, cái lạc hậu,
bảo thủ và cái tiến bộ, tích cực... đan xen nhau, do đó không thể tránh khỏi
những hạn chế, thiếu sót nảy sinh trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa,
xã hội. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chưa thể ngay lập tức loại bỏ hết
những biểu hiện tiêu cực của bệnh quan liêu, xa dân trong một bộ phận cán bộ,
đảng viên. Thực tế cho thấy, bên cạnh những cán bộ, đảng viên có biểu hiện quan
liêu, xa dân thì đa số vẫn giữ vững niềm tin, tuyệt đối trung thành với lý
tưởng của Đảng, hết lòng phụng sự nhân dân, vì lợi ích của đất nước, của nhân
dân.
Trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa trách nhiệm của cán bộ,
đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, ngăn chặn kịp thời
bệnh quan liêu, xa dân, đòi hỏi mỗi cá nhân cần tiếp tục nâng cao nhận thức,
đạo đức, trình độ chuyên môn, hình thành tác phong luôn đi sâu, đi sát quần
chúng nhân dân để thực hiện tốt yêu cầu “vì nhân dân mà phục vụ”, “nói cho dân
hiểu, làm cho dân tin”.
Bên cạnh đó công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ
của các cấp chính quyền, bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương cần được
làm chặt chẽ, trong đó các tiêu chí về tiếp dân, kết quả đánh giá mức độ hài
lòng của nhân dân cần được xem là tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá chất
lượng hoạt động của cơ quan, đơn vị cũng như cá nhân lãnh đạo, quản lý và đội
ngũ cán bộ, đảng viên thực thi nhiệm vụ.
Về phía người dân, cần phát huy hơn nữa vai trò làm chủ, tích
cực tham gia đóng góp ý kiến để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước
phát huy hiệu quả trên thực tế; phát hiện và lên tiếng kịp thời trước những
biểu hiện quan liêu, tiêu cực; tỉnh táo nhận diện những luận điệu xuyên tạc
việc thực hành dân chủ tại Việt Nam để có biện pháp ngăn chặn. Đó chính là hành
động thiết thực góp phần tăng cường mối gắn kết mật thiết giữa nhân dân với
Đảng và Nhà nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, củng cố
khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy sự phát triển đất nước ngày càng vững mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét