“Lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” là nội dung chủ đạo, nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam nhằm phát huy trí tuệ, ý chí, sức mạnh của toàn dân, cũng như khả năng động viên cả nước đánh giặc với lực lượng vũ trang làm nòng cốt; đồng thời, giải quyết hợp lý các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa, lựa chọn, vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo để giành chiến thắng.
Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, dân tộc Việt Nam thường phải đương đầu với các thế lực xâm lược mạnh hơn ta rất nhiều lần. Vì vậy, lựa chọn đường lối chiến tranh nhân dân là sự lựa chọn duy nhất đúng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; trong đó “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” là nội dung nghệ thuật quân sự chủ đạo, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của đất nước, dân tộc. Nghệ thuật đó không những trở thành truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, mà còn thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc của văn hóa quân sự Việt Nam. Hiện nay, có một số cuốn sách viết là tư tưởng quân sự, có văn bản viết là quan điểm quân sự, theo chúng tôi, gọi như thế nào còn tùy thuộc vào quan điểm, mục tiêu nghiên cứu khi khai thác nội hàm chủ đạo này của nghệ thuật quân sự. Bài viết này đưa ra một số vấn đề về “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” với tư cách là nội dung cơ bản, bao trùm của nghệ thuật quân sự, có tính chất như là tư tưởng chỉ đạo các hoạt động chuẩn bị và tiến hành thắng lợi chiến tranh nhân dân Việt Nam theo nghĩa rộng, đặc biệt là trong chỉ đạo các hoạt động quân sự, không nên hiểu theo nghĩa hẹp, đơn thuần về sử dụng lực lượng.
1. Tạo nguồn sức mạnh giữ nước trong nhân dân, thực hiện cả nước đánh giặc với lực lượng vũ trang làm nòng cốt
Tạo nguồn sức mạnh trong nhân dân, phát động được cả nước đánh giặc là một trong những nội dung cơ bản của nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, tổ tiên ta luôn coi trọng và lấy dân làm gốc, dựa vào sức mạnh nơi dân, coi sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân là thành trì vững chắc nhất - “chúng chí thành thành”. Khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tinh thần yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, tính cố kết cộng đồng, ý chí kiên cường, bất khuất để thực hiện cả nước đánh giặc - “cử quốc nghênh địch”. Thời nhà Trần đề cao tư tưởng “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức”, “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”; thời Hậu Lê là tư tưởng: “chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, tất cả đều hướng đến mục tiêu huy động được toàn thể nhân dân tham gia đánh giặc với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Chỉ có toàn dân đánh giặc mới tạo được thế trận “làng - nước”, có thể đánh được giặc trên khắp đất nước, đánh ở phía trước, bên sườn, phía sau và trong lòng địch, v.v. Thực tiễn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược, vương triều nhà Trần ra lời hiệu triệu: tất cả các châu, phủ, huyện, hương, xã trong cả nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh. Nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng. Khi cuộc kháng chiến kết thúc, lúc xét công, định tội, triều đình thấy có hai hương là Ba Điểm và Băng Hà (ở phía Đông Vạn Kiếp) đã không tổ chức tham gia đánh giặc khi quân của Ô Mã Nhi kéo đến, bèn xử tội đồ, người dân ở hai hương đó đời đời không được làm quan. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi hay Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều là những áng hùng văn, đã khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của cả nước đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam cũng có những bài học đắt giá dẫn đến mất nước do lòng dân không thuận. Điển hình là dưới triều Hồ, mặc dù có quân đội mạnh, vũ khí tốt, thành cao, hào sâu để chống giặc, nhưng lại không được nhân dân ủng hộ dẫn đến mất nước. Điều đó được thể hiện qua câu nói đầy đau xót của Hồ Nguyên Trừng: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.
Cùng với cả nước đánh giặc, nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” cũng chỉ ra rằng, cần phải có lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Vì vậy, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta xác định, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Đây là sự kế thừa truyền thống giữ nước quý báu của dân tộc. Trong lịch sử nước nhà, tổ tiên ta cũng đã xây dựng lực lượng vũ trang nhiều thứ quân: quân triều đình (chủ lực); quân các lộ, phủ, châu; quân của các vương hầu, quý tộc; dân binh, thổ binh trong các làng, xã,… tựu chung lại có quân địa phương (tại chỗ) và quân chủ lực (cơ động). Quân địa phương được xây dựng mạnh, rộng khắp, đủ sức làm nòng cốt cho nhân dân ở các địa phương đánh giặc. Quân chủ lực xây dựng theo quan điểm “ngụ binh ư nông”, “quân cốt tinh, không cốt nhiều” đủ sức cơ động thực hiện các đòn đánh tiêu diệt có trọng điểm. Bên cạnh đó, quân đội phải chính nghĩa, có ý chí, quyết tâm chiến đấu cao, như thời nhà Trần, quân sĩ đã thích hai chữ “Sát Thát” lên cánh tay để thể hiện quyết tâm diệt giặc. Phải huấn luyện quân sĩ tinh thông võ nghệ, “tập dượt cung tên khiến người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ”, lại phải nắm vững binh pháp. Xây dựng quân đội có tinh thần đoàn kết, “phải đạt được quân đội đồng lòng như cha con một nhà”1, “tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” có thế mới dùng được. Lại phải chọn dùng tướng giỏi để chỉ huy quân sĩ, “trong quân có người ốm, tướng phải thân hành đem thuốc điều trị, quân có người chết tướng phải khóc thương, quân đi thú xa thì sai vợ con đến nhà thăm hỏi”, song “Tướng dũng có thể giúp được việc đánh thành hãm trận, nhưng liệu tính việc địch, chia đặt quân kỳ, lâm cơ ứng biến nếu không có tướng trí thì không được. Mà kẻ dũng thì thường kém kẻ mưu”2. Do đó, khi “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” bên cạnh những tướng giỏi cũng cần tướng có nhiều mưu lược để chỉ huy.
2. Vận dụng cách đánh linh hoạt, phù hợp nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”
Tư tưởng chỉ đạo vận dụng cách đánh trong nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” được thể hiện rõ nét trong Di chúc Canh Tý của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: “Nó cậy trường trận, ta cậy đoản binh, lấy đoản chống trường đó là việc thường trong binh pháp”3 và trong thời Hậu Lê là “thế trận xuất kỳ lấy yếu chống mạnh, dùng quân mai phục lấy ít địch nhiều”. Đây là những tư tưởng thể hiện quan điểm đánh địch linh hoạt, quyền biến, tùy cơ ứng biến. Trước hết, phải đánh giá đúng tình hình địch, ta, để có phương lược hành động đúng; đánh giá đúng địch để có thể hạn chế chỗ mạnh đánh vào chỗ yếu, chỗ hiểm yếu của chúng, đánh giá đúng ta để có sự chủ động chuẩn bị đánh địch. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ Ba, khi được nhà Vua hỏi về kế sách đánh giặc, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trả lời “Năm nay đánh giặc nhàn”, điều đó chứng tỏ vị Quốc công tiết chế đã nghiên cứu, nắm chắc về quân xâm lược cũng như “thế nước” của dân tộc chuẩn bị kháng chiến. Quân Mông - Nguyên có kỵ binh cơ động mạnh đó là “trường trận”, ta dùng “đoản binh” - đánh gần, đánh bất ngờ, nhỏ lẻ, rộng khắp, kết hợp với thế của sông nước, địa hình nên đã chế ngự được “trường trận” của chúng, đó là nghệ thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”.
“Lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” phải giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để tạo nên sức mạnh lớn nhất đánh thắng quân xâm lược. Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa, trong đó nhân hòa là quan trọng nhất, còn địa lợi nghĩa là biết tận dụng và cải tạo địa hình thành thế có lợi cho ta, buộc địch phải hành động ở địa hình bất lợi. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, tổ tiên ta thường dựa vào sông nước để chặn địch, dựa vào núi rừng để đánh nhỏ lẻ, rộng khắp, tạo thế, tạo thời cơ, dựa vào địa hình trung du, đồng bằng để đem quân thủy, bộ đánh các đòn tiêu diệt lớn ở các trọng điểm. Nguyễn Sưởng - nhà thơ thời nhà Trần, khi ca ngợi Chiến thắng Bạch Đằng đã viết: “Thùy chi vạn cổ Trùng Hưng nghiệp/Bán tại quan hà, bán tại nhân” - Có ai biết rằng sự nghiệp thời Trùng Hưng lưu danh muôn thuở/Một nửa là do sông núi, một nửa do người4. Bên cạnh đó, địa hình, thời tiết nước ta cũng là một yếu tố quan trọng góp phần tăng thêm sức mạnh kháng chiến. Quân địch thường khởi binh xâm lược nước ta vào mùa đông, thời tiết phù hợp với chúng ở phương bắc, còn quân và dân ta thường trì hoãn chiến kéo sang mùa xuân, mùa hè với thời tiết nhiệt đới lam sơn chướng khí ngày càng nhiều, dịch bệnh hoành hành, khiến quân địch ốm đau, tinh thần suy sụp, sức chiến đấu giảm sút đến mức chúng cũng phải tự đánh giá “khí độc hại người còn hơn là binh đao”5 và Đại Việt “chỉ cậy có núi biển hiểm trở và lam chướng ác liệt mà thôi”6.
“Lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” phải coi trọng dùng mưu kế, tạo lập và chuyển hóa thế trận linh hoạt, từ đó tạo ra thời cơ có lợi để đánh địch ở thế có lợi. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, tổ tiên ta đặc biệt chăm lo xây dựng thế trận cả nước đánh giặc, “người đánh giỏi thường tìm ở thế, không trách ở người, cho nên mới chọn người mà dùng thế”. Phải kết hợp chặt chẽ “thế người” - thế bố trí lực lượng với thế của địa hình, hình thành thế xen kẽ với địch ở cả cấp chiến thuật và chiến lược trên cơ sở thế trận “làng - nước”, một thế trận đặc thù của chiến tranh nhân dân Đại Việt. Lập thế phải hạn chế chỗ mạnh, đánh vào chỗ yếu của địch, đưa quân địch vào tình thế “cá lớn lội ở chỗ nước nông”, “thú mạnh đã sa vào đồng nội” mà ta thì có thể tự do hành động, chủ động ứng biến linh hoạt ở thế trận có lợi, phải đạt được “đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có lũy, chiến ở chỗ không có trận”. Phải trên cơ sở thế trận cả nước đánh giặc, kết hợp chặt chẽ, phát huy cao độ sức mạnh của các lực lượng. Vận dụng linh hoạt các hình thức và phương pháp tác chiến, đánh địch nhỏ lẻ, rộng khắp, thường xuyên, liên tục, đánh địch ngay cả khi phải rút lui chiến lược, đẩy địch vào thế bị sát thương, tiêu hao, suy yếu, sa lầy; trên cơ sở đó, tạo thế và thời cơ có lợi, tập trung lực lượng cơ động chiến lược, đánh đòn tiêu diệt lớn ở các trọng điểm tạo đột biến chiến lược, kết thúc chiến tranh. Đó là sự vận dụng sáng tạo, thực hiện hiệu quả biện pháp tác chiến: kết hợp đánh tiêu hao rộng khắp với đánh tiêu diệt có trọng điểm của nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”. Quá trình tác chiến là quá trình phối hợp chặt chẽ các đòn đánh về quân sự với các hình thức đấu tranh, nêu cao chính nghĩa, đánh vào lòng người - “mưu phạt nhi tâm công”, chủ động đấu tranh ngoại giao, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống xâm lược.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét