Đại hội VI của Đảng đánh dấu sự đổi mới trên nhiều mặt, nhiều lĩnh
vực, trong đó có quan điểm đổi mới về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
Báo cáo chính trị của Đại hội VI chỉ rõ: “Nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà
nước. Nêu cao vị trí và vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các
cấp, tạo điều kiện cho các cơ quan dân cử thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và
quyền hạn theo Hiến pháp quy định. Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và quản
lý xã hội bằng pháp luật... Chấn chỉnh bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh,
gọn, có đủ năng lực thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật,
chính sách cụ thể”.
Báo cáo chính trị tại Đại hội IX của Đảng đã đề cập thêm một nhiệm
vụ quan trọng của Quốc hội là quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Nhiệm vụ đặt ra với Quốc hội là kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng
cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là tăng cường công tác lập pháp,
đổi mới quy trình ban hành luật. Quốc hội cần làm tốt chức năng quyết định các
vấn đề quan trọng của đất nước, quyết định và phân bổ ngân sách nhà nước, thực
hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
Thời gian qua, Đảng đoàn Quốc hội đã thực hiện nhiều quy trình
chặt chẽ nhằm bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội và công tác tổ chức cán
bộ của Quốc hội. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn những nhiệm kỳ vừa qua, cần đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội về công tác tổ chức cán bộ
như sau:
Một là, trước mỗi kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội
xây dựng đề án công phu về các nội dung lớn của cuộc bầu cử, trình Bộ Chính
trị, Ban Chấp hành Trung ương cho ý kiến; đồng thời, triển khai nghiêm túc kết luận
của Bộ Chính trị về đề án bầu cử. Tuy nhiên, Đảng không làm thay, cụ thể là
không ấn định về cơ cấu đại biểu, không quy định cơ cấu “cứng” phân bổ cho cơ
quan, tổ chức. Thời gian qua, hầu hết người giới thiệu ứng cử trong cơ cấu
“cứng” là lãnh đạo cơ quan, tổ chức làm cho tỷ lệ đại biểu là nhà khoa học và
các giới, các ngành chưa cao, dẫn đến việc tỷ lệ không nhỏ đại biểu Quốc hội
“gánh nhiều cơ cấu”. Xu hướng tăng dần đại biểu Quốc hội chuyên trách từ khoảng
5 - 6% tổng số đại biểu Quốc hội đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX lên 25,1% ở Quốc
hội khóa XI, khoảng 35 - 40% ở Quốc hội khóa XIII và tăng khoảng 5% ở mỗi nhiệm
kỳ tiếp theo là tín hiệu tốt; bởi vì, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt
động chuyên trách sẽ giúp Quốc hội hoạt động hiệu quả, chất lượng hơn.
Hai là, đổi mới công tác cán bộ, lựa chọn người đủ đức, đủ tài tham
gia vào Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhân sự cấp chiến lược phải chịu trách nhiệm
trước Đảng về thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tức là
gắn việc lựa chọn nhân sự cấp chiến lược với thực hiện chính sách; nói cách
khác là tích hợp phương thức lãnh đạo bằng công tác cán bộ với phương thức lãnh
đạo bằng chính sách. Nhân sự cơ cấu vào các ủy ban của Quốc hội như hiện nay về
cơ bản là phù hợp, bảo đảm sự kết nối giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội
đồng Dân tộc, các ủy ban, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm có 3
cơ quan giúp việc về các lĩnh vực công tác đại biểu, dân nguyện, lập pháp. Đặc
biệt, Ban Công tác đại biểu làm tốt công tác tham mưu, việc phục vụ bầu cử đại
biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân đi vào nền nếp; nâng cao chất lượng
đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Trong thời gian qua, Đảng đã lãnh đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội
thực hiện tốt nhiệm vụ là cơ quan thường trực của Quốc hội, chỉ đạo, điều hòa,
phối hợp hoạt động của các cơ quan của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã
phân công Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thẩm tra các dự án luật,
nghị quyết và các báo cáo, dự án khác theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; thực
hiện các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ
Quốc hội.
Ba là, cần có cơ chế tăng cường vai trò, sự
tham gia của Đảng đoàn Quốc hội và tổ chức đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc,
các ủy ban của Quốc hội từ sớm, từ xa trong tham mưu với Đảng để quyết định chủ
trương, đường lối, chính sách; có quy định về sự phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc
hội và cơ quan trình nội dung nghị quyết ra Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính
trị, Ban Bí thư nhằm tạo sự đồng thuận trong hoạt động của Quốc hội. Đề cao vai
trò của Bí thư, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội và Đảng đoàn Quốc hội chịu trách
nhiệm trước Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kết quả hoạt
động của Quốc hội, mở rộng thêm phạm vi đánh giá và cụ thể hóa bằng việc đánh
giá kết quả thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách mà Đảng đã hoạch
định.
Bốn là, đổi mới phương thức lãnh đạo qua các tổ chức đảng trong Quốc
hội, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội đồng Dân tộc và 9 ủy ban (từ
nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII) thông qua các tổ chức đảng tại đây. Hội đồng Dân
tộc và các ủy ban có thường trực, gồm chủ tịch/chủ nhiệm, phó chủ tịch/phó chủ
nhiệm và ủy viên hoạt động chuyên trách. Cần sớm hoàn thiện tổ chức đảng trong
Quốc hội để gắn kết, quản lý chặt chẽ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách
ở các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quy định rõ
vai trò của tổ chức đảng ở Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội trong
lãnh đạo cơ quan tương ứng của Quốc hội; có mô hình tổ chức đảng đặc thù trong
Quốc hội khi tăng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.
Năm là, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Đoàn đại biểu Quốc hội,
tập trung vào các đại biểu Quốc hội chuyên trách, giúp Đoàn đại biểu Quốc hội phát
huy được vai trò là cầu nối giữa đại biểu và công dân cử tri, cung cấp thêm
nhiều thông tin, dữ liệu minh bạch hơn cho hoạt động giám sát của các cơ quan
của Quốc hội, giúp đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ.
Sáu là, đổi
mới phương thức lãnh đạo của Đảng qua tìm kiếm, lựa chọn nhân tài là nhân sự
cấp chiến lược vào bộ phận hỗ trợ, tham mưu cho Quốc hội, điển hình như vị trí
Tổng Thư ký Quốc hội và tăng cường kỷ cương hành chính, mục tiêu cải cách hành
chính đối với Văn phòng Quốc hội.
HAIVAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét