6 bài học kinh nghiệm quý trong phòng chống tham nhũng
Phân tích từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng,
chống tham nhũng ở nước ta thời gian qua, Tổng Bí thư cho biết, chúng ta có thể
rút ra nhiều bài học quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn. Tổng Bí
thư nêu khái quát mấy vấn đề cốt yếu sau đây:
(1) Trước hết, cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu
sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng, chống tham
nhũng, tiêu cực để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng và
phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất của Đảng, mà trực
tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực trực thuộc Bộ Chính trị; Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực
của Ban Chỉ đạo. Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán
bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu,
quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của
người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống
tham nhũng. Tham nhũng thường diễn ra trong nội bộ, do người có chức, có quyền
thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân
mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình; liên quan
đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, phải có
thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ
thể, hiệu quả. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm
về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Người được giao
chức vụ, quyền hạn phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi,
tự sửa; đồng thời phải tăng cường giám sát, kiểm soát có hiệu quả việc thực thi
quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn. Mọi quyền lực đều phải được kiểm
soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm;
quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn;
bất kể ai lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách
nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải "nhốt" quyền lực vào trong
"lồng" cơ chế là với ý nghĩa như vậy.
2) Phòng, chống tham nhũng là "chống giặc nội
xâm", tức là chống những thói hư, tật xấu, nhất là sự suy thoái về phẩm
chất, đạo đức, tệ ăn bớt, ăn cắp, ăn chặn của công dưới nhiều hình thức; tiền
tài, của cải, vật chất,... do người khác "biếu xén", "cho, tặng",
hối lộ,... với động cơ không trong sáng. Nó thường diễn ra đối với những người
có chức, có quyền. Vì vậy, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng
khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên
trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" ở tất cả
các cấp, các ngành, các lĩnh vực; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư
tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; với những bước đi vững chắc, tích
cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm; phải xây dựng cho được một cơ chế
phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe,
trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo
đảm để "không cần tham nhũng". Tham nhũng là "khuyết tật bẩm
sinh" của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chế
độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xoá ngay tận gốc
tham nhũng trong một thời gian ngắn. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham
nhũng không thể chủ quan, nóng vội, thoả mãn; không được né tránh, cầm chừng;
trái lại, phải rất kiên trì, không "ngừng", không "nghỉ";
vừa phải kiên quyết phát hiện, xử lý tham nhũng, vừa phải kiên trì giáo dục,
quản lý, ngăn ngừa, răn đe, không để xảy ra tham nhũng, vừa phải cảnh giác, đấu
tranh với những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phần tử xấu lợi
dụng đấu tranh phòng, chống tham nhũng để kích động, chia rẽ, chống phá Đảng,
Nhà nước và chế độ ta.
3) Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa
với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ, nghiêm minh các hành vi tham
nhũng; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là
đột phá, quan trọng. Để chủ động, tích cực phòng ngừa, cần phải tập trung xây
dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về kinh tế - xã hội, tăng cường pháp chế
xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững
mạnh toàn diện.
Trong phát hiện, xử lý, phải quán triệt nguyên tắc:
Có vụ việc thì phải xác minh làm rõ; tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý
đến đó; xử lý cả hành vi tham nhũng và hành vi dung túng, bao che cho tham
nhũng; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải
khởi tố, điều tra; kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của
pháp luật; vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý kỷ luật nghiêm theo quy
định của Đảng, Nhà nước, đoàn thể. Phải tiến hành đồng bộ giữa kỷ luật đảng, kỷ
luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự. Kỷ luật của Đảng thực
hiện trước, tạo tiền đề để xử lý kỷ luật hành chính của Nhà nước, của đoàn thể
và xử lý hình sự. Việc xử lý phải lấy giáo dục, răn đe, phòng ngừa làm chính,
kết hợp giữa trừng trị với khoan hồng; đồng thời bảo vệ, khuyến khích những
người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo vì sự nghiệp chung.
4) Phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn phòng, chống tham nhũng,
lãng phí, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội
bộ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong
đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của cơ
quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên; của nhân
dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong phòng,
chống tham nhũng. Phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
"Dân là gốc"; dựa vào dân, lắng nghe dân, lắng nghe dư luận để chọn
lọc, tiếp thu cái đúng, nhưng không đơn giản "theo đuôi", chạy theo
dư luận. Triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực
ngoài Nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
5) Kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà
nước, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương về
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp
chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan chức năng phòng, chống
tham nhũng. Ban Chỉ đạo phải thực sự là trung tâm chỉ đạo, điều hoà, phối hợp
hoạt động, là chỗ dựa vững chắc để các cơ quan chức năng phòng, chống tham
nhũng thực thi nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống
tham nhũng phải có bản lĩnh vững vàng, có dũng khí đấu tranh; phải trung thực,
liêm chính, "chí công vô tư", thực sự là "thanh bảo kiếm"
sắc bén của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kiểm soát
quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả
trong các cơ quan này, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan làm công
tác phòng, chống tham nhũng.
6) Các giải pháp phòng, chống tham nhũng phải phù
hợp với bối cảnh yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hoá của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc
kinh nghiệm của nước ngoài. Đồng thời, phải xây dựng được văn hoá công vụ của
mỗi ngành, cơ quan, đơn vị. Văn hoá công vụ sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp,
trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ. Trong từng giai đoạn
khác nhau, phải xác định những nhiệm vụ trọng tâm, những giải pháp có tính đột
phá, phù hợp với tình hình của đất nước, của địa phương để tập trung lãnh đạo,
chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét