Kiên quyết không khoan nhượng với tham
nhũng, tiêu cực
Tổng Bí thư nêu rõ: Phòng, chống tham nhũng là cuộc
đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức;
liên quan đến lợi ích, chức vụ, danh vọng, uy tín của tổ chức, cá nhân. Vì vậy,
phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết
liệt, cụ thể, hiệu quả.
Phát biểu Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10
năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sáng 30/6, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, đây là một Hội nghị có ý nghĩa
rất quan trọng, bàn về những vấn đề liên quan đến "chống giặc nội
xâm", giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị;
củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta;
được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng.
Sự có mặt đông đủ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các
đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các
ban, bộ, ngành Trung ương và toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
với gần 500 đại biểu dự họp trực tiếp và hơn 80.000 đại biểu dự họp trực tuyến
tại hơn 4.000 điểm cầu trong cả nước (nhiều tỉnh, thành phố kết nối đến cấp
huyện, xã) đã thể hiện ý thức trách nhiệm, tinh thần nghiêm túc và quyết tâm
cao của toàn Đảng ta trong việc kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nghiêm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về vấn
đề này, cũng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 các khoá XI, XII, XIII về xây
dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan
nghênh, chào mừng và cảm ơn các đồng chí đã tham dự Hội nghị đông đủ và đóng
góp nhiều ý kiến rất quan trọng, tâm huyết, sâu sắc, mang đến cho Hội nghị một
tinh thần phấn chấn, đoàn kết, trách nhiệm và thống nhất cao và gửi đến các vị
đại biểu và các đồng chí có mặt ở các điểm cầu lời chào thân ái, lời thăm hỏi
chân tình và lời chúc tốt đẹp nhất.
Tổng Bí thư nêu rõ, Hội nghị của chúng ta đã nghe
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và ý
kiến phát biểu của một số đại biểu. Tất cả các ý kiến phát biểu đều bày tỏ sự
thống nhất cao với nội dung Báo cáo, đồng thời bổ sung, phân tích, làm rõ thêm
nhiều vấn đề; nêu thêm một số kinh nghiệm quý, cách làm hay trong lãnh đạo, chỉ
đạo và tổ chức thực hiện, từ đó đề xuất, kiến nghị, nhấn mạnh thêm một số nhiệm
vụ, giải pháp nhằm làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
trong thời gian tới.
Đã trở thành phong trào, xu thế không
thể đảo ngược
Nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng
giai đoạn 2012 – 2022, Tổng Bí thư nêu rõ, qua Báo cáo tổng kết và nghe các ý
kiến phát biểu; qua kết quả cụ thể trong thực tế, và qua điều tra dư luận xã
hội, sự đánh giá của các tổ chức quốc tế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng
định rằng: Phát huy kết quả và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh, phòng,
chống tham nhũng trong các giai đoạn trước, trong 10 năm gần đây, với việc
thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (trực
thuộc Bộ Chính trị) đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được
Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu,
có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại
dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội, và thực
sự "đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược", được cán
bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế
ghi nhận. Tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng
giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin
của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên
giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến của người dân (93%)
bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham
nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực xấu, thù địch đều
trở nên trơ trẽn, nực cười. Đó là thành công lớn trong công tác phòng, chống
tham nhũng của chúng ta trong thời gian qua.
Tổng Bí thư khẳng định, nhìn lại chặng đường 10 năm
kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
trực thuộc Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đến nay, nhất là sau 2 năm thực hiện
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn,
thách thức, nhưng với ý chí và tinh thần trách nhiệm cao, với sự nỗ lực phấn
đấu, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta đã thu được nhiều kết quả
quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao ý chí, niềm tin của nhân dân vào công
cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày càng giàu
mạnh, ngày càng phát triển, có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư nêu rõ, không phải như một số ý kiến
cho rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí",
"chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm, làm "chậm" sự
phát triển đất nước; mà hoàn toàn ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp
phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính
trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đặc biệt là góp phần lấy lại
và củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực
xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán
bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", "phe cánh". “Đẩy
mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ
máy Nhà nước chỉ làm "chùn bước" những ai có động cơ không trong
sáng, đã trót "nhúng chàm" và những người không nắm vững chủ trương,
chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm” – Tổng Bí
thư khẳng định!
Qua tổng kết, chúng ta có thể khẳng định rằng, chưa
bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện
một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần
đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng
cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét