Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

Đấu tranh, đẩy lùi tình trạng đoàn kết xuôi chiều

“Đoàn kết xuôi chiều” là một trong những căn nguyên sâu xa làm suy giảm năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đồng thời là một trong những tác nhân khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm chấn chỉnh tình trạng đoàn kết xuôi chiều và dân chủ hình thức.

 Hội nghị lần thứ 4 của các nhiệm kỳ Đại hội XI, XII và XIII của Đảng ta, Trung ương đều ra Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, trong đó trọng tâm là chống tham nhũng, tiêu cực. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đánh giá rất cụ thể, rõ ràng về nguyên nhân, tác hại và những giải pháp khắc phục tình trạng “đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”.

Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm”.

Cụ thể hơn, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bổ sung một số quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, điều thứ 3 quy định đảng viên “không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng”.

Mới đây là Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Trong các tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm, quy định nêu cụ thể về việc đánh giá “ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình”. Như vậy, những người dĩ hòa vi quý, né tránh đấu tranh sẽ không nhận được sự tín nhiệm của tập thể. 

Tuy nhiên, dù có bao nhiêu quy định, quy chế cũng không thể bao trùm lên tất thảy mọi hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước, đoàn thể. Do vậy, không thể không nhắc một điều tưởng như đã quá quen thuộc, đó là, mỗi tổ chức đảng, đảng viên phải luôn nhận thức sâu sắc và hành động nhất quán theo Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng. Mọi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm đóng góp ý kiến, cùng tập thể xây dựng nghị quyết. Phải chống bằng được thói bàng quan, chiếu lệ trong sinh hoạt đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quan tâm đến tập thể, khiêm tốn, lắng nghe ý kiến, tôn trọng đồng chí, đồng nghiệp. Những điều này tưởng như ai cũng thuộc nhưng làm cho đúng, cho thực chất mới khó. Một danh nhân từng nói đại ý: Tôi từng nghĩ, người khác tôn trọng tôi là vì tôi xuất sắc. Dần dần tôi hiểu ra điều này, người khác tôn trọng tôi là vì họ rất xuất sắc.

         Cần nhấn mạnh vai trò gương mẫu của người đứng đầu. Thủ trưởng phải công tâm, công bằng, thật sự là trung tâm, hạt nhân đoàn kết, quy tụ được người tài, người thẳng thắn, có ý kiến khác mình. Không có thắng lợi chung chung, thành tựu chung chung. Muốn tập thể giành thắng lợi thì mỗi cá nhân phải làm tốt công việc của mình, phải dám chịu trách nhiệm. Đã cùng nhau đẩy thuyền thì phải đẩy thật, đừng “dô hò” là chính. Được như thế chính là tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, vì “chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù hung ác nhất” như Bác Hồ căn dặn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét