Đến nay, Việt Nam đã bốn lần công bố Sách trắng Quốc phòng, trong đó thể hiện rõ mục tiêu: tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận một cách vô căn cứ. Vì vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá chính sách quốc phòng Việt Nam là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Những năm qua, cùng với quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện nhất quán trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Việt Nam đã công bố Sách trắng Quốc phòng, trong đó nêu rõ chủ trương “Bốn không”1, thể hiện rõ sự công khai, minh bạch tính chất của nền quốc phòng Việt Nam là hòa bình và tự vệ; phương châm nhất quán là kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tích cực, chủ động ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc phòng với các nước để nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và giải quyết các thách thức an ninh chung; tăng cường sự hiểu biết và xây dựng lòng tin của các quốc gia khác với Việt Nam.
Tuy nhiên, bất chấp sự thật, các thế lực thù địch đã không từ thủ đoạn nào để công kích, xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam. Họ cho rằng, chính sách quốc phòng nói chung, chủ trương “bốn không” của Đảng, Nhà nước ta nói riêng đã lỗi thời, lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; “không liên minh quân sự”, “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là Việt Nam đã “từ bỏ bạo lực cách mạng trong bảo vệ đất nước”, là “tự trói tay, chân mình”, “tự cô lập mình”, đi ngược lại xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực Biển Đông, các thế lực thù địch cho rằng, với chính sách quốc phòng hiện nay thì Việt Nam không thể giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do đó, chỉ có liên minh quân sự với các cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc, v.v.
Cần khẳng định rõ, những luận điệu trên hoàn toàn vô căn cứ, xuyên tạc trắng trợn chính sách quốc phòng của Việt Nam. Bởi, quan điểm nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là: “Bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, của chế độ chính trị, nền kinh tế và tiềm lực quốc gia là nhân tố quyết định”2. Điều 4, Luật Quốc phòng năm 2018 xác định: “Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”3. Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 nêu rõ: “Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác quốc phòng dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng đa phương nhằm góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia”4. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc”5.
Trên thực tế, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi đúng chính sách quốc phòng đã đề ra, tích cực thực hiện cam kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có 05 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tất cả các nước lớn trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử hơn 510 lượt cán bộ, nhân viên với 03 lượt bệnh viện dã chiến và Đội Công binh số 1 đến thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo uy tín, vị thế, đưa Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu bầu rất cao (192/193 phiếu tán thành). Đây là minh chứng thể hiện rõ mong muốn, thiện chí của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam trong thực thi chính sách quốc phòng mà không một thế lực nào có thể xuyên tạc, phủ nhận.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, sự xuyên tạc chính sách quốc phòng Việt Nam trong tình hình hiện nay, cần thực hiện tốt những nội dung cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và làm rõ tính đúng đắn của chính sách quốc phòng Việt Nam hiện nay. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, bằng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, sáng tạo; trong đó, chú trọng thông tin, tuyên truyền về quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, Luật Quốc phòng, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam. Tập trung làm rõ cơ sở khoa học, khẳng định tính chính nghĩa, hòa bình và tự vệ của chính sách quốc phòng Việt Nam. Để đạt hiệu quả, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, chính thống về hoạt động quân sự, quốc phòng; những vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong nước, khu vực và quốc tế, nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, cách tiếp cận đúng cho nhân dân, kiều bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế về chính sách quốc phòng Việt Nam. Thông qua đó, không ngừng củng cố lòng tin của các quốc gia về đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp; phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, nhất là lực lượng nòng cốt, chuyên sâu ở các cơ quan, đơn vị để hình thành mạng lưới sâu rộng, hùng hậu tham gia đấu tranh làm thất bại mọi thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch đối với chính sách quốc phòng Việt Nam.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, một trong những mục tiêu của các thế lực thù địch là phá hoại đường lối đối ngoại và chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta; phủ nhận, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng; chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động quân sự, quốc phòng, tiến tới “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, tạo tiền đề cho chuyển hóa thể chế chính trị ở Việt Nam. Để làm thất bại mưu đồ của chúng, vấn đề tiên quyết đối với nước ta hiện nay là phải: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”6. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, phương thức lãnh đạo của Đảng và hệ thống luật pháp của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Đồng thời, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn đòi đa nguyên, đa đảng, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch.
Ba là, làm rõ chủ trương huy động mọi nguồn lực, tăng cường sức mạnh quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Hiện nay, vấn đề mà các thế lực thù địch tập trung công kích nhiều nhất là chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam và hô hào đòi chúng ta phải liên minh, liên kết với nước ngoài. Song, thực tiễn lịch sử đã minh chứng, chúng ta luôn giành thắng lợi trước mọi kẻ thù xâm lược và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì đã biết phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh nội lực của toàn thể dân tộc. Vì vậy, để đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, cần làm cho mọi người hiểu rõ chủ trương tăng cường sức mạnh quốc phòng phải dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế. Đồng thời, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Đây là nhiệm vụ quan trọng và kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; đồng thời, phản bác luận điệu “tự cô lập mình” của các thế lực thù địch. Do đó, cần tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế với chiến lược đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo, có nguyên tắc, tăng đối tác, giảm đối tượng, tạo thế đan xen lợi ích chiến lược giữa nước ta với các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc. Tích cực củng cố tình hữu nghị, đoàn kết quốc tế, thúc đẩy quan hệ, hợp tác quốc phòng, tăng cường tiềm lực để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; góp phần củng cố lòng tin chiến lược giữa Việt Nam với các nước, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội ta trên trường quốc tế.
Chính sách quốc phòng Việt Nam thể hiện rõ truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân đạo và thiện chí của Việt Nam, không chỉ góp phần xây dựng, củng cố niềm tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, mà còn làm phá sản mọi sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch./.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét