Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận

 Công tác lý luận bao gồm các hoạt động nghiên cứu, phát triển lý luận, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định và cụ thể hóa đường lối; và các hoạt động truyền bá lý luận, đưa lý luận và cuộc sống, nhằm nâng cao trình độ lý luận, giác ngộ chính trị, xây dựng phương pháp tư duy khoa học cho các đối tượng. Đây là mặt công tác quan trọng hàng đầu trong công tác tư tưởng, giữ vai trò quyết định trên mặt trận tư tưởng. Thực tế cho thấy, chỉ làm tốt công tác lý luận mới đảm bảo cho Đảng giữ vững và không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân (GCCN), tính tiền phong, năng lực lãnh đạo chính trị đối với tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Công tác lý luận là trách nhiệm và hoạt động của toàn Đảng, nhưng trước hết và chủ yếu thuộc về cấp chiến lược. Đảng tiên phong trước hết là tiên phong về lý luận.

Nhiệm vụ của công tác lý luận: Một là, tổng kết thực tiễn; Hai là, phát triển lý luận. Hai mặt này gắn liền với nhau và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng. Sự chậm trễ hoặc phạm sai lầm trong công tác lý luận là nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng dao động, không thống nhất về chính trị, tư tưởng, dẫn Đảng tới nguy cơ sai lầm về đường lối, chủ trương, dẫn đến mất vai trò lãnh đạo. Công cuộc đổi mới càng đi vào chiều sâu càng đòi hỏi công tác lý luận phải được tăng cường, đẩy mạnh. Đại hội IX của ĐCS Việt Nam đã chỉ ra: phải “đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, thảo luận dân chủ, sớm làm rõ và kết luận những vấn đề mới, bức xúc nảy sinh từ thực tiễn; từng bước cụ thể hóa, bổ sung, phát triển đường lối, chính sách của Đảng; đấu tranh với những khuynh hướng, tư tưởng sai trái”(2). Nghị quyết số 16/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 17-4-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa X về tăng cường công tác đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; nghị quyết Đại hội Đảng qua các thời kỳ... Trong đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã khẳng định: “Đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Ðảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Ngày 22-10-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, trong đó xác định một trong sáu quan điểm chỉ đạo là: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”.  ĐCS Việt Nam luôn xác định công tác lý luận là một trong những hoạt động quan trọng hàng đầu của Đảng, là một trong những nội dung quan trọng của công tác lãnh đạo và là phương thức lãnh đạo chủ yếu của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.

Mục tiêu của công tác lý luận là vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện cụ thể hiện nay của Việt Nam để xây dựng cơ sở lý luận cho đường lối cách mạng của Đảng; phổ biến, truyền bá lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công cuộc đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do Đảng lãnh đạo.

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, công tác lý luận là một nội dung trọng yếu, nhân tố quan trọng hàng đầu tạo nên sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng. Công tác lý luận góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. ĐCS Việt Nam xác định công tác lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ, phát triển và củng cố niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng; làm cho hệ tư tưởng của Đảng, lý tưởng XHCN giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới. Công tác lý luận giúp bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên lực lượng và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, tư tưởng, trí tuệ, văn hóa và đạo đức. Công tác lý luận có vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác lý luận phải góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phê phán các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, nhất là âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, củng cố và phát huy sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, công tác lý luận luôn được coi trọng và tăng cường, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Sau hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về nội dung, con đường đi lên CNXH ở nước ta đã ngày càng rõ hơn, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của đất nước(3)...

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, coi đó là một bộ phận quan trọng trong công tác lý luận của Đảng. Từ khi thành lập đến nay, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng ta luôn coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch; ngày càng chú trọng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ quan trọng này. Đảng ta luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, coi đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng.

Chủ thể, lực lượng tham gia: Công tác lý luận phải gắn bó chặt chẽ với công tác tổ chức, cán bộ và phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân; phải tiến hành đồng thời với việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng; nói đi đôi với làm. Cần hết sức coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu để bổ sung và phát triển lý luận, góp phần xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức tiến hành công tác tư tưởng, lý luận đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác lý luận là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, trước hết là cấp ủy, bí thư cấp ủy các cấp; của cả hệ thống chính trị với sự tham gia tích cực của nhân dân, trong đó lực lượng nòng cốt là đội ngũ chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ quan trọng bảo vệ trận địa tư tưởng của Đảng, bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng, vì vậy, cần huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; việc tổ chức đấu tranh cần được chuẩn bị kỹ, chặt chẽ, khoa học và quyết tâm cao. Tất cả các cơ quan tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, báo chí là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ này. Người đứng đầu cấp ủy phải là người tổ chức cuộc đấu tranh. Cần huy động một đội ngũ chuyên gia giỏi, tâm huyết tham gia cuộc đấu tranh. Cần thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm, biểu dương những cơ quan, những người làm tốt nhiệm vụ.

Tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phê phán, phản bác có hiệu quả các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị. Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh trên cơ sở giữ vững quan điểm và nguyên tắc; mềm dẻo, linh hoạt trong phương pháp; công khai, minh bạch, dân chủ, góp phần tạo dư luận xã hội lành mạnh, đồng thuận. Đối thoại, trao đổi với những người có ý kiến khác trên tinh thần khoa học, dân chủ, xây dựng và thuyết phục. Phát huy vai trò và trách nhiệm của các phương tiện truyền thông đại chúng, các diễn đàn khoa học vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước, vì lợi ích của nhân dân và sự vững vàng của chế độ.

Vai trò bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận:  Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và sự phát triển của đất nước. Cuộc đấu tranh đó không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ học thuyết cách mạng của giai cấp công nhân (GCCN) trước sự tấn công, chống phá của kẻ thù giai cấp, mà còn bảo vệ độc lập dân tộc. Đồng thời, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn có nhiệm vụ vô cùng quan trọng là góp phần bổ sung, hoàn thiện và phát triển lý luận, học thuyết cách mạng của GCCN trước sự vận động, biến đổi của lịch sử nhân loại, cũng như của bản thân giai GCCN và các lực lượng xã hội khác. Bởi vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận là một sự phân tích, phê phán mácxít nghiêm túc luôn đòi hỏi công tác lý luận có một thái độ đối xử có phân biệt, thích hợp trong mọi trường hợp cụ thể, đối với các đại biểu cụ thể của các trường phái tư tưởng triết học, xã hội học tư sản hiện nay. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận còn có vai trò hết sức quan trọng là định hướng hệ giá trị tư tưởng cho các lực lượng, tầng lớp trong xã hội nước ta, đồng thời góp phần tập hợp lực lượng nhằm thực hiện mục tiêu là xây dựng thành công CNXH.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận hiện nay có một số đặc điểm mới. Một là, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận trước sự thay đổi về tương quan giữa các đối thủ chủ yếu trong cuộc đấu tranh ý thức hệ hiện nay; Hai là, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận trong kỷ nguyên toàn cầu hóa sôi động và Cách mạng công nghiệp 4.0;  Ba là, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong cuộc đấu tranh hiện nay;  Bốn là, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận ngày càng gay gắt, phức tạp với những hình thức biểu hiện mới.

Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực lý luận phải kịp thời, kiên quyết, kiên trì, sắc bén, có căn cứ khoa học, có sức thuyết phục; không áp đặt, võ đoán, quy kết, định kiến. Cuộc đấu tranh này phải được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với nội dung phong phú, phù hợp với từng đối tượng.  Để cuộc đấu tranh này có hiệu quả, cần nắm vững và thực hiện tốt các quan điểm. Một là, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng phải đi đôi với phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Hai là, kết hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch với đấu tranh chống suy thoái và tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phòng, chống tham nhũng, nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu; Ba là, kết hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc với đấu tranh chống bảo thủ, giáo điều, cực đoan, duy ý chí với khắc phục hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; Bốn là, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng là nhiệm vụ của toàn Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng làm công tác tư tưởng, lý luận, báo chí là nòng cốt, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội;  Năm là, giữ vững trận địa tư tưởng, nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Triển khai tích cực, kiên quyết, thường xuyên, liên tục với quyết tâm chính trị cao, phương pháp khoa học, có sức thuyết phục cao, sức lan tỏa sâu rộng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét