Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Cần gắn kết văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình hiện nay

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta đã xác định mục tiêu xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả các quan điểm, chủ trương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung thực hiện những nội dung sau: - Thứ nhất, cần nhận thức sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của quá trình phát triển; văn hóa phải được đặt ngang với kinh tế, chính trị, xã hội; đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển lâu dài. Thực hiện tốt quan điểm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa; chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. - Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch; xây dựng môi trường thụ hưởng đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh công tác văn hóa đối ngoại, tập trung quảng bá tiềm năng, thế mạnh, những nét đặc sắc về văn hóa, vùng đất, con người Khánh Hòa đến bạn bè quốc tế. - Thứ ba, đổi mới và đa dạng hóa nội dung và phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao gắn với thực tiễn đời sống xã hội và nhu cầu của người dân. Quan tâm tạo điều kiện phát triển văn hóa, văn nghệ cho các vùng, miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ có chuyên môn cao, sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đặc sắc. Phát triển văn hóa, xã hội theo hướng bền vững, tiếp tục quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, trong đó chú trọng giá trị văn hóa truyền thống; quan tâm đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm, các thiết chế văn hóa…. Đây là định hướng quan trọng để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân lập quyết tâm xây dựng những thành tựu mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét