Khi phán xét về nguyên nhân của một bộ phận người trẻ phai nhạt lý tưởng cách mạng, một số tác giả bài viết, trang mạng cá nhân chụp mũ rằng tổ chức đoàn chỉ biết đánh trống khua chiêng bằng một vài phong trào bề nổi nhạt nhẽo và vô bổ, rồi thổi phồng thành tích, giấu giếm khuyết điểm, làm mất niềm tin trong ĐVTN. Thế nhưng, sự quy chụp ấy trở nên trơ trẽn, nực cười trước thực tiễn hiển hiện rằng, cùng với những thành quả đạt được bằng nhiều phần việc nhìn thấy, sờ được trong thực tiễn đời sống xã hội, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh luôn lắng nghe, nêu cao tự phê bình, nhìn thẳng vào hạn chế, tồn tại để tiếp thu và tìm giải pháp khắc phục. Điển hình là trong các kỳ Đại hội Đoàn toàn quốc, dự thảo văn kiện được công khai bằng nhiều hình thức, nhất là trên các phương tiện truyền thông, trang fanpage của Đoàn để xin ý kiến đóng góp rộng rãi của thanh niên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ở phần hạn chế, tồn tại.
Thời gian qua, ở nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm của Đoàn đã thẳng thắn nhìn nhận, công tác giáo dục của Đoàn tuy rộng nhưng có lúc chưa sâu, một số hoạt động còn dàn trải, nặng về hình thức. Một số phong trào chỉ mới thu hút đoàn viên tích cực, thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững vì chưa chú ý đến những yếu tố đặc thù của đối tượng thanh niên trong doanh nghiệp, vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số. Một số tổ chức đoàn, nhất là ở cơ sở còn chậm nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục, chưa kịp thời có ý kiến và tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc, tiêu cực tác động đến thanh thiếu niên. Chất lượng một số tổ chức đoàn cơ sở trên địa bàn dân cư, nhất là khu vực nông thôn, khu công nghiệp còn yếu. Một bộ phận tổ chức đoàn chưa bắt nhịp kịp với những thay đổi nhanh chóng trong đời sống của thanh niên; thiếu quan tâm tới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chưa đầu tư đúng mức cho việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển đảng viên mới trong thanh niên.
Thừa nhận một số nội dung, hình thức hoạt động của Đoàn còn xơ cứng, nhiều đồng chí cán bộ Đoàn cho rằng đó là một trong những nguyên nhân chưa phát huy được vai trò chủ thể của thanh niên, mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, nguyện vọng và trình độ nhận thức của người trẻ. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật, đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên, giáo dục trách nhiệm công dân và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh tình hình hiện nay chưa thường xuyên.
Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, thanh niên dễ dàng tiếp cận các luồng thông tin khác nhau, trong đó có cả những thông tin sai lệch, độc hại, tác động đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm. Đây là cơ hội thuận lợi để các thế lực thù địch, tội phạm, kẻ xấu tiến hành hoạt động công kích, lôi kéo người trẻ vào các việc làm phi pháp. Ở lĩnh vực này, hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong thanh niên của Đoàn vẫn chưa tiếp cận được nhiều với nhóm đối tượng có nguy cơ phạm tội cao.
Cùng với đó, công tác nắm, định hướng tư tưởng thanh niên, có lúc, có nơi chưa kịp thời cũng là nguyên nhân khiến một số người trẻ dần xa với tổ chức đoàn, mất phương hướng, mục tiêu phấn đấu, dễ ngả nghiêng, dao động trước thủ đoạn mồi chài, mua chuộc của những phần tử xấu. Việc giáo dục, ngăn ngừa và đấu tranh với những tác động, lôi kéo thanh niên của các thế lực thù địch, sự truyền bá lối sống ngoại lai không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc còn những bất cập, hạn chế.
Thực tế tại Liên Xô (trước đây), vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, do những biến động về chính trị, Đảng Cộng sản đã dần đánh mất vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản, cùng sự chống phá của các thế lực ở trong và ngoài nước nên thời điểm trước khi Liên Xô sụp đổ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Côm-xô-môn đã không còn là tổ chức chính trị-đội hậu bị của Đảng Cộng sản Liên Xô; dần phát triển thành hiệp hội của các doanh nghiệp và sớm bị suy thoái, chuyển hóa về tư tưởng chính trị, tiếp đó chính thức biến mất khỏi vũ đài chính trị của đất nước. Đội thiếu niên và nhi đồng cũng cùng chung số phận; thanh thiếu niên bị mất phương hướng, “phi chính trị hóa” theo đúng kịch bản và âm mưu của các thế lực thù địch. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần nhận diện đúng thực trạng, xác định nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại để tìm giải pháp khắc phục, tránh để tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, dẫn đến dễ bị các thế lực phản động lôi kéo, lợi dụng.
Nhận diện rõ thách thức, hạn chế trong công tác giáo dục, rèn luyện, đoàn kết tập hợp thanh niên cũng như trách nhiệm trước thực trạng một bộ phận nhỏ “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”, với tinh thần cầu thị, tổ chức đoàn các cấp đã và đang tích cực nghiên cứu, tìm tòi những giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Bởi khách quan nhìn nhận rằng, những biểu hiện “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị” không đồng hành với thời gian của chủ thể mà xuất hiện theo từng thời điểm, giai đoạn, hoàn cảnh, theo mỗi tính chất nhiệm vụ cụ thể và thông qua các giai đoạn từ mầm mống, chuyển hóa trong nhận thức đến hành động cụ thể. Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng, không phải bản chất, không kéo dài và sẽ mất đi khi dư luận xã hội phê phán, lên án, đấu tranh và triệt tiêu dần; khi tổ chức, đơn vị, đoàn thể phát hiện và tiến hành các biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng kịp thời.
Với vai trò là lực lượng xung kích cách mạng, là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần tập trung triển khai những giải pháp gì để thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục, nâng cao sức đề kháng, khả năng miễn dịch của thanh niên trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá thâm hiểm của các thế lực thù địch. Nội dung này, chúng tôi sẽ trình bày ở bài viết tiếp theo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét