Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Chủ động ứng phó với nguy cơ sự cố, vũ khí sinh học

Chủ động ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học (VKSH); xử lý chất độc hóa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là một trong những giải pháp quan trọng được xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học (BCHH)-Trưởng Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Phóng viên (PV): Đồng chí đánh giá như thế nào về tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng VKSH, nguy cơ đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ? Thiếu tướng Hà Văn Cử: VKSH từng được coi là “vũ khí hạt nhân” của đất nước nghèo, với đặc tính khó kiểm soát, khả năng tàn phá trên phạm vi rộng lớn, thậm chí là toàn cầu. Tác nhân sinh học, VKSH là mối quan tâm đặc biệt của nhiều quốc gia, các tổ chức khủng bố luôn tìm cách sở hữu. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, khủng bố sinh học là việc cố ý tán phát virus, vi khuẩn, vi trùng, nấm... gây bệnh hoặc giết người, gia súc hay phá hoại mùa màng. Với ưu điểm của VKSH cùng sự chia sẻ kiến thức công nghệ sinh học rộng rãi trong thời đại internet, các đối tượng khủng bố ngày càng dễ tiếp cận với công nghệ sinh học hiện đại, các cơ sở nghiên cứu sinh học để nuôi cấy và vũ khí hóa các tác nhân sinh học có nguồn gốc tự nhiên. Việc kiểm soát an ninh sinh học thiếu chặt chẽ có thể dẫn đến những hậu quả toàn cầu khi đối tượng khủng bố sử dụng VKSH. Thực tế trên thế giới, VKSH từng được sử dụng trong chiến tranh và thực sự khó kiểm soát, khó dự đoán khi được sử dụng trên chiến trường, đôi khi có thể ảnh hưởng tới quân đội của cả hai phía. Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học, đặc biệt là công nghệ chỉnh sửa gene, đem đến khả năng tùy biến các tác nhân sinh học phù hợp với mục đích quân sự, VKSH vẫn có thể đang thu hút và ẩn dưới các chương trình nghiên cứu với lý do giảm thiểu dịch bệnh của nhiều quốc gia. Mặc dù hiện nay đã có 185 quốc gia ký kết và phê chuẩn Công ước VKSH, nhưng những tiến bộ vượt bậc của công nghệ sinh học và thiếu cơ chế kiểm tra của Công ước VKSH có thể dẫn đến hoạt động phổ biến VKSH khó được kiểm soát. PV: BCHH đã tham mưu với Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng ứng phó với các tình huống trên như thế nào, thưa đồng chí? Thiếu tướng Hà Văn Cử: Là lực lượng nòng cốt trong ứng phó, sẵn sàng chiến đấu trước tình huống vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có VKSH, đồng thời với chức năng Cơ quan thường trực của Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, BCHH đã thực hiện tốt công tác tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng về công tác xây dựng lực lượng, như thành lập lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân (CBRN). Hiện BCHH đã thành lập Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET); 3 trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân (tại 3 miền Bắc, Trung, Nam); Đội Khắc phục hậu quả môi trường; Trung tâm Dự toán phóng xạ-hóa học và phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Trung tâm 81). Ngoài ra, BCHH nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện văn bản hướng dẫn về lĩnh vực ứng phó sự cố CBRN, như: Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng ngừa, phát hiện và chuẩn bị ứng phó nguy cơ, sự cố CBRN giai đoạn 2019-2025; Kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố, thảm họa liên quan đến CBRN; tham mưu thu thập, đánh giá tình hình liên quan đến CBRN; thực thi các điều ước quốc tế về cấm vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có Công ước VKSH; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, lực lượng của Bộ Y tế trong tham mưu, huấn luyện, diễn tập phòng, chống dịch bệnh... Kết quả tham mưu và triển khai thực hiện nhiệm vụ của BCHH được QUTƯ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và các ban, bộ, ngành ghi nhận, đánh giá cao. PV: Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30-1-2023 có ý nghĩa như thế nào đối với việc thực hiện nhiệm vụ của BCHH? Thiếu tướng Hà Văn Cử: Công nghệ sinh học là một trong 3 lĩnh vực chính của Cách mạng công nghiệp 4.0. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW là chủ trương đúng đắn, kịp thời, tạo động lực đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực; xây dựng ngành công nghệ sinh học thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, góp phần nâng cao GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của đất nước. Bên cạnh vấn đề phát triển công nghiệp và công nghệ sinh học thì nhiệm vụ, giải pháp ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng VKSH; xử lý chất độc hóa học; bảo đảm an ninh sinh học trong nghiên cứu, sản xuất cũng được nghị quyết đề cập, điều này bảo đảm tính toàn diện của nghị quyết. Đây là chủ trương rất quan trọng, mang tính định hướng, dẫn đường, giúp BCHH làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu, sẵn sàng ứng phó, khắc phục tình huống sinh học; tích cực, chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các nguy cơ mất an ninh sinh học dẫn đến sự cố sinh học, phổ biến VKSH. PV: Công tác quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết quan trọng này được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí? Thiếu tướng Hà Văn Cử: Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, BCHH đã, đang phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 36-NQ/TW và xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết, trọng tâm là các nội dung liên quan đến nguy cơ, ngăn chặn, ứng phó nguy cơ, sự cố sinh học, khủng bố bằng tác nhân sinh học, sử dụng VKSH trong chiến tranh. Trong đó tập trung triển khai một số nhiệm vụ quan trọng, đó là: Thứ nhất, thường xuyên nắm chắc tình hình về phát triển sinh học, khả năng sử dụng VKSH trong chiến tranh, khủng bố bằng tác nhân sinh học; nguy cơ phổ biến VKSH; khả năng các thế lực thù địch lợi dụng nước ta phát triển công nghệ sinh học để vu khống, tạo cớ. Kịp thời tham mưu với QUTƯ, Bộ Quốc phòng các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện, ứng phó. Thứ hai, chủ động nghiên cứu, đề xuất kiện toàn, nâng cao năng lực của lực lượng nghiên cứu, ứng phó sự cố sinh học, các tình huống sử dụng VKSH thời bình và thời chiến; tuyên truyền, hoàn thiện kế hoạch, kịch bản tổ chức huấn luyện, diễn tập cho lực lượng ứng phó, phòng, chống VKSH. Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương tham mưu với Cơ quan đầu mối quốc gia Việt Nam về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn thực thi các điều ước quốc tế về chống phổ biến VKSH. PV: Để ứng phó tình huống phổ biến VKSH, khủng bố bằng tác nhân sinh học, sử dụng VKSH, theo đồng chí cần những giải pháp gì? Thiếu tướng Hà Văn Cử: Hiện nay, nhận thức của một bộ phận nhân dân về phổ biến VKSH, khủng bố bằng tác nhân sinh học còn chưa đầy đủ; các nguy cơ mất an ninh sinh học còn bị coi nhẹ; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, năng lực ứng phó tình huống sinh học còn hạn chế. Do đó, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, ứng phó tình huống phổ biến VKSH, khủng bố bằng tác nhân sinh học, sử dụng VKSH, trước hết cần tích cực tuyên truyền về nguy cơ, cách nhận biết, ngăn chặn, ứng phó tình huống mất an toàn, an ninh sinh học đến toàn quân, toàn dân. Đặc biệt, phải sớm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn liên quan đến bảo đảm an ninh sinh học, ứng phó sự cố, thảm họa sinh học và dịch bệnh; từ đó kiện toàn, nâng cao năng lực cho lực lượng ứng phó; chuẩn bị đầy đủ trang bị, vật tư sẵn sàng ứng phó trước mọi tình huống. Quá trình triển khai thực hiện cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn nhân lực, vật lực trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học; chuẩn bị phòng ngừa, ứng phó sự cố, thảm họa sinh học, dịch bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét