Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng, là tất yếu khách quan ở Việt Nam

 Trong bài viết Tổng Bí thư nêu lên ba cách hiểu về chủ nghĩa xã hội: “Chủ nghĩa xã hội là một học thuyết; chủ nghĩa xã hội là một phong trào; chủ nghĩa xã hội là một chế độ... Chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác - Lênin trong thời đại ngày nay”.

Theo đó, trong bài viết, Tổng Bí thư tiếp cận chủ nghĩa xã hội là chủ nghĩa xã hội khoa học do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập ra, V.I.Lênin là người bổ sung phát triển. Do đó, xây dựng chủ nghĩa xã hội phải kiên định theo chủ nghĩa Mác - Lênin “không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo”[1]. Theo C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra: “Chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”[2]. Trung thành với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã có cách hiểu về chủ nghĩa xã hội là: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”[3].

Theo đó, chủ nghĩa xã hội được hiểu với tư cách là một chế độ xã hội - là giai đoạn đầu, giai đoạn thấp, một nấc thang của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Như vậy, chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng là quá trình nhân dân ta hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Nhà nước do nhân dân lao động làm chủ và mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân, là xã hội luôn chăm lo đến lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần của mỗi người dân; Đảng ta khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[4]. Đây là đặc trưng riêng của chế độ xã hội mà ta xây dựng hay nói cách khác đây là mục tiêu cách mạng mà chúng ta hướng đến để đạt được.

Về điểm này, trong bài viết của mình Tổng Bí thư khẳng định: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”. Khẳng định này là một sự nghiên cứu vận dụng trung thành, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.  

Việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là tất yếu khách quan.Xuất phát từ lịch sử xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi đó các lực lượng cách mạng trong xã hội lúc bấy giờđã đứng lên làm cách mạng nhưng đều bị thất bại; chỉ đến khi Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến được với chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cách mạng Việt Nam mới chấm dứt sự bế tắc về đường lối cách mạng. Từ đó, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản[5]. Đó là việc xác định cách mạng giải phóng dân tộc được đặt trong quỹ đạo cách mạng vô sản; là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Vì thế, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội để đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa được chỉ rõ là: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[6]. Nghĩa là muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, trước hết phải thực hiện được cách mạng dân tộc dân chủ để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng. Đây là hai giai đoạn khác nhau của cách mạng, nhưng có quan hệ biện chứng thống nhất với nhau. Bởi vì độc lập dân tộc là cơ sở để xây dựng chủ nghĩa xã hội; còn đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là điều kiện tiên quyết để giữ vững được độc lập dân tộc, để thực hiện mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam toàn dân tộc Việt Nam đã đứng lên làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khẳng định, sự lựa chọn con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn duy nhất đúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam và là khát vọng của dân tộc Việt Nam. Đảng ta khẳng định: “đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[7]. Tạo nên sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.Ở Việt Nam thực tiễn đã chứng minh Độc lập dân tộc chỉ được bảo đảm vững chắc khi gắn liền với chủ nghĩa xã hội; mới mang lại được cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Theo đó, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng không ngừng được bổ sung, phát triển phù hợp với điều kiện của đất nước trong từng giai đoạn lịch; là thực tế khách quan không ai có thể phủ nhận được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét