Một tiếng chim kêu buổi sớm khiến ta thêm yêu cuộc sống, một điệu nhạc hay ru ta vào giấc ngủ, một lời nói chân thành có thể an ủi ta khi đớn đau, những điều kì diệu của cuộc sống có được là nhờ con
người biết lắng nghe. Thế nhưng, người hiện đại lại mắc một căn bệnh rất phổ biến và nguy hiểm: căn bệnh không chịu lắng nghe. Shakespeare đã từng nói rằng: “Cái đáng sợ nhất là căn bệnh không chịu lắng nghe, đó là một tệ nạn hết sức phổ biến”.Trong cuộc sống, lắng
nghe không chỉ là sự thu nhận thông tin bằng thính giác, mà đó còn là một thái
độ sống tích cực: sự quan tâm, thấu hiểu người khác, thái độ cầu thị, sẵn sàng
tiếp thu, chấp nhận những ý kiến trái chiều. Ngược lại, “căn bệnh không chịu
lắng nghe” chính là sự vô tâm, thờ ơ, là sự bảo thủ, hiếu thắng. Qua lời nhận
định, Shakespreare muốn cảnh bảo chúng ta về tác hại của thái độ sống ích kỉ,
cực đoan – căn bệnh “không chịu lắng nghe”.
Trong cuộc sống của chúng
ta hiện nay, không ít người mắc căn bệnh không chịu lắng nghe. Giới trẻ hiếu
thắng, bảo thủ, lao vào những cuộc tranh cãi vô nghĩa trên các trang mạng xã
hội, không ai lắng nghe ai để rồi dẫn đến những xô xát không đáng có ngoài đời
thực. Hoặc có người thì vô cảm, không lắng nghe và thấu hiểu nỗi đau của mọi
người xung quanh. Vụ việc nữ sinh ở Trà Vinh bị bạn lấy ghế đánh vào đầu, dù
gào khóc kêu cứu nhưng các bạn cùng lớp vẫn dửng dưng, vô cảm khiến chúng ta
không khỏi đau lòng. Có khi, chúng ta không lắng nghe chính bản thân mình,
không tìm ra được mục đích sống của mình, mà chạy theo những vỏ vật chất hào
nhoáng bên ngoài, sống cuộc đời uổng phí. Hằng năm, vẫn có rất nhiều cử nhân ra
trường mà thất nghiệp, hoặc phải làm trái ngành, vì họ học đại học không phải
do đam mê, mà do kì vọng của gia đình, hoặc do bị cuốn theo những ảo tưởng của
xã hội.
Căn bệnh không chịu lắng
nghe mang lại rất nhiều tác hại trong cuộc sống. Nó khiến người ta trở thành
những kẻ ích kỉ, tự cao tự đại. Nó khiến quan hệ giữa người với người bị tan
rã, khiến mỗi cá nhân trở nên cô đơn, lạc lõng. Nó ngăn cản con người phát triển.Những
ý tưởng mới lạ không được lắng nghe thì sẽ chìm vào quên lãng. Không lắng nghe,
con người không thể nhận ra lỗi sai của mình để khắc phục, do vậy không thể
trưởng thành. Nguyên nhân của căn bệnh nguy hiểm ấy là do cái tôi của mỗi người
quá lớn, quá cố chấp. Mặt khác, con người thường sợ hãi những gì khác biệt,
những gì họ không hiểu rõ.
Như vậy, để khắc phục căn
bệnh không biết lắng nghe, mỗi người cần phải hạ thấp cái tôi của mình xuống,
phải nhận thức được sự đa dạng của thế giới, chấp nhận những ý kiến trái chiều,
quan tâm nhiều hơn, và yêu thương nhiều hơn. Là học sinh, bản thân tôi tự nhủ
mình cần tập quan tâm hơn đến cuộc sống, quan tâm hơn đến cậu bạn bàn bên khi
gặp khó khăn trong học tập, lắng nghe ý kiến của bố mẹ, thầy cô để rèn luyện,
hoàn thiện bản thân…
“Người yêu người sống để
yêu nhau” (Tố Hữu). Mỗi chúng
ta hãy tập lắng nghe nhiều hơn, yêu thương nhiều hơn, cởi mở hơn trước sự đa
dạng của cuộc sống. Bởi cuộc sống là một khúc ca tuyệt vời, khi chúng ta biết
lắng nghe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét