Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có việc đào tạo, cất nhắc đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Thấm nhuần và quán triệt tư tưởng của Người, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo trong thực hiện chiến lược đoàn kết các dân tộc và nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số - Những nội dung cốt lõi Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) chiếm 3/4 diện tích của cả nước, là nơi sinh sống lâu đời của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), có tiềm lực kinh tế to lớn với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, là những địa bàn "phên dậu", "cái nôi" của căn cứ địa cách mạng nên có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người hiểu rõ thực tiễn và đánh giá cao vị trí của vùng ĐBDTTS&MN và vai trò của ĐBDTTS trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người khẳng định, ĐBDTTS là bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trong thời gian hoạt động cách mạng và kháng chiến, Người đã lựa chọn vùng ĐBDTTS&MN làm căn cứ địa cách mạng, an toàn khu, luôn gắn bó với đồng bào và được đồng bào yêu thương, che chở. Để phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBDTTS&MN, đồng thời tăng cường "đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào"(1), ĐBDTTS phải là nòng cốt trong mọi chính sách, trong đó công tác cán bộ và việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) cần phải được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải đào tạo và cất nhắc đội ngũ cán bộ người DTTS, vì họ hiểu rất rõ thực tiễn, đặc điểm văn hóa, tâm lý của đồng bào các dân tộc và là người tiếp thu, tổ chức tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng ĐBDTTS&MN. Theo Người, để phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS thì cần "phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi. Cố nhiên cán bộ người Kinh phải giúp đỡ anh em cán bộ địa phương, nhưng phải làm sao cho cán bộ địa phương tiến bộ, để anh em tự quản lý lấy công việc ở địa phương, chứ không phải là bao biện làm thay"(2). Trong công tác đào tạo, cán bộ người DTTS, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đào tạo phải gắn liền với nhiệm vụ thực tế; học tập tốt cả chính trị, văn hóa và phải gắn liền với lao động, sản xuất, không học dông dài. "Mục đích học là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau"(3). Theo Người, yêu cầu hàng đầu là phải nâng cao trình độ văn hóa, xây dựng loại hình trường, lớp phù hợp với vùng ĐBDTTS&MN, "chú ý phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm"(4) nhằm mục tiêu "đào tạo cán bộ địa phương, vừa có văn hóa, vừa có kỹ thuật, vừa giỏi lao động"(5). Đi cùng với công tác đào tạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh đến yêu cầu cần phải cất nhắc cán bộ là người DTTS. Theo Người, đào tạo cán bộ người DTTS là để sử dụng; muốn sử dụng có kết quả thì phải giao cho họ những nhiệm vụ cụ thể, thậm chí là nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn nếu họ thể hiện được phẩm chất và năng lực tốt; đồng thời, phải chăm lo công tác bồi dưỡng thường xuyên và có kế hoạch cụ thể, sát hợp. Đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ là công việc trọng yếu, có quan hệ biện chứng với nhau, tạo thành chính sách cán bộ, không được coi nhẹ mặt nào, để giúp cán bộ người DTTS đảm đương tốt nhiệm vụ công tác của mình. Vì vậy, Người luôn nhắc nhở các cấp, các ngành phải "ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc. Dù lúc đầu cán bộ địa phương, dân tộc trình độ thấp, kinh nghiệm ít, công tác chưa tốt, cán bộ lãnh đạo phải dìu dắt họ, giúp đỡ họ, lâu ngày chắc chắn họ sẽ tiến bộ"(6). Dành sự quan tâm, coi trọng công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ là người DTTS nên trong quá trình hoạt động cách mạng, Người đã trực tiếp đào tạo, cất nhắc nhiều cán bộ người DTTS vào những vị trí quan trọng, và sau này họ đã trở thành các cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước ta, như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Giong, Lê Quảng Ba, Đàm Quang Trung... Sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng ta về đào tạo, cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số hiện nay Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS trong chiến lược đoàn kết các dân tộc và phát triển toàn diện vùng ĐBDTTS&MN, trong suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Đảng ta luôn coi "Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài đồng thời là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam"(7). Trong những năm qua, Đảng đã ban hành nhiều chủ trương nhằm đào tạo, cất nhắc đội ngũ cán bộ người DTTS(8). Ngoài ra, chủ trương về đào tạo, cất nhắc đội ngũ cán bộ người DTTS còn được đề ra trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng, các nghị quyết chuyên đề ở những cấp độ khác nhau. Quán triệt chủ trương của Đảng về đào tạo, cất nhắc đội ngũ cán bộ người DTTS, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ DTTS(9). Đây là những cơ sở căn bản, quan trọng để các bộ, ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch, đề án cụ thể và tiến hành cử cán bộ DTTS đi học tại các học viện, nhà trường bằng nhiều loại hình đào tạo khác nhau nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học... Bên cạnh đó, nhiều bộ, ngành, địa phương còn cử cán bộ đi học tại chức, chuyên tu đại học, sau đại học... ở các cơ sở trong nước cũng như nước ngoài, nhằm nâng cao trình độ và dần từng bước đạt chuẩn chức danh cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Nhờ triển khai thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ người DTTS, nên công tác đào tạo, tuyển dụng cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị các cấp thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3-6-2022, của Ủy ban Dân tộc, về "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP, ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc", tính đến năm 2021, số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 3.952.225 người. Trong đó, một số bộ, ngành quan tâm bố trí, sử dụng cán bộ, công chức người DTTS trên 5% tổng số biên chế, số lượng người được giao, như Ủy ban Dân tộc (25,4%), Bộ Tư pháp (7,2%), Bộ Quốc phòng (6,69%), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (5,45%), Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (5,64%),... Tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, việc thực hiện đã đạt được mục tiêu tỷ lệ đề ra theo Quyết định số 402/QĐ-TTg, ngày 14-3-2016, của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt Đề án "Phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới"; đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ người DTTS chiếm từ 10% đến trên 70% tổng dân số của tỉnh đã thực hiện theo đúng hoặc vượt mức tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS chiếm từ 5%, 10%, 15%, 20% tổng số biên chế được giao. Cũng theo Báo cáo số 732/BC-UBDT, ngày 10-6-2021, của Ủy ban Dân tộc, về "Tổng kết chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020", có 50.696 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; 222.229 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; 10.516 lượt người được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tin học. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ người DTTS ngày càng được trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, đa dạng về thành phần dân tộc. Cùng với công tác đào tạo, việc cất nhắc, bố trí cán bộ người DTTS trong những năm qua cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận. "Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025: cấp ủy viên là người dân tộc thiểu số đạt 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%; ủy viên ban thường vụ là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ 11,86%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,51%; bí thư cấp ủy người dân tộc thiểu số có 6 đồng chí, đạt 9,23%, cao hơn nhiệm kỳ trước 1,54%"(10). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS vẫn còn những hạn chế, yếu kém nhất định. Báo cáo số 855/BC-UBDT của Ủy ban Dân tộc chỉ rõ, số lượng, cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức người DTTS ở các đơn vị, địa phương chiếm tỷ lệ thấp. Ngoài các bộ, ngành kể trên, như Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng,... nhiều bộ, ngành có số lượng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS rất thấp (có 12 bộ, ngành có tỷ lệ dưới 1%). Nhiều địa bàn có tỷ lệ ĐBDTTS cao trong cơ cấu dân cư, nhưng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia vào hệ thống chính trị vẫn chưa tương xứng. Những hạn chế, yếu kém trên được xác định do nhiều nguyên nhân; đó là: Vùng ĐBDTTS&MN có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí vùng ĐBDTTS&MN còn một số hạn chế; sự ảnh hưởng của các yếu tố về văn hóa, phong tục, tập quán lạc hậu... Bên cạnh đó, các văn bản của Chính phủ, các bộ, ngành quy định và hướng dẫn thi hành về đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS được ban hành còn chậm, thiếu thống nhất, chưa cụ thể, chi tiết, nhất là về số lượng và tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức cho đối tượng là người DTTS, nên các địa phương gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện chính sách đào tạo. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ người DTTS chưa thực sự gắn với nhu cầu thực tế; chưa có quy định cụ thể về ưu tiên tuyển dụng đặc cách đối với ĐBDTTS rất ít người. Việc đào tạo cán bộ ở nhiều nơi chưa gắn với quy hoạch và yêu cầu, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp, từng cơ quan, đơn vị, chưa phù hợp với cán bộ người DTTS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... Tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS, thời gian tới, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản sau: Một là, quyết tâm triển khai có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS; trong đó, đẩy mạnh triển khai Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ban hành ngày 25-11-2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, cất nhắc cán bộ người DTTS phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng là: Các dân tộc bình đẳng, trong đó có sự bình đẳng về công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, tiến hành sửa đổi, bổ sung chính sách có tính đặc thù trong tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn, điều kiện trong quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ người DTTS; đồng thời, cần có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với ĐBDTTS rất ít người, nhóm DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS. Hai là, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách trong công tác đào tạo cán bộ người DTTS; gắn đào tạo với tiêu chuẩn trong điều kiện tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đối với đội ngũ cán bộ người DTTS. Thực tế cho thấy, cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đang trực tiếp đào tạo đội ngũ cán bộ kế cận là con em đồng bào các DTTS, nhất là hệ thống trường chuyên biệt, Học viện Dân tộc và các cơ sở giáo dục đại học, sau đại học, đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS; đồng thời, có chính sách hỗ trợ kinh phí hợp lý cho con em đồng bào các DTTS hiện đang theo học tại các cơ sở đào tạo. Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo để tạo nguồn cán bộ người DTTS, bảo đảm sự tiếp nối vững vàng giữa các thế hệ. Cấp ủy các cấp và người đứng đầu phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện, cơ hội phát triển cho cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng theo các nghị quyết, quyết định, đề án đã được ban hành; đặc biệt, tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019, của Quốc hội, về "Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030" và Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về "Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025". Tiếp tục triển khai chương trình đào tạo mới, đào tạo lại, bồi dưỡng để củng cố, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng làm việc cho cán bộ người DTTS; tăng cường phối hợp giữa cơ quan sử dụng cán bộ với các cơ sở đào tạo nhằm xác định rõ nhu cầu đào tạo đối với từng loại cán bộ để có kế hoạch đào tạo thật cụ thể. Bốn là, tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng, vì hiện nay, tình trạng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong các cơ quan quản lý nhà nước có xu hướng giảm; nhiều bộ, ngành và địa phương (nhất là cấp tỉnh) chưa đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định số 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, ở một số địa phương còn tồn tại tình trạng mất cân đối về đội ngũ cán bộ giữa các nhóm người DTTS, nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc (trừ dân tộc Tày, Nùng, Mường, Thái, còn lại các DTTS khác có số lượng cán bộ rất thấp so với tỷ lệ dân số). Ngoài ra, một yêu cầu quan trọng khác là cần nâng cao trình độ lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và tiếng dân tộc thiểu số cho đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là đối với đội ngũ cán bộ cấp cơ sở. Năm là, quan tâm quy hoạch, sắp xếp, cất nhắc và sử dụng những người có năng lực, tài năng nhằm "Tăng tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, cấp ủy là người dân tộc thiểu số"(11). Việc quan tâm quy hoạch, cất nhắc đối với cán bộ người DTTS sẽ động viên, khuyến khích cán bộ yên tâm công tác, gắn bó với công việc, có động cơ phấn đấu, trau dồi, nâng cao năng lực về mọi mặt. Một yêu cầu quan trọng khác là cần có cơ chế, chính sách tiếp nhận, tuyển dụng đối với con em đồng bào thuộc các dân tộc rất ít người. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh và ban hành kịp thời các chính sách về chế độ đãi ngộ phù hợp đối với đội ngũ cán bộ người DTTS, nhất là ở các địa bàn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết để kịp thời đề ra các giải pháp mang tính hệ thống, hiệu quả, nhằm không ngừng nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ người DTTS, phù hợp với từng bộ, ngành và địa phương ở vùng ĐBDTTS&MN. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS không chỉ thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Người đối với vùng ĐBDTTS&MN, mà còn thể hiện tư duy chính trị tiến bộ và tinh thần nhân văn cao cả. Trên nền tảng tư tưởng đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và đã đạt được những thành tựu to lớn. Việc đào tạo, cất nhắc đội ngũ cán bộ người DTTS đã tạo nên sự cân bằng, hài hòa về chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị; đồng thời, giải quyết hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng ĐBDTTS&MN. Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng ĐBDTTS&MN đã thực sự đi vào cuộc sống của ĐBDTTS, phát huy tiềm năng, khơi dậy ý thức, nội lực của các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng được tăng cường, tạo nên sức mạnh tổng hợp của các dân tộc. Thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương có đông ĐBDTTS cần quyết tâm thực hiện tốt công tác đào tạo, cất nhắc cán bộ người DTTS để đưa vùng ĐBDTTS&MN phát triển toàn diện, nhằm góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, nhất là chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17-11-2022, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII, "Về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", để sớm đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét