NHẬN DIỆN NHỮNG
BIẾN ĐỔI CỦA PHẦN TỬ “CƠ HỘI CHÍNH TRỊ”
TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI Ở VIỆT NAM
Sau hơn 35 năm đổi mới ở nước ta, trước những thắng lợi to lớn
của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã xuất hiện những phần tử cơ hội
chính trị. Xem xét những tài liệu mà họ tán phát, có thể thấy rằng: họ chưa đạt
tới một học thuyết để hình thành chủ nghĩa cơ hội mà chỉ là những phần tử cơ hội
chính trị.
Theo định nghĩa kinh
điển thì cơ hội chính trị là: thái độ chính trị không theo một đường lối rõ
rệt, không có chính kiến rõ ràng, có thể ngả bên này hay bên nọ để mưu lợi trước
mắt. Trong phong trào cộng sản, có hai khuynh hướng cơ hội:
Một là, Cơ hội
"hữu khuynh": sùng bái phong trào tự phát từ bỏ cách mạng xã hội chủ
nghĩa, phủ nhận giai cấp công nhân giành chính quyền.
Hai là, Cơ hội
"tả khuynh" là sự kết hợp hỗn tạp những phương châm cách mạng cực
đoan và phiêu lưu, dựa trên cơ sở những quan niệm duy ý chí về quá đề cao sức mạnh tuyệt đối
của bạo lực cách mạng.
Cơ hội hữu khuynh và
"tả khuynh" bề ngoài có vẻ đối lập nhau, song chúng đều giống nhau ở
thái độ thủ địch với chủ nghĩa Mác - Lênin, với phong trào cộng sản và công
nhân quốc tế; ngày nay họ thù địch với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Nếu cứ xem xét các tài liệu được tán phát gần đây, chúng ta
có thể thấy ngay những phần tử cơ hội ở nước ta có những đặc điểm chung của những
người cơ hội trên toàn thế giới. Đó là sự ngả nghiêng, dao động về chính trị;
xa rời những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối chính trị của
Đảng. Khi cách mạng thuận lợi thì họ tỏ ra rất "cấp tiến", khi cách mạng
gặp khó khăn thì họ thoái lui, thoả hiệp, công kích Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ
tự nhận là những người "tâm huyết" vì dân tộc, vì đã chiến đấu, hiến
dâng sự hy sinh bản thân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ cũng là những người
muốn đổi mới triệt để, "trọn vẹn", chứ không đổi mới nửa vời. Song, đổi
mới theo hướng nào thì họ lại đưa ra những nhận xét mập mờ: "đổi mới không
cần sự lãnh đạo của Đảng" hoặc "xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng". Họ
viết: Hãy thử xem quanh ta: Đài Loan, Hàn Quốc, Xingapo, Thái Lan và Malaixia.
Mấy nước và lãnh thổ này có do chủ nghĩa Mác - Lênin hướng dẫn hay không? Họ có
cần một Đảng Cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và theo chủ nghĩa xã hội hay không?.
Không cần chứng minh một cách có lý lẽ, họ đưa ra những nhận định võ đoán rằng,
Đảng cai trị phải nhận thức sự kém cỏi, bất lực của mình mà tự đổi mới; hay phải
chấp nhận một thế hệ dân chủ phù hợp với thông lệ dân chủ của thế giới.
Rồi họ kết luận, Đảng Cộng sản Việt Nam có tội với dân tộc.
Theo lôgíc đó, họ cho rằng, Đảng cộng sản cũng tuyên bố phải đổi mới, nhưng
trong thực tế thì vẫn như cũ. Tiếp đó, họ đưa ra những kiến nghị: (1) Thực hiện
một xã hội trong đó mỗi người dân thực sự làm chủ thân phận của mình. (2) Xây dựng
một nhà nước pháp quyền. (3) Thực hiện một nền
kinh tế thị trường không có định hướng... Cứ đọc qua những kiến nghị của họ, có
nhiều điểm chúng ta đã và đang thực hiện. Như vậy, cửa đã mở mà họ cứ đòi phá cửa
để vào. Họ nhân danh đổi mới tư duy, bổ sung, cụ thể hoá đường lối của Đảng, mà
thực chất là sửa cái cốt lõi của đường lối.
Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô và
phong trào cộng sản quốc tế lâm vào thoái trào đã tác động tiêu cực đến tư tưởng,
tâm lý một số cán bộ, đảng viên trong những năm qua. Nhiều cán bộ, đảng viên đã
biểu hiện dao động, mất lòng tin, và từ đó có biểu hiện suy thoái về chính trị.
Tư tưởng cơ hội gây nguy hại nghiêm trọng tới sự vững mạnh về chính trị và
trong sạch về tổ chức của Đảng, tới vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng,
kể cả bản thân vận mệnh của Đảng. Vì vậy, tăng cường cuộc đấu tranh đẩy lùi và
khắc phục tư tưởng cơ hội với mọi biểu hiện của nó là vấn đề đang đặt ra một
cách cấp thiết. Cuộc đấu tranh chống tư tưởng cơ hội phải gắn liền với cuộc đấu
tranh kiên quyết đập tan luận điệu thù địch xảo trá mưu toan xoá bỏ chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuyên tạc chủ nghĩa xã hội và vai trò lãnh đạo
của Đảng, cổ vũ "dân chủ, nhân quyền” tư sản. Trong cuộc đấu tranh này,
không lúc nào được phép buông lỏng đấu tranh, vạch trần bản chất sai trái, nguy
hại của chủ nghĩa cơ hội, xét lại, chủ nghĩa giáo điều cũ và mới, của mọi biểu
hiện mơ hồ, dao động về chính trị cũng như lối sống cơ hội thực dụng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét