Những năm gần đây, các thế lực thù địch gia tăng tốc độ, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hòa bình" để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Trong chiến lược này, chúng tập trung tấn công trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và chúng coi đây là mũi đột phá.
Trước hết, quan điểm sai trái là cách nhìn nhận thiên lệch, phiến diện, không đúng với lẽ thường, hoặc xa lạ với cách nhìn nhận của cộng đồng, xã hội. Quan điểm sai trái đi chệch hoặc ngược lại với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc điểm của quan điểm sai trái thể hiện:
(1) Nhận thức và nhìn nhận phiến diện, méo mó, sai lệch vấn đề nào đó so với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói sai, nghĩ sai về các vấn đề trong đời sống xã hội, thường là cường điệu hóa, “vơ đũa cả nắm".
(2) Việc hình thành các quan điểm sai trái là một quá trình tích tụ lâu dài, âm ỉ, do sự tác động của các yếu tố bên ngoài, nhất là các thế lực thù địch. Do thiếu hiểu biết, nhận thức kém, nên dao động về ý thức và nhận thức chính trị; thiếu hoặc không có thông tin chính thống, trong khi lại tin vào thông tin sai lệch, tràn lan trên mạng xã hội.
(3) Những quan điểm sai trái có tác động đến tâm trạng và suy nghĩ của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tùy mức độ ảnh hưởng mà có thể tác động trực tiếp, gián tiếp, nhanh hay chậm, sâu sắc hay chừng mực nào đó.
Quan điểm thù địch là quan điểm của các thế lực phản động, kẻ thù của giai cấp, của dân tộc, của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng. Đó là những quan điểm đối nghịch, điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình", nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Quan điểm thù địch do các tổ chức phản động và các cá nhân đưa trên các phương tiện truyền thông phản động, trên internet, mạng xã hội.
Trên thế giới hiện nay có hàng trăm mạng xã hội khác nhau, trong đó Facebook có số lượng người sử dụng đứng hàng thứ nhất, với hơn 2,4 tỷ người. Ở Việt Nam, một quốc gia có dân số khoảng 98 triệu người, nhưng có đến 145,8 triệu thuê bao di động và 68,1 triệu người sử dụng internet. Việt Nam hiện có trên 800 mạng xã hội được cấp phép, đáng chú ý là Facebook, YouTube, Zalo...
Từ khi du nhập vào Việt Nam năm 1997 đến nay, bên cạnh những mặt tích cực, internet đã và đang trở thành môi trường màu mỡ cho hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Có thể khẳng định rằng, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách chống phá cách mạng Việt Nam, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông phản động và mạng xã hội. Qua đó chúng phủ định các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc, phủ định các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phủ định, xuyên tạc các giá trị lịch sử dân tộc và thành quả cách mạng; bôi nhọ, hạ uy tín cá nhân các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; truyền bá tư tưởng chính trị đối lập; tác động vào quá trình xây dựng pháp luật của Nhà nước ta...
Vì vậy, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW, cần xác định rõ đâu là quan điểm sai trái, đâu là quan điểm thù địch để khoanh vùng đấu tranh, phản bác, nhất là phân biệt cho được quan điểm sai lầm và quan điểm sai trái.
Quan điểm sai trái là những quan điểm phản ánh không đúng hiện thực khách quan, tức là sai lầm nhưng trái với đường lối, quan điểm của Đảng. Như vậy, quan điểm sai lầm khác với quan điểm sai trái ở mức độ và tính chất. Ai cũng có thể mắc sai lầm vì năng lực, tư duy, vì phương pháp nhận thực thiếu khoa học, thiếu dữ kiện.
Nhưng quan điểm sai lầm đối lập với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là sai lầm có phạm vi ảnh hưởng lớn, có tính chất nghiêm trọng, trở thành sai trái cần phải đấu tranh, phản bác.
Quan điểm thù địch bao hàm cả những quan điểm sai trái, nhưng khác nhau về mục đích và mức độ. Mục đích của quan điểm thù địch là có chủ ý, mang tính phá hoại. Cho nên phải kiên quyết đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét