Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, chung sống từ lâu đời với nhiều nét văn hóa, phong tục, tập quán có sự đan xen, liên kết chặt chẽ giữa cộng đồng các dân tộc, trong đó có cộng đồng Kinh - Khmer nên việc tồn tại các vấn đề về dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đất nước là một quy luật, mang tính lịch sử. Chính vì vậy, cùng với giai cấp, dân tộc là một vấn đề tồn tại song hành trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam.
Triệt để lợi dụng các vấn đề do lịch sử để lại, cũng như những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội trong cộng đồng người Khmer và mâu thuẫn xã hội phát sinh thời gian qua, các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cực đoan về dân tộc, tôn giáo hoặc các tổ chức, cá nhân không ngừng gia tăng hoạt động tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch tác động đến nhận thức, hành động của đồng bào dân tộc người Khmer để lôi kéo, tập hợp lực lượng nhằm mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc, chống phá, làm sụt giảm niềm tin của người Khmer đối với việc triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách Nhà nước trong vấn đề dân tộc.
Các đối tượng tiến hành bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, vừa công khai, vừa bí mật, đa dạng, phức tạp bằng nhiều kênh, phương tiện khác nhau; giữa các hoạt động có mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau để các luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch dễ dàng tiếp cận, lan tỏa, tác động đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của người Khmer, tập trung chủ yếu ở một số dạng thức sau:
- Sử dụng không gian mạng để tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch: Hiện nay, đây là một hình thức trọng yếu, dễ dàng tiếp cận được các đối tượng sử dụng để tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch. Theo đó, các đối tượng thiết lập hệ thống nhiều loại hình báo chí, đài phát thanh, truyền hình Internet; các trang web, blog, tài khoản cá nhân mạng xã hội với hạ tầng kỹ thuật, hệ thống máy chủ đặt ở nước ngoài, nhiều loại hình có sự đầu tư lớn về tài chính, đội ngũ kỹ thuật và bảo mật riêng…
- Tán phát các tài liệu chứa thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch: Kết hợp với Internet, các đối tượng không chỉ dừng lại ở những hoạt động có tính chất tác động đến tâm lý, tư tưởng… mà còn thông qua các ấn phẩm văn hóa, mang màu sắc tôn giáo, sử dụng ngôn ngữ Khmer để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch trong dân tộc Khmer.
- Lợi dụng, lồng ghép với hoạt động của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền: Đây là một hoạt động phức tạp, diễn ra từ lâu, được sự hậu thuẫn của một số tổ chức, quốc gia cụ thể. Được sự hậu thuẫn về mặt tài chính, các đối tượng thường chủ động liên hệ hoặc được các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ liên hệ để tuyên truyền về “quyền dân chủ”, “quyền dân tộc tự quyết”, “quyền dân tộc bản địa”, “quyền tự do hoạt động tôn giáo”...; thông qua các hoạt động của các tổ chức này để tán phát các ấn phẩm có nội dung, quan điểm sai trái, thù địch tập trung vào nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên người Khmer; các hộ gia đình người Khmer có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, đời sống; số đối tượng có quan điểm cực đoan về dân tộc hoặc có mâu thuẫn về lợi ích trong đời sống sinh hoạt với các cộng đồng dân tộc khác tại địa phương…
- Tài trợ tiền, hàng dưới các danh nghĩa khác nhau để móc nối, lôi kéo người Khmer phục vụ hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch: Hình thức, thủ đoạn này thường tập trung vào các hội nhóm “tự xưng”, tăng sinh, phật tử, học sinh, sinh viên và người Khmer gặp khó khăn, chưa am hiểu về các vấn đề chính trị, xã hội, có quan điểm, lập trường chính trị không rõ ràng. Thực hiện các hoạt động được các đối tượng đưa vào Việt Nam bằng con đường hợp pháp, thường với danh nghĩa hồi hương, thăm thân, du lịch, trao đổi kinh nghiệm, học tập, điều tra xã hội học… để tạo “vỏ bọc” nhằm tiếp xúc, gặp gỡ các đối tượng mà chúng nhắm đến, có thể lợi dụng, phục vụ cho các âm mưu, hoạt động tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch trong dân tộc Khmer.
Những năm gần đây, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch xuất hiện ngày càng đa dạng, phức tạp với nhiều loại hình, phương thức, thủ đoạn tuyên truyền khác nhau dễ dàng tiếp cận với người Khmer. Đó là những quan điểm, tư tưởng trái với đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; vừa để tuyên truyền, kích động, vừa để khai thác lợi dụng các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tác động, lôi kéo người Khmer phục vụ cho các âm mưu, ý đồ của chúng.
Từ tình hình trên, để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phản bác việc lợi dụng các vấn đề dân tộc Khmer để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch; tác giả mạnh dạn đề xuất một số phương hướng, giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả của công tác này như sau:
Một là, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về dân tộc, tôn giáo và các chính sách góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer, nhất là ở cấp cơ sở. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người đồng bào dân tộc Khmer; sắp xếp, bố trí vào các vị trí quan trọng để một mặt phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực này, mặt khác thể hiện sự quan tâm, bình đẳng, công bằng của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào dân tộc. Đây là vấn đề mang tính cốt lõi, vừa có tính cấp thiết, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Thực hiện tốt nội dung này sẽ làm tăng niềm tin của người Khmer đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; từ đó hạn chế các nguyên nhân, điều kiện mà các đối tượng có thể lợi dụng các vấn đề dân tộc Khmer để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch.
Hai là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về tính chất, nguy hiểm của các âm mưu, phương thức, thủ đoạn, hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer để tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch. Để đấu tranh ngăn chặn, hạn chế tiến tới vô hiệu hóa các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch; mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên, giúp quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, nhận thức được bản chất phản động, thù địch và mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước của các đối tượng, từ đó không tham gia vào các hoạt động này, góp phần giữ vững ổn định về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Bên cạnh đó, cần tích cực chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, an sinh xã hội, chú trọng giữ gìn những nét đặc sắc về văn hóa, dân tộc phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước, tăng cường giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức cố kết cộng đồng giữa các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa - Chăm, nhất là ở khu vực Nam bộ. Qua đó, tạo nên gắn kết bền chặt, trên cơ sở tôn trọng, bình đẳng, cùng phát triển giữa các cộng đồng người mỗi địa phương, phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước và dân tộc.
Ba là, phát huy vị trí, vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào Khmer, các sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức người Khmer, chấp hành Hiến pháp, pháp luật, tuyệt đối không tham gia vào các hoạt động chống Đảng, chống Nhà nước hay các hoạt động gây phức tạp về an ninh trật tự tại địa phương. Đây là nội dung mang tính đột phá, góp phần thúc đẩy quá trình cải tạo các quan hệ dân tộc tại Việt Nam nói chung, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng mối quan hệ bình đẳng, hợp tác, cùng tiến bộ giữa các dân tộc trên cơ sở sự tự nguyện, nhanh chóng đi tới phồn vinh, hạnh phúc trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vấn đề dân tộc trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội sẽ có sự vận động mới, biến đổi liên tục theo xu hướng ngày càng tiến bộ, văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét