Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Người, đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được Đảng ta xác định là đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh, sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm nên sức mạnh vô địch của mọi thành công. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng ở Việt Nam”.
Nhìn lại chặng đường vẻ vang của cách mạng, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhằm phát huy truyền thống Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, năm 1986 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã quyết định lấy ngày 18/11/1930 làm ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Để tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hằng năm làm ngày tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư”.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm được tổ chức rộng rãi, ý nghĩa trên khắp mọi vùng, miền của Tổ quốc, với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng địa phương, thực sự đã trở thành ngày hội toàn dân, trở thành diễn đàn dân chủ của nhân dân, là tiền đề quy tụ, tăng cường và phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân; góp phần củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các phong trào, các cuộc vận động thi đua yêu nước của Đảng, Nhà nước, các địa phương, các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng – an ninh ở từng địa phương và trên cả nước.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã trở thành nét đẹp truyền thống, khơi dậy những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, là biểu hiện sinh động của thế trận lòng dân và ngày càng thể hiện sức sống bền vững trong các tầng lớp nhân dân, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ đồng bằng đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, thắm đượm tình làng, nghĩa xóm.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư đã thể hiện “Ý Đảng hợp lòng dân”, đưa công tác mặt trận về với cộng đồng dân cư, hướng đến từng gia đình và mỗi người dân; là một bước thể chế hoá và thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng" theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước.
Trong những ngày này, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước; các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp đã về từng địa bàn dân cư tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, thăm hỏi, động viên, lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, tiếp thu những đóng góp tâm huyết của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.
Không chỉ đem lại giá trị tinh thần cho Nhân dân, ý nghĩa lan tỏa của ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư còn làm giàu ý chí cách mạng, tôn vinh sức mạnh cộng đồng, góp phần thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh; đồng thời làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ngay từ thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố trên khắp mọi vùng, miền của Tổ quốc.
Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, vẻ vang trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trong công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.
Chính vì lẽ đó, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng trở thành trọng điểm để các thế lực thù địch tập trung chống phá với nhiều âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt nhằm xuyên tạc đường lối đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước, phủ nhận vai trò của Mặt trận Tổ quốc, phủ nhận ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc; gây chia rẽ và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà đất nước ta, Nhân dân ta đã dày công xây dựng, vun đắp.
Những luận điệu xuyên tạc của chúng trở nên lạc lõng, đã chạm phải “bức tường thành”, khi ở Việt Nam, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá làm nên sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam, được kết tinh trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của lớp lớp các thế hệ “Con Lạc, cháu Hồng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét