PHỦ NHẬN GIÁ TRỊ VĂN NGHỆ KHÁNG CHIẾN CÁCH MẠNG LÀ CÓ
TỘI VỚI LỊCH SỬ
1. Thời
gian qua, có một số người phê phán, thậm chí phủ nhận quan điểm “nghệ sĩ là
chiến sĩ, văn nghệ là một bộ phận của công tác tư tưởng-văn hóa Đảng”, vì họ
cho rằng do xuất phát từ quan niệm này mà Đảng đã giao cho văn nghệ nhiệm vụ
phản ánh những vấn đề của đời sống theo chủ trương của Đảng, chủ trương này đã
làm hạn chế, thậm chí tước bỏ sự phong phú, đa dạng của đời sống văn nghệ.
Cần
phải hiểu đúng bản chất của quan điểm nêu trên. Chủ trương là thế, còn chất
lượng phản ánh thế nào lại phụ thuộc vào tài năng và năng lực sáng tạo của nghệ
sĩ, vì trên định hướng ấy, chất lượng sáng tạo của nghệ sĩ rất khác nhau, nó
phụ thuộc vào trí tuệ, tài năng, tâm huyết của cá nhân mỗi người. Văn học hiện
thực đề cao nguyên tắc phản ánh, tái hiện đời sống dưới góc độ “như bản thân
đời sống” và nhiều nhà văn hiện thực đã để lại cho đời những tác phẩm sống mãi
với thời gian, đã đụng đến những vấn đề mang tầm vóc nhân loại, được mọi xu
hướng khác chủ nghĩa hiện thực coi là mẫu mực của sự phản ánh. Suốt đời
L.Tolstoy coi cái thật là cái đẹp, ông tìm kiếm và thể hiện nó theo cách
của mình. Văn học cách mạng đề cao phản ánh những tấm gương lao động, chiến đấu
vì đất nước, cộng đồng. Cũng không có nghệ sĩ nào cho rằng phản ánh đồng nghĩa
với thấy gì ghi nấy, tác phẩm chỉ là sự sao chép đời sống mà thực ra từ bản
chất, khi lựa chọn cái gì và phản ánh nó thế nào đã chứa đựng sự đánh giá, lựa
chọn. Nhưng chất lượng của sự phản ánh phụ thuộc vào tài năng của nghệ sĩ và
yêu cầu phản ánh không hề làm mất đi sự sáng tạo của chủ thể. Vấn đề là ở chỗ,
tài năng của nghệ sĩ có đủ sức để phản ánh điều đó sâu sắc, đa dạng, hấp dẫn
hay không, chứ không phải ở vấn đề phản ánh.
Có nhà
nghiên cứu văn hóa dân gian từng nói, văn học cách mạng ít vấn đề vì nó chỉ lo
phản ánh những gì diễn ra trong thực tiễn; ít chiều sâu mở rộng ra các khía
cạnh nằm ở tầng sâu dưới bề mặt cuộc sống nên đơn điệu. Ông đã dẫn chuyện “Bà
bủ” của nhà thơ Tố Hữu chỉ là một bài thơ mô tả giản đơn một cuộc sống không có
xung đột, không ẩn chứa những vấn đề mang ý nghĩa triết học, nhân sinh thì có
gì để nghiên cứu?
Thực
ra trong bài thơ rất giản dị này của Tố Hữu vẫn phản ánh được mạch ngầm đang
diễn ra của đời sống dưới cái bề ngoài giản dị không phải ai cũng nhận thấy;
chiều sâu của đời sống, nhận thức và tình cảm con người giấu đi trong những
biểu hiện chân chất, bình dị của chính đời sống lúc đó. Nhà thơ không chủ đích
nói ra những điều ở đằng sau nhân vật trữ tình có phần đơn giản này, nhưng chỉ
riêng sự miêu tả rất đúng tâm trạng của bà mẹ có con đi bộ đội trong một đêm
mất ngủ vì lo cho con cũng thấy được cuộc sống đang chuyển động, ý thức con
người đang thay đổi. Cái lo của bà bủ bắt đầu từ thương con “đánh giặc đường
xa”, rồi đến thương những đồng đội của con mình. Nằm trong nhà nghe gió lạnh
thổi ngoài hiên, bà nghĩ ngay đến những thiếu thốn mà con bà và đồng đội của nó
đang phải chịu đựng. Cái mưa lạnh từ “chiến khu về” trong ý thức của bà có lý ở
chỗ ấy chứ không phải sự gán ghép chính trị. Rồi bà căm thù thằng Tây bởi vì nó
mà mẹ con bà xa nhau. Rồi bà tin con bà sẽ trở về. Nếu nhìn từ góc độ ấy (mà đó
là điều có thực trong bài thơ, không cần bất cứ sự thêm thắt nào), sẽ thấy rằng
văn học kháng chiến đã ghi lại được sự chuyển mình trong nhận thức của những
người dân bình thường, điều trước đó chưa có. Đó là chiều sâu giá trị bài thơ
“Bà bủ” của Tố Hữu.
Cũng
không ai có thể phủ nhận giá trị của bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi bởi
những cảm xúc và cách viết mới mẻ, pha trộn giữa nhận thức về chiều sâu của
truyền thống, lịch sử với những khát vọng của cả một dân tộc trong cuộc chiến
đấu vì hạnh phúc làm người. Cảm hứng làm chủ, tư thế chủ nhân của hình tượng
thơ xuyên suốt bài thơ là điểm tựa cho những suy nghĩ, cảm xúc khác về đất
nước, dân tộc, con người: Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là
của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng
sông đỏ nặng phù sa. Điệp khúc “của chúng ta” lần đầu tiên ngân lên với
cảm hứng ấy trong thơ lại không mang những phẩm chất mới sao? Trong thơ lãng
mạn trước đó vài năm, người ta chỉ thấy tâm trạng cô đơn, chán chường, bế tắc
thì những cảm hứng mới này là một luồng sinh khí mới làm thay đổi mạch chủ đạo
của thơ ca. Mới về cảm xúc, mới về tình cảm mà nếu không có cuộc cách mạng làm
thay đổi địa vị của người dân mất nước thành người tự do thì nhà thơ khó mà
viết được thế.
Một
vài ví dụ kể trên đều là sự phản ánh, là minh họa cho lòng yêu nước, cho phẩm
chất chiến sĩ của người nghệ sĩ. Họ đi sâu vào đời sống, phát hiện ra những nét
mới trong đời sống và ghi lại bằng những cảm xúc của mình cho mọi người thấy;
động viên, cổ vũ cả dân tộc đứng lên chống kẻ thù chung lại không phải là giá
trị sao? Có bao nhiêu nhà văn ở những nền văn học khác ở vào tình trạng tương
tự đã làm được điều này?
2. Cùng
với hiện thực kháng chiến, các văn nghệ sĩ đã làm một cuộc “lột xác” để về với
nhân dân. Họ hiểu ra nhiều vấn đề bản chất của xã hội bất công bắt đầu từ thân
phận nô lệ của người dân, từ địa vị mất nước. Họ đứng về phía đám đông một cách
tự nguyện, đem ngòi bút của mình phụng sự cuộc kháng chiến kiến quốc theo đúng
nghĩa của từ này. Họ hiểu rằng, vai trò chiến sĩ của mình là cần thiết cả ở
trên trận tuyến chống quân thù lẫn trong cuộc cách mạng văn hóa là thay đổi ý
thức dân tộc, nhận thức của cộng đồng là một sứ mệnh vẻ vang. Về bản chất, từ
thời cổ đại, văn nghệ luôn động viên con người đấu tranh chống lại bất công,
chống lại cái xấu, cái ác, đề cao những giá trị nhân đạo. Lớp nhà văn đi theo
cách mạng nhận thấy giữa lý tưởng xã hội và mục tiêu của văn chương gặp nhau.
Để làm tốt điều đó, họ không thể cứ “khép phòng văn hì hục viết” mà phải “từ
chân trời một người” đến “chân trời của tất cả”. Đó là một thực tế không thể
chối cãi và điều này về bản chất là một bước tiến để đưa văn nghệ về với công
chúng, gắn bó văn nghệ với đời sống của đại chúng, đất nước, phụng sự số đông
chứ không phải chỉ là thú riêng của một nhóm người sống tách ra khỏi những vấn
đề sống còn của xã hội.
Nói
như Xuân Diệu thì quãng thời gian để từ chỗ “không quan tâm, không chủ nghĩa”
đến chỗ hiểu được rằng: Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ
mồ hôi, cùng sôi giọt máu;/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người
yêu dấu gian lao là đoạn đường bỏ lại những “cái tôi riêng” nhỏ hẹp để đến
với “cái ta chung” rộng lớn. Đó là một giá trị mà cuộc sống mới là nhân tố quan
trọng thay đổi và đào luyện nên họ. Chính văn nghệ kháng chiến đã từ thực tế mà
ghi lại được khoảnh khắc chân dung người lính đạt đến tầm vóc “tạc vào thế kỷ”,
là “Dáng đứng Việt Nam” trong giai đoạn hào hùng nhất của lịch sử hiện đại.
3. Lại
có người đã khoác cho quan niệm coi “nghệ sĩ là chiến sĩ đồng nghĩa với việc
biến họ thành công cụ, thành kẻ phát ngôn cho quan điểm của Đảng, làm cho họ
mất tự do, làm cho ngọn lửa sáng tạo trong họ mất đi”.
Nói
thế rất võ đoán vì không có căn cứ, chưa nhìn thấy những quy luật sáng tạo đặc
thù của văn nghệ; là đồng nhất định hướng tư tưởng chính trị với những quy luật
sáng tạo đặc thù. Từ thời cổ đại, chưa bao giờ văn nghệ thoát ra khỏi những
ràng buộc của hệ tư tưởng, thể chế. Họ là nghệ sĩ nhưng họ cũng là công dân.
Cũng chưa từng có văn nghệ sĩ lớn nào tuyên bố rằng họ viết không bị câu thúc
hay ràng buộc bởi các tư tưởng nào.
Đại
văn hào H.Balzac (Pháp) từng
nói: “Tôi viết dưới ánh sáng của hai chân lý vĩnh cửu: Chúa và nền quân chủ
chuyên chế”. Nhà thờ Thiên Chúa giáo đã lập tòa và kết tội chết Galileo chỉ vì
ông dám dùng khoa học chứng minh giáo lý về trái đất và sự ra đời của con người
trái với những kết luận khoa học. Những nhà văn lớn khác như L.Tolstoy,
F.Dostoevsky (Nga) lại
không hơn một lần bị chính quyền gây phiền phức, thậm chí bắt bỏ tù vì những
quan điểm chính trị, xã hội trái với quan điểm của nhà cầm quyền. Thế mà những
người thổi phồng một cách sai lầm về chuyện tự sáng tạo của nghệ sĩ lại cố tình
quên đi những sự thực ấy, họ chỉ vin vào một số hạn chế của văn nghệ thời kỳ
kháng chiến rồi “kết tội chính quyền, hạ thấp uy tín nhà văn” là không thỏa
đáng, trái với bản chất khoa học và cũng rất thiếu nhân văn.
Định
hướng về vai trò chiến sĩ của người cầm bút không nên chỉ hiểu họ như một người
lính chỉ biết phục tùng mệnh lệnh. Hiểu thế là thô thiển, sai lầm. Người nghệ
sĩ thời nào cũng cần đứng ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu,
cái ác, trong sự động viên mọi người vươn tới những gì tốt đẹp nhất vì đó là sứ
mệnh, thiên chức của họ. Đó là một đòi hỏi chính đáng, là một nhiệm vụ cao cả
mà xã hội, bạn đọc giao cho họ và kỳ vọng ở họ. Về bản chất, văn nghệ chân
chính phải thuộc loại hàng hóa cao cấp, thuộc giá trị tinh hoa mà từ xưa đến
nay chỉ có giới tinh hoa mới có thể dẫn dắt xã hội. Ở thời đại nào cũng thế.
4. Chúng
ta chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống thực dân, đế quốc xâm lược không
phải chỉ bằng phương tiện mà cái chính vẫn là con người, là tình yêu Tổ quốc,
là sự yên ổn trong tâm hồn người lính, họ sẽ trở về vì ở hậu phương người thân
của họ đang chờ. Cả hậu phương hướng ra tiền tuyến và ở tiền tuyến, mọi người
cũng nghĩ đến hậu phương. Đó là điểm tựa tinh thần quan trọng, là niềm tin để
họ chiến thắng. Văn nghệ kháng chiến đã làm được điều này và đó là một giá trị
quốc gia, dân tộc, cộng đồng rất lớn, không mấy nền văn nghệ có được.
Cái
không khí nhà nhà ra trận, người người ra trận như ở bài thơ “Đường ra mặt
trận” của Chính Hữu là thế. Nó không hề giả tạo mà nó nói được cái khí thế cả
nước đánh giặc của một thời. Thậm chí, ở một bài thơ về cuộc gặp gỡ tình cờ
giữa rừng Trường Sơn của nhà thơ với cô gái trên đường ra trận trong cánh rừng
lá đỏ ào ào rụng xuống, không đao to búa lớn gì nhưng người đọc vẫn cảm thấy cả
quê hương cùng ra trận và điểm hẹn gặp nhau ở Sài Gòn là hoàn toàn tự nhiên vì
đó là cái đích của cuộc chiến, ai ra trận cũng hiểu, ai cũng mong góp phần vào
ngày tiến về giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Nói như Tố Hữu: “Bốn mươi
thế kỷ cùng ra trận”, tư tưởng ấy thấm sâu vào mọi người dân, đạo đức xã hội
lúc đó là hiểu thấu nghĩa vụ và trách nhiệm trước lịch sử.
Vì
vậy, có thể khẳng định rằng, văn nghệ thời kháng chiến cách mạng đã làm rất tốt
nghĩa vụ là một bộ phận của cuộc cách mạng và đội ngũ văn nghệ sĩ đã hoàn thành
xuất sắc trách nhiệm công dân trước đất nước. Xét từ cơ sở xã hội, tư tưởng
triết học đến những vấn đề về đạo đức xã hội hay mỹ học thì văn nghệ cách mạng
đã tạo ra những hệ giá trị cho thời đại. Làm được như thế là một kỳ tích của
văn nghệ cách mạng. Giá trị ấy không bao giờ cũ.
Hiện
nay, chúng ta đang xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị
gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn phát triển đất nước và
hội nhập quốc tế. Đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc là mục tiêu phấn đấu
của cả xã hội, nhưng những đường hướng đến đích cần phải được tất cả mọi người
dân đồng lòng. Thực hiện nhiệm vụ này có vai trò to lớn của văn nghệ. Trách
nhiệm xã hội và về bản chất của văn nghệ điều này chưa hề cũ.
Chúng
ta xây dựng hệ giá trị mới là do yêu cầu của hiện tại và tương lai, nhưng cũng
phải căn cứ vào truyền thống để hoạch định bước đi cho cả dân tộc. Có những giá
trị chỉ có ý nghĩa trong những thời điểm cụ thể, nhưng cũng có những giá trị
không thay đổi. Những gì văn nghệ cách mạng đã làm được với đất nước, với nhân
dân trong cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc không hề cũ vì nó đã khơi dậy sự
đồng lòng, tình yêu Tổ quốc, nhân dân; nó có mặt ở mọi nơi, mọi lúc trong cuộc
chiến đấu sinh tử ấy thì không bao giờ cũ. Nền văn nghệ cách mạng vẫn là một
trong những điểm tựa cho ý thức dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét