Ngay từ khi thành
lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ nam - nữ bình quyền là một trong mười
nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Bình đẳng giới và trao quyền năng cho
phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội luôn là một trong những mục tiêu
chiến lược, lâu dài, quan trọng của Đảng, Nhà nước ta.
Về pháp lý, Việt
Nam là một trong số các quốc gia có khung pháp luật và chính sách khá toàn
diện, đầy đủ để thúc đẩy bình đẳng giới được khẳng định trong Điều 26, Hiến
pháp 2013: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo
đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”. Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật
từng bước cụ thể hóa Hiến pháp được hoàn thiện theo hướng bình đẳng giới như:
Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia
đình, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Bộ luật Lao
động, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Giáo dục, Luật Khám bệnh, chữa
bệnh… Hệ thống chính sách, pháp luật nước ta đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế,
chúng ta đã tham gia ký kết nhiều công ước quốc tế và các chương trình nghị sự
lớn về quyền của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới.
Về chính trị, Việt
Nam chủ trương khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy cơ quan công
quyền. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đề cao, phát huy vai trò của phụ nữ
như: Nghị quyết 04-NQ/TW ngày 12/7/1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng
cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị 37-CT/TW ngày
16/5/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ
trong tình hình mới; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành
Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến
lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…
Về kinh tế, từ
nhiều năm trước, Chính phủ ban hành nhiều nghị định ưu tiên hỗ trợ đối với phụ
nữ như Nghị định số 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 về tiền lương, khẳng định
quyền bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ trong việc trả lương; Nghị
định số 33/2003/NĐ-CP ngày 02/4/2003 của Chính phủ quy định không được xử lý kỷ
luật lao động đối với lao động nữ có thai, nghỉ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12
tháng tuổi và cả với lao động nam đang phải nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;
Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định về những chính
sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho các đối tượng là lao động nữ… Mặt khác,
việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách,
chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tạo tiền đề để thực thi bình
đẳng giới ngày càng hiệu quả hơn, các chính sách liên quan đến vai trò, vị trí
của nam và nữ đều được thực hiện bình đẳng như nhau.
Về xã hội, Quyết
định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp
giai đoạn 2017 – 2025”; Đề án thúc đẩy phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, tăng
thu nhập cũng như kết nối, mở rộng liên kết, khuyến khích ý tưởng khởi nghiệp
sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ cho phụ nữ và Quyết định số 938/QĐ-TTg
phê duyệt Đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải
quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027, được
Chính phủ ban hành ngày 30/6/2017… Các đề án này nhằm nâng cao kiến thức, kỹ
năng, phát huy vai trò chủ động của phụ nữ trong ứng phó và tham gia giải quyết
có hiệu quả một số vấn đề xã hội, đề án hướng tới mục tiêu giảm thiểu những tác
động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống phụ nữ, góp phần thực hiện mục
tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét