Thứ Tư, 22 tháng 3, 2023

Tỉnh táo với tự do ngôn luận trong thời đại số

 

Hiện nay nước ta có hơn 76 triệu người dùng mạng xã hội, tương đương 78% dân số. Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, mạng xã hội xuyên quốc gia như Facebook, Twitter, Youtube… đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Tự do ngôn luận được thể hiện rõ việc bày tỏ quan điểm, tư tưởng, chính kiến, truyền bá thông tin của các tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội.

Tạo điều kiện cho công dân thụ hưởng quyền tự do ngôn luận, nhiều năm qua Đảng và Nhà nước ta không chỉ chú trọng đầu tư phát triển lĩnh vực báo chí, truyền thông, mà còn nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp để bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng. Các tổ chức và cá nhân hoạt động trên không gian mạng đã tuân thủ pháp luật, quy định chung của Luật An ninh mạng. Tại Điều 8, Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội...

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành có hiệu lực từ ngày 17/6/2021 cũng ghi nhận quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân như: Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; ... Tuy nhiên một số cá nhân thể hiện tự do ngôn luận một cách thái quá xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân bị truy cứu theo Điều 331, Bộ luật Hình sự 2015 về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Đây cũng là bài học cảnh tỉnh cho những người dùng mạng xã hội trong thời đại số, người tham gia cần biết tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình sao cho phù hợp. Trước khi muốn truyền tải nội dung gì cũng phải cân nhắc để không vi phạm các quy định pháp luật.

Thực tế đang đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên trong Quân đội khi tham gia mạng xã hội trong thời đại số hết sức tỉnh táo để không trở thành nạn nhân của “thế giới ảo”, không để các tổ chức phản động lợi dụng kích động, lôi kéo, chống phá; cần nắm chắc Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và những qui định của Quân đội để thể hiện ý thức trách nhiệm của công dân, quân nhân cách mạng, vừa đảm bảo quyền tự do ngôn luôn, vừa giữ gìn môi trường mạng xã hội an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét