Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023
Tự phê bình và phê bình chính là vũ khí sắc bén nhằm phòng ngừa suy thoái, ngăn chặn “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó, như thế là một Đảng tiến bộ, chân chính”. Thực tế, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, khi nhận thấy sai lầm, khuyết điểm, Đảng ta đã thẳng thắn nhìn nhận và kiên quyết sửa chữa. Tự nhận thấy khuyết điểm của mình, Bộ Chính trị đã thực hiện tự phê bình trung thực, nghiêm túc, tự nhận khuyết điểm và hình thức kỷ luật.
Vậy việc đấu tranh tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng hiện nay có được thắng thắn, thực chất và hiệu quả như vậy chưa? Các vụ việc tham ô, tham nhũng, vi phạm nguyên tắc, Điều lệ Đảng đều không do tổ chức chi bộ phát hiện, tố giác mà đều do thanh tra, kiểm tra, báo chí - truyền thông và quần chúng nhân dân phát hiện. Theo thống kê trong nhiệm kỳ Đại hội XII đã có 161 tổ chức đảng bị cảnh cáo, hơn 7.800 đảng viên bị khai trừ ra khỏi Đảng, cho thấy, việc sinh hoạt và thực hành tự phê bình, phê bình trong nhiều tổ chức Đảng hiện nay chỉ mang tính hình thức và chưa hiệu quả. Vì hình thức nên tự phê bình và phê bình bị biến tướng thành diễn đàn khen ngợi, tâng bốc nhau, thậm chí nhiều nơi còn lợi dụng tự phê bình và phê bình để chỉ trích, vu khống, phê phán người khác với động cơ không trong sáng, gây mất đoàn kết trong chi bộ. Nhiều người đứng đầu, người có chức, có quyền, không nhận rõ được hạn chế, khuyết điểm của mình. Họ bị bao phủ bởi một lớp hào quang, mà đó là hào quang hình thức, do một số người cấp dưới nịnh bợ mà anh ta không thấy được.
Tính hình thức của tự phê bình và phê bình ở đây chính là: Cuộc sống của người cán bộ, đảng viên phụ thuộc rất nhiều vào người chỉ huy. Cơm ăn, áo mặc, học hành, con cái… đều phụ thuộc vào cơ quan, mà cơ quan lại phụ thuộc vào người chỉ huy, người đứng đầu đó. Cho nên nếu một người thủ trưởng có khuyết điểm, người ta biết nhưng cũng không dám nói, nên tự phê bình và phê bình khiến cho đảng viên trượt dài trên con đường “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Như vậy, khi thực hiện tự phê bình và phê bình cần nhất những lời nói thẳng, nói thật, nói đúng, làm thế nào để tự phê bình và phê bình có hiệu quả. Việc thực hiện tự phê bình và phê bình, đó là cùng nhau tiến bộ, cùng nhau phấn đấu vì nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị. Sau khi phê bình, người đó tốt hơn lên, nhận rõ khuyết điểm của mình và sửa chữa tốt hơn. Vì thế tự phê bình và phê bình phải trung thực, thẳng thắn, không bỏ qua, không đặt điều và rất độ lượng. Phê bình cốt là để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm tốt hơn, phê bình kiểu đao to, búa lớn, vùi dập người ta thì người ta không thực hiện. Phê bình trước hết bản thân mình tự kiểm điểm, tự phê bình việc mình đã làm, thế rồi kiểm điểm, phê bình đồng chí, đồng đội mình. Có làm được như vậy mới sửa được. Ai dám phê bình mới có khả năng sửa. Ai không nhận khuyết điểm, không dám phê bình chắc chắn sẽ không sửa được.
Để tự phê bình và phê bình không rơi vào tình trạng dĩ hòa vi quý, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không rơi vào tình trạng đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần thấu suốt quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật. Đặc biệt là chỉ phê bình việc chứ không phê bình người. Tự phê bình và phê bình chính là cuộc chiến đấu ngay trong cơ thể Đảng. Để cuộc chiến đấu này giành được chiến thắng, trước hết cơ thể Đảng phải có được một thể lực tốt, được trang bị những tấm khiên, áo giáp bảo vệ chắc chắn, đủ năng lực tự vệ để đương đầu, đối phó thắng lợi với những tác nhân gây bệnh đến từ nhiều phía.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét