Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023
Vị trí, ý nghĩa của phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần làm trong sạch Đảng, bộ máy Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay
Công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, bài bản, Nhân dân đồng tình, ủng hộ rất cao. Chúng ta xử lý để giữ cho được sự trong sạch, lành mạnh, vững vàng của Đảng ta, chế độ ta; xử lý những trường hợp sai lầm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, sự tồn vong của chế độ, "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", vì sự tiến bộ chung, bất kể đó là ai.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Sau 10 năm qua, công tác PCTN, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rõ rệt, đột phá, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, nhưng công cuộc PCTN, tiêu cực vẫn còn rất nhiều việc phải làm và phải làm ngay.
Sự thật còn là tình trạng “tham nhũng vặt” đã kéo dài và hoành hành ở cơ sở nhưng chưa có “thuốc” đặc trị. “Tham nhũng vặt” rất nguy hiểm, vì nó là thứ mà người dân chứng kiến, nhìn thấy hằng ngày; nó như “ghẻ ruồi’, từng ngày, từng giờ gặm nhấm, bào mòn niềm tin của người dân với cấp ủy, chính quyền. Nó tạo ra một thứ bệnh dịch nguy hiểm trong nhân dân là dù khinh ghét tham nhũng nhưng sẵn sàng chấp nhận “sống chung với lũ”, chấp nhận hối lộ “vặt” để được việc khi đến các cơ quan công quyền. Không phải ngẫu nhiên, mà trong số các bài học quý rút ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại đặt vấn đề: “Trước hết, cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCTN, tiêu cực để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng” và “Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN”.
Tham nhũng, tiêu cực là thứ “giặc” ai cũng biết nhưng không thấy. Không thấy ở đây là không có bằng chứng để phát hiện, xử lý. Thành công của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực là dám nhìn thẳng vào sự thật, khi dám nhìn thẳng vào sự thật, sử dụng các công cụ, bộ máy PCTN, tiêu cực vào cuộc thì nhất định sẽ nhìn rõ sự thật, tìm ra bằng chứng. Có một tình trạng chung ở nhiều cấp ủy địa phương là thừa nhận tham nhũng, tiêu cực diễn biến phức tạp, nhưng đó là tình trạng chung, tồn tại ở đâu đó chứ không phải trong nội bộ cấp ủy, tổ chức của mình. Vì lẽ đó mà tình trạng “dưới lạnh” vẫn tồn tại. Hy vọng rằng, với việc thành lập ban chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, mà thường xuyên, trực tiếp là Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư đứng đầu, “ngọn lửa” sẽ tạo ra bước đột phá mạnh mẽ từ cơ sở, giúp cấp ủy từ cấp cơ sở đến cấp trực thuộc Trung ương củng cố quyết tâm “nhìn rõ sự thật” ở cấp mình.
Trong tình hình hiện nay, ở bất kỳ ngành, lĩnh vực nào đều cần người giỏi việc; nên cần phải đề cao việc “dám đầu tư con người” vào các cơ quan PCTN, tiêu cực để công cuộc chiến đấu chống “kẻ thù hung ác” trong nội bộ đạt hiệu quả. Có thể nói, cho đến nay, thể chế PCTN, tiêu cực của nước ta, từ các chủ trương, quy định của Đảng đến các văn bản pháp luật và bộ máy PCTN, tiêu cực tương đối đầy đủ. Ở đâu có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tốt, giỏi nghiệp vụ, đặc biệt là người đứng đầu có quyết tâm PCTN, tiêu cực thì ở đó, tình trạng “dưới lạnh” được khắc phục. Đầu tư vào con người và bộ máy PCTN, tiêu cực thì phải chăm lo xây dựng và dưỡng liêm bộ phận này. Chế độ chính sách, tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan PCTN, tiêu cực nhìn chung còn thấp so với khu vực sản xuất kinh doanh, tư nhân. Hệ thống lương công vụ vẫn nặng tính “cào bằng”, nếu chỉ dùng lương thì mức sống thấp, điều đó vẫn đang là bài toán khó của cả hệ thống chính trị. Đội ngũ những người làm công tác PCTN, tiêu cực là những “Bao Công” của chế độ, nếu không dưỡng liêm, để họ sa vào suy thoái, vi phạm là lỗi của cấp ủy, tổ chức đảng. Và cũng chính những “Bao Công” này, nếu rơi vào suy thoái, vi phạm thì họ rất biết cách vô hiệu hóa các cơ quan PCTN, tiêu cực; việc phát hiện, điều tra, xử lý họ vô cùng khó khăn.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét