Thứ Ba, 7 tháng 3, 2023

“Vắc-xin” nâng cao sức đề kháng, tự “miễn dịch" tin xấu độc

 Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giúp cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất của các quan điểm sai trái, thù địch.

Đối với quan điểm sai trái, trước hết là bản thân tự nó đã chứa đựng những quan điểm sai lầm về thực tiễn và khoa học... Tính chất của sai trái có thể do hạn chế về trình độ nhận thức quy định, do đó có nơi, có lúc, chủ thể của nó không hoàn toàn là những kẻ thù địch.

Đối với quan điểm thù địch, tự bản thân nó đã chứa đựng những quan điểm sai trái, đối lập về lợi ích và lập trường giai cấp và chủ thể của nó thường là những kẻ đối lập về lập trường tư tưởng và đối lập về lợi ích giai cấp, quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, trong thực tế việc phân định giữa sai trái và thù địch không hề đơn giản do tính chất phức tạp, thủ đoạn tinh vi từ nội dung của các thông tin xấu độc. Vì thế, trong thực tiễn hiện nay, chúng ta thường sử dụng định ngữ kép là "sai trái, thù địch" để chỉ các quan điểm đối lập với tư tưởng chính trị, với nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong trường hợp này, thuật ngữ sai trái được sử dụng để nhấn mạnh tới phương diện phản khoa học, phi thực tiễn của loại quan điểm trên. Còn khi dùng thuật ngữ thù địch là để nhấn mạnh tới sự đối lập về lợi ích, lập trường giai cấp công nhân - dân tộc Việt Nam.

Từ cách tiếp cận đó, có thể giải thích, làm rõ bản chất để mỗi công dân mạng nhận diện cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên in-tơ-nét là một phương thức đấu tranh tư tưởng, đấu tranh ý thức hệ trong điều kiện mới.

Nhiệm vụ của báo chí chính thống là tạo dòng thông tin chủ đạo để cộng đồng mạng nhận diện rõ bản chất các quan điểm sai trái trên in-tơ-nét. Làm cho mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân có thể nhận thức, nhận diện thông tin xấu độc, hiểu rõ quan điểm sai trái, thù địch. Khi đã nhận thức đúng - sai của thông tin xấu - độc, sai trái, thù địch thì mỗi công dân mạng sẽ có nhãn quan chính trị, tự giác phòng, chống và chủ động đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch.

Vì vậy, báo chí chính thống cần trang bị tri thức cho cộng đồng mạng nhận diện rõ mục đích của các thế lực phản động, làm rõ phương thức, thủ đoạn mới nhất hiện nay của chúng.

Để các công dân mạng nhận diện rõ bản chất sai trái, thù địch của các thông tin xấu độc phát tán trên mạng, báo chí chính thống cần phân tích, làm rõ ở từng cấp độ thông tin khác nhau. Có những hệ thống thông tin ở mức độ tổng quan, phân tích bài bản âm mưu, thủ đoạn khái quát từ hệ thống các quan điểm sai trái, thù địch. Có những thông tin phân tích trực diện, cụ thể, kịp thời đối với từng loại thông tin sai trái, thù địch.

Cần nâng cao nhận thức cho cộng đồng mạng về thủ đoạn lợi dụng các tiện ích, công nghệ mới từ in-tơ-nét như các diễn đàn online, livestream để phát tán các thông tin sai trái, thù địch, lôi kéo sự tò mò của công dân mạng, nhất là lớp trẻ tham gia đối thoại trực tiếp, bình luận, dẫn dắt thông tin theo ý đồ xấu của chúng. 

Thứ hai, phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng bằng thông tin chính thống của hệ thống báo chí và mạng xã hội của Việt Nam để cộng đồng mạng nâng cao nhận thức, đủ sức "đề kháng" trước các quan điểm sai trái, thù địch.

Hệ thống báo chí cần tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, đa dạng hóa hình thức nhằm cung cấp thường xuyên cho công chúng một cách có hệ thống thông tin chính thống về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu toàn diện của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Theo đó, báo chí cần tăng cường tuyên truyền, cổ vũ các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đó là tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, nhằm nâng cao sức đề kháng, khả năng chủ động đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch.

Báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi công dân mạng tin tưởng về những tiến bộ, thành tựu toàn diện của đất nước. Đây là phương thức tốt nhất để hạn chế tối đa sự lợi dụng chống phá của các thế lực phản động, cơ hội chính trị.

Nếu xã hội ta có cơ thể lành mạnh thì chúng khó có thể công kích, xuyên tạc, nói xấu chúng ta. Vì vậy, báo chí cần tăng cường tuyên truyền những thành tựu của công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Làm cho mỗi công dân mạng nhận thức sâu sắc sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh; việc xử lý các tội phạm trong các vụ đại án tham nhũng thể hiện rõ chủ trương chống tham nhũng "không có vùng cấm", "không ngoại lệ", bất kỳ người đó là ai.

Hệ thống mạng xã hội của Việt Nam tuy mới ra đời nhưng đã có sự ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng mạng. Vì vậy, cần có định hướng rõ ràng để các mạng xã hội có thế mạnh vào cuộc, tham gia một cách chủ động trong gợi mở, định hướng, dẫn dắt và chi phối thông tin. Các mạng xã hội VCNet, Mocha, Zing.me, Lotus, Zalo… cần có trách nhiệm trong thông tin mặt tích cực của đời sống xã hội, hướng về cộng đồng mạng người Việt Nam. Đây là cách tốt nhất để thực hiện phương châm "xây" và "chống", trong đó lấy "xây" là chính, nhằm nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy thông tin tích cực để đẩy lùi thông tin tiêu cực, xấu độc, sai trái, thù địch.

Chúng ta phải có những giải pháp tối ưu giảm thiểu sự truy nhập, tìm kiếm thông tin sai trái của cộng đồng mạng. Vũ khí tối ưu nhất vẫn là tạo sức đề kháng cho mỗi cư dân mạng có thể chống đỡ tác động từ thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, bằng cách cung cấp kịp thời, đầy đủ những thông tin chính thống trên mạng. Khi nhu cầu thông tin được đáp ứng, thì nhu cầu tìm đọc các thông tin không chính thống - thông tin sai trái sẽ hạn chế đi rất nhiều.

Thứ ba, phát huy trách nhiệm của báo chí tham gia đấu tranh, phòng chống quan điểm sai trái, thù địch, nhằm khơi dậy niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào thắng lợi của cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch.

Hiện nay, công cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch vẫn còn tồn tại không ít hạn chế khi lực lượng chủ yếu tham gia đấu tranh là lực lượng chuyên trách. Tình trạng thờ ơ trước tác động của các quan điểm sai trái, thù địch phát tán trên mạng của người dân còn diễn ra khá phổ biến.

Theo đó, các cơ quan báo chí phải đóng vai trò định hướng thông tin, tăng cường tuyên truyền thường xuyên cuộc đấu tranh, bác bỏ quan điểm sai trái, luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch theo tinh thần Nghị quyết số 35- NQ/TW của Bộ Chính trị, đó là: "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng; bảo vệ Nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước".

Đây là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó các cơ quan báo chí là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.

Để làm tốt công tác tuyên truyền, bản thân các cơ quan báo chí cũng cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Bảo đảm đội ngũ những người làm báo có năng lực chuyên môn, tinh thông nghề nghiệp, vừa có đạo đức trong sáng, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, luôn có ý chí chiến đấu bảo vệ lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Thường xuyên đổi mới phương thức, phương tiện đấu tranh hiện đại, nhất là sử dụng các phương tiện mới nhằm thu hút công chúng mạng tham gia chia sẻ, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hệ thống thông tin vừa phải đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin chính thống của Nhân dân nói chung, của cư dân mạng nói riêng, vừa phải đủ sức bảo vệ lợi ích kinh tế, định hướng chính trị, những giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời đủ sức chiến đấu, phê phán phản bác các thông tin sai trái, độc hại trên in-tơ-nét, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Các cơ quan báo chí có lượng người đọc lớn, có tác động, chi phối thông tin trên mạng cần tạo các diễn đàn mở để trao đổi trực tuyến, tranh luận, giải thích với những người có ý kiến, quan điểm khác biệt hoặc phản bác những quan điểm thù địch, chống đối chế độ. Đây cũng là diễn đàn để chúng ta tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vừa để Nhân dân có thể tham gia trao đổi, tranh luận hoặc phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tăng cường lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với hệ thống báo điện tử. Sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ mục đích, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo "mảnh đất" để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ. Các báo điện tử, trang tin điện tử chú trọng đổi mới, xây dựng giao diện cho nền tảng điện thoại di động (smart phone), tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ thường xuyên sử dụng, dễ dàng khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống.

Thứ tư, cần sớm có chủ trương, giao các cấp ủy đảng, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ban hành quy tắc tham gia mạng xã hội.

Trong đó, quy định rõ trách nhiệm và cơ chế khen thưởng, xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, công đoàn... khi tham gia mạng xã hội. Quy định rõ nhiệm vụ của đảng viên, đoàn viên, hội viên tham gia đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, thù địch; ban hành nghị định với các chế tài cụ thể trong xử lý kỷ luật và truy tố đối với các hành vi đồng phạm, chủ động phát tán thông tin bôi nhọ uy tín của Đảng, các đồng chí lãnh đạo và xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Xây dựng mạng lưới đấu tranh chống quan điểm sai trái trên in-tơ-nét từ Trung ương đến cấp tỉnh, thành phố, bao gồm đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, am hiểu về thực tiễn; xây dựng tổ chức chuyên trách với lực lượng nòng cốt là các chuyên gia, các nhà lý luận về tư tưởng chính trị chuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái về tư tưởng chính trị trên in-tơ-nét. Tổ chức lực lượng trong các cơ quan chính quyền, lực lượng quân đội, công an các cấp và trong các tổ chức chính trị, xã hội... thực hiện nhiệm vụ thường xuyên về đấu tranh chống quan điểm sai trái trên in-tơ-nét.

Toàn bộ hệ thống chính trị cần vào cuộc để thực hiện tốt Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị. Từng cấp ủy, từng ngành, từng cấp và các đoàn thể cần tuyên truyền nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, đảng viên, công dân tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên in-tơ-nét. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, cổ vũ các tầng lớp nhân dân chủ động tiến công, tự giác đấu tranh, phản bác đối với các thông tin xấu độc, sai trái, thù địch phát tán trên mạng.

Cuộc đấu tranh chống quan điểm sai trái trên in-tơ-nét với đối thủ nhiều khi không lộ diện, do vậy cuộc đấu tranh này rất khó khăn và phức tạp. Chính vì vậy, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; giữa Trung ương và địa phương nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa trong cuộc đấu tranh chống các hoạt động "diễn biến hòa bình", chống quan điểm sai trái. Bởi vì, nếu chỉ dựa vào lực lượng chuyên trách (vốn đã mỏng) thì không thể giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh này. Để thắng địch trong cuộc đấu tranh phức tạp này, đòi hỏi chúng ta phải tổ chức lực lượng một cách khoa học và hợp lý.

Thứ năm, để khuyến khích tinh thần yêu nước, dũng cảm tham gia đấu tranh trên không gian mạng, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, tạo cơ chế, khuyến khích việc thành lập các tổ chức dưới dạng tự nguyện, xung kích đấu tranh trên không gian mạng.

Nếu các tổ chức tình nguyện tham gia đấu tranh trên mạng xã hội xuất hiện càng nhiều, chúng ta càng có lực lượng lớn đủ sức đẩy lùi các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc. Chính vì vậy, các tổ chức chính trị - xã hội cũng cần nghiên cứu, có cơ chế khen thưởng để cổ vũ, động viên, tập hợp nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên tích cực tham gia đấu tranh chống quan điểm sai trái trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần xây dựng các tổ chức có lực lượng chuyên nghiệp, có tính dài hơi trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp, trong đời sống dân cư góp phần góp phần phòng chống các luận điệu xuyên tạc một cách nhanh chóng, thức thời và hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét