Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Vạch trần luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về “Nhân quyền” ở Việt Nam

 Mặc dù những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực trong việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người, bảo đảm lợi ích chính đáng cho công dân, nhưng vì những mục đích đen tối, các đối tượng thù địch vẫn luôn xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam hòng quấy rối, chống phá nước ta. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng này là lợi dụng mạng Internet, mạng xã hội để đưa ra những luận điệu xuyên tạc, sai trái, cố tình vu cáo Việt Nam “không có dân chủ, không có nhân quyền”.

Điển hình, ngày 06/12/2022 trên Youtube RFA Tiếng Việt (đài Á Châu tự do) đăng tải video “Tình hình nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục tồi tệ”. Trong đó, có bản lên tiếng nhân ngày quốc tế nhân quyền 10/12 năm nay do một số tổ chức ký tên như: Hội đồng liên tôn Việt Nam, Cộng đồng người Việt tị nạn chính trị Âu Châu, Cộng đồng người Việt quốc gia liên bang Hoa Kỳ, Liên Hội Người Việt Canada,  đã nêu rằng: Chính phủ Hà Nội đang triệt để khai thác việc mới đắc cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc để tuyên truyền về những cái gọi là uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền, tuy vậy, trong thực tế thể chế độc đảng với giới lãnh đạo không có dự tính thúc đẩy hay chấp nhận bất cứ thay đổi nào đối với mô hình độc đoán đang theo đuổi dẫn đến những hậu quả rõ ràng cho người dân. Điển hình là hiện tượng giam cầm tùy tiện, tuyên và xử án tử hình không minh bạch, tùy ý và những biện pháp cản trở sinh hoạt của xã hội dân sự. Theo bản lên tiếng, Việt Nam tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống quyền tự do biểu đạt của người dân bằng cách giam cầm những ai dám bày tỏ quan điểm dù thông qua những hình thức bất bạo động...

Thông tin trên là hoàn toàn sai lệch.

Thứ nhất, từ khi thành lập nước đến nay, ngay Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho đến Hiến pháp năm 2013 đều đưa quyền con người lên hàng đầu. Sau đó, các luật đã cụ thể hóa quyền con người trên các lĩnh vực: hình sự, dân sự, tố tụng, bầu cử, hành chính...Đặc biệt pháp luật Việt Nam rất quan tâm bảo vệ đối tượng yếm thế như trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật. Ngay cả người bị hạn chế quyền công dân như bị can, bị cáo cũng được bảo vệ quyền con người cơ bản nhất. Hệ thống pháp luật của Việt Nam rất phù hợp với pháp luật quốc tế, với các công ước về quyền trẻ em, chống phân biệt chủng tộc, bảo vệ phụ nữ....Có thể nói pháp luật Việt Nam ngày càng được hoàn thiện nhằm hướng tới mục tiêu: Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Ngày 14/9/2022 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam. Điều này cho thấy, Việt Nam không chỉ xây dựng một nền móng pháp lý hoàn thiện để bảo vệ công dân, mà còn nỗ lực tuyên truyền rộng rãi để mỗi công dân có thể hiểu rõ, hiểu đúng về quyền và trách nhiệm của bản thân, từ đó có hành động đúng để góp phần làm cho quyền con người của bản thân mình và mọi người trong xã hội đều được đảm bảo một cách thực chất.

Thực tế nhân quyền ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế, tiêu biểu là nhiều nhà lãnh đạo, chính khách quốc tế, các nhà quan sát, du khách đến Việt Nam cảm nhận, đánh giá. Chẳng hạn nhà báo chuyên về chính trị Đông Nam Á David Hutt phát biểu trên đài BBC News rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hành động trách nhiệm và đặt người dân lên làm mối quan tâm hàng đầu. Còn trang liberationnews.org (Mỹ) thì thừa nhận: Một chính phủ xã hội chủ nghĩa đặt người dân lên trên lợi ích kinh tế... Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: Việt Nam ứng phó thành công đại dịch Covid-19 là một câu chuyện truyền cảm hứng, trong đó tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và gắn kết xã hội là chìa khóa thành công. Trang Times of India thì cho rằng, Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh thông qua việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về dịch bệnh và quyền được tiếp cận điều trị Covid-19 cho tất cả mọi người, nhờ thế đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội, huy động được sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến chống dịch. (1)

Thứ hai, Ngày 11/3/2022 tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của tổ chức Freedom House cho rằng Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm quốc gia “không có quyền tự do”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là thúc đẩy quyền con người, trong đó có các quyền tự do cơ bản được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 cũng như nhiều văn bản pháp luật liên quan. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật để triển khai nhiều biện pháp cụ thể, đảm bảo tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tích cực tham gia hợp tác quốc tế về quyền con người. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nêu một ví dụ điển hình là trong khuôn khổ Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ lần thứ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào năm 2019, các nước quan tâm đã tham gia đông đảo tại phiên họp. Đại đa số ý kiến các nước đã đánh giá cao nỗ lực và thành tựu, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam, cũng như là đưa ra các kiến nghị có tính chất xây dựng.

Thứ ba, theo BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung một cách đầy đủ và toàn diện nhất từ trước đến nay, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hình phạt tử hình được quy định tại Điều 40 như sau: “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”. Tử hình được thực hiện đối với phạm nhân bị kết án tử hình. Trong đó mục đích được xác định là tước bỏ tính mạng, loại trừ vĩnh viễn người phạm tội khỏi xã hội. Do đó thủ tục thi hành án cũng được quy định cụ thể theo từng bước thực hiện. Trong đó, phải có sự tham gia giám sát, chịu trách nhiệm thi hành của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ pháp lý: Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Luật Thi hành án hình sự năm 2019. Nghị định 43/2020/NĐ-CP quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc. Như vậy, việc nói Việt Nam giam cầm tùy tiện, tuyên và xử án tử hình không minh bạch là hoàn toàn xuyên tạc.

Thứ tư, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, trong đó có quy định cấm hành vi ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý, với mục đích nhằm bảo vệ quyền riêng tư của mọi công dân; thế nhưng các đối tượng phản động đã lợi dụng điều này để xuyên tạc thành Việt Nam đang vi phạm quyền con người, vi phạm quyền tự do ngôn luận. Ông Phạm Văn Long - Chánh Tòa Hình sự, Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, các phiên tòa được xét xử công khai, trừ những phiên tòa liên quan đến bí mật nhà nước. Việc tác nghiệp báo chí hay ghi âm ghi hình tại phiên tòa không phải bị cấm mà phải tuân theo quy định của phiên tòa và phải được sự đồng ý của những người được ghi âm ghi hình. Điều này nhằm đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân của mỗi người. Như vậy pháp lệnh đã bảo vệ quyền con người ở một mức độ cao hơn. Việc nói Việt Nam tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống quyền tự do biểu đạt của người dân bằng cách giam cầm những ai dám bày tỏ quan điểm dù thông qua những hình thức bất bạo động... là xuyên tạc.

Có thể nói, việc bảo đảm quyền con người luôn được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều này thể hiện qua việc Việt Nam đã quan tâm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý để bảo đảm quyền con người của công dân. Đồng thời, Việt Nam cũng chủ động, tích cực đóng góp vào việc tôn trọng, bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trên thế giới và được cộng đồng thế giới ghi nhận.

Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người chính là một trong những minh chứng cụ thể nhất để bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu khống Việt Nam vi phạm nhân quyền. Việc lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bóp méo tình hình nhân quyền ở Việt Nam là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét