Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Đã đến lúc Đông Nam Á cần phải tăng cường sự đoàn kết.


Các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông ngày càng phản đối mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc.
Tại Hội nghị trực tuyến cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra tại Hà Nội hôm 13/6 do Việt Nam chủ trì với tư cách là Chủ tịch ASEAN, các bên đã ra tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình an ninh khu vực trong bối cảnh Trung Quốc từ đầu năm liên tiếp có hành động khiêu khích trên Biển Đông khi các nước dồn sức chống dịch bệnh.
Bắc Kinh thành lập cái gọi là các quận hành chính "quản lý" Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đâm chìm tàu cá Việt Nam, điều tàu khảo sát bám theo tàu thăm dò dầu khí của Malaysia. Chưa dừng lại ở đó, nước này đã tiến hành tập trận quanh quần đảo Hoàng Sa từ ngày 1 đến 5/7.
Phản ứng trước các cuộc tập trận của Trung Quốc, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tuyên bố Bắc Kinh sẽ “đối mặt với phản ứng mạnh nhất, về mặt ngoại giao hoặc bất cứ hình thức nào phù hợp” nếu cuộc tập trận xâm lấn sang lãnh thổ nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết, cuộc tâp trận của Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình. Việt Nam đã giao thiệp, trao công hàm phản đối và yêu cầu Trung Quốc không lặp lại những hành vi tương tự trong tương lai.
Indonesia cũng đã có lập trường cứng rắn hơn. Trước đó, vào tháng 1/2020, Jakarta đã triệu Đại sứ Trung Quốc, cử các đội tuần tra trên không và trên biển sau khi tàu Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này quanh quần đảo Natuna.
Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, Trung Quốc có thể sử dựng chiêu bài kinh tế để lấn át tiếng nói của các bên liên quan khi nhiều nước Đông Nam Á đang đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hơn nữa, trong 10 nước thuộc ASEAN chỉ có 4 quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, điều này gây trở ngại lớn với khả năng đoàn kết trong khu vực để tạo ra một phản ứng thống nhất với Trung Quốc. Ngoài ra, việc tìm ra một tiếng nói chung còn bị cản trở bởi những khác biệt cơ bản về lợi ích của mỗi quốc gia thành viên.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tìm mọi cách để gia tăng lợi ích ở Biển Đông, các nước ASEAN phải tăng cường sự đoàn kết và cùng nhau hành động nếu muốn tránh viễn cảnh tồi tệ nhất../

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét