Đảng ta luôn xác định: dân
tộc, tôn giáo là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài trong sự nghiệp cách mạng
nước ta. Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo là trách nhiệm của toàn Đảng,
toàn dân, cả hệ thống chính trị và đã đạt được những thành tựu quan trọng trong giải quyết mối quan hệ dân tộc và tôn giáo, đó là:
Thứ nhất,
các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn
kết toàn dân với phương châm “tốt đời đẹp đạo”
Trong lịch sử cũng như hiện tại, nhìn chung, các
tôn giáo ở Việt Nam có truyền thống gắn bó chặt chẽ với dân tộc, đồng hành cùng
dân tộc, gắn đạo với đời. Mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, tín
ngưỡng, tôn giáo đều đoàn kết góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sinh thời, khi đề cập về mối quan hệ hữu cơ giữa
dân tộc và tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Chỉ khi nào dân tộc
được giải phóng, đất nước được độc lập thì tôn giáo mới được tự do, các giáo sỹ
người Việt Nam mới thật sự được hưởng hạnh phúc, không bị phân biệt đối xử.
Tháng 1 năm 1946, khi nước ta đang đứng trước nguy
cơ bị thực dân Pháp xâm lược một lần nữa, Người nhấn mạnh: Nước có độc lập thì
dân mới thực sự tự do tín ngưỡng. Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự
do nên chúng ta phải làm cho nước được độc lập đã. Và “Nước có độc lập, thì đạo
phật mới dễ mở mang”1[1]
Tôn giáo tồn tại cùng dân tộc và còn tồn tại lâu
dài. Tuy nhiên tôn giáo chỉ có thể phát huy những giá trị tốt đẹp của mình khi
đồng hành cùng dân tộc, do đó trên con đường phát triển của dân tộc phải biết
khai thác, chắt lọc những giá trị tích cực của tôn giáo. Phương châm “Kính chúa
yêu nước” của Công giáo, “Nước vinh, đạo sáng” của đạo Tin Lành, hay “Đạo pháp
dân tộc - chủ nghĩa xã hội” của Phật Giáo…đã được Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều
lần khi nói về mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo, đồng thời là nguyên tắc để
Đảng và Nhà nước ta giải quyết hài hòa, biện chứng mối quan hệ dân tộc và tôn
giáo trong các thời kỳ cách mạng của đất nước.
Tuy nhiên trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc,
quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi
gió”. Khi chủ nghĩa thực dân, đế quốc lợi dụng tôn giáo như một “phương tiện”
để áp bức dân tộc Việt Nam, hay khi một số tín đồ, chức sắc tôn giáo không đồng
hành cùng dân tộc, những xung đột mâu thuẫn giữa dân tộc và tôn giáo nảy sinh.
Mâu thuẫn này chỉ từng bước được giải quyết khi
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, độc lập dân tộc đã được thực hiện,
tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo được tôn trọng.
Đảng và Nhà nước nhất quán lấy nguyên tắc đoàn kết
toàn dân tộc trong hoạch định, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo. Mọi
chính sách pháp luật về tôn giáo phải quán triệt nguyên tắc đoàn kết và xuất
phát từ lợi ích chung của cả dân tộc, trong đó lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi
ích vật chất và tinh thần của toàn dân làm mẫu số chung.
Bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH và nhất là hơn 30
năm đổi mới, quan hệ dân tộc và tôn giáo ở nước ta nhìn chung được phát triển
theo chiều hướng tích cực và về cơ bản không dẫn đến “xung đột” như ở nhiều
nước trên thế giới hiện nay. Trên cơ sở khẳng định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu
cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong
quá trình xây dựng CNXH, Đảng ta chỉ rõ, đồng bào các tôn giáo là bộ phận của
khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn
giáo; đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đoàn kết đồng bào không
theo tôn giáo và đồng bào theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hóa đạo đức
tốt đẹp của các tôn giáo, động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống
tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc.
Tuy nhiên có nơi, có lúc, do nhận thức hoặc do thực
hiện chưa đúng, các chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà
nước về vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo nên vẫn còn những mâu thuẫn phát sinh.
Các mâu thuẫn này cần được nhận diện để tiếp tục giải quyết nhằm: một mặt phát
huy những giá trị tích cực của tôn giáo; mặt khác giữ vững sự ổn định chính trị
và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân để phát triển đất nước bền vững theo định
hướng XHCN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét