Thứ Năm, 30 tháng 7, 2020

Điều kiện địa lý, trình độ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của các tộc người và tín đồ tôn giáo ảnh hưởng lớn đến công tác dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.



Việt Nam là một quốc gia có thuận lợi về địa chính trị, kinh tế, văn hoá nên rất thuận lợi trong việc giao thương với các nước để phát triển kinh tế, giao lưu văn hoá…Quốc gia của chúng ta, biên giới giáp Vịnh Thái Lan ở phía Nam, vịnh bắc bộ và biển đông ở phía Đông, Trung Quốc ở phía Bắc; Lào và Cămpuchia ở phía Tây, với đường bờ biển 3260 km (không kể các đảo), diện tích vùng biển thuộc chủ quyền khoảng 1 triệu km…Do vậy trong lịch sử phát triển, nền văn hoá dân tộc Việt Nam đã giao lưu, du nhập và tiếp biến nhiều nền văn hoá và tôn giáo của các nước trên thế giới. Các tôn giáo các nền văn hoá đã hoà đồng, khoan dung với hệ thống tín ngưỡng và văn hoá truyền thống, đóng vai trò quan trọng việc hình thành mối quan hệ dân tộc, tôn giáo chi phối sâu sắc đạo đức, lối sống của người Việt Nam, làm giàu và phong phú thêm các giá trị văn hoá truyền thống và đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc. Tuy nhiên, nó cũng tác động khiến cho mối quan hệ dân tộc, tôn giáo thêm nhạy cảm, phức tạp và dễ bị lợi dụng để thực hiện những mục tiêu không trong sáng, không có lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước, nhất là trước những xung đột tôn giáo, xung đột sắc tộc đang diễn ra rất phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới hiện nay.
Trong tình hình hiện nay, xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, các tôn giáo có điều kiện hội nhập vào Việt Nam, một mặt chúng ta hội nhập được những tinh hoa văn hóa thế giới, những nét đẹp của tôn giáo thế giới, nhưng mặt khác sẽ có nhiều vấn đề tôn giáo mới được du nhập vào Việt Nam, trong khi chúng ta có những khó khăn như sau:
 Nước ta có địa lý đa dạng, phức tạp
 Địa lý nước ta gồm các vùng đồng bằng, trung du, vùng rừng, núi cao và hải đảo; lại thêm đường biên giới kéo dài là chung đường biên giới với nhiều nước. Đại bộ phận đồng bào các dân tộc thiếu số nước ta sinh sống ở các vùng rừng núi cao , vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đây là những vùng có địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, môi trường sống không thuận lợi cho phát triển, đây là mảnh đất màu mỡ để cho việc truyền đạo trái phép.
Trình độ phát triển kinh tế, văn hoá xã hội
Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến nay vẫn dứng trước những khó khăn của sự phát triển. Đó là tình trạng phát triển không đều giữa các dân tộc, điều kiện địa lý phức tạp, giao thông khó khăn, dân cư phân tán, trình độ dân trí thấp, trình độ sản xuất thấp, nguồn nhân lực thiếu và yếu, sức hấp dẫn để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế hạn chế…vì vậy đời sống của một bộ phận khá lớn đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo còn gặp rất nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo còn cao; chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch về trình độ phát triển văn hóa, xã hội… giữa miền núi và miền xuôi, giữa dân tộc đa số và dân tộc thiểu số có xu hướng gia tăng; một số vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh.
Những yếu kém trong phát triển kinh tế tất yếu sẽ tác động dẫn tới hạn chế trong việc thực hiện các chính sách dân tộc, tôn giáo…đây là nguyên nhân làm nảy sinh những bức xúc, mâu thuẫn trong quan hệ dân tộc, tôn giáo…đồng thời là cớ để địch chống phá.
 Các thiết chế xã hội còn đơn giản, lạc hậu
Ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nhìn chung thiết chế xã hội còn đơn giản, mang tính tự quản là chính, nhiều nơi vẫn mang tính tự nhiên thuần phác. Đời sống tinh thần được gắn kết chặt chẽ bởi truyền thống văn hóa, các phong tục tập quán, luật tục…và bởi sợi dây tín ngưỡng tôn giáo tạo thành nền tảng vững chắc trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và tạo nên sự cố kết cộng đồng bền chặt, lâu dài trong lịch sử.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi trình độ kinh tế kém phát triển, trình độ dân trí còn thấp và nhiều phong tục tập quán, luật tục…lạc hậu còn tồn tại. Đây chính là những điều kiện thuận lợi khiến cho một số tôn giáo thường lựa chọn các khu vực này để thực hiện truyền đạo (như truyền đạo tin lành ở khu vực Tây Nguyên; Tin lành Vàng Chứ ở khu vực Tây Bắc v.v…) điều này dễ làm nảy sinh những xung đột mâu thuẫn giữa tín ngưỡng tôn giáo đa thần của một số đồng bào dân tộc thiểu số với tôn giáo độc thần hoặc một số lợi dụng để truyền bá tà đạo mà bản chất là cuồng tín, cực đoan, phản động, đi ngược lại những chủ trương, chính sách dân tộc và tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Ví dụ như Hà Mòn (Tây nguyên), Pháp Luân công (Hà Nội, các tỉnh phiá Bắc), Đạo Chân không (khu vực miền Trung), Phủ tốc (Lai Châu, Điện Biên) v.v.. Đây là nguy cơ tiềm ẩn những mâu thuẫn trong quan hệ dân tộc, tôn giáo cần phải được nhận diện rõ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét