Những ngày gần đây, trên internet
xuất hiện khá nhiều trang báo mạng với đủ các thể loại (viết, hình, nói) đề cập
đến một số vụ án hình sự vừa được các cấp tòa của Việt Nam xét xử. Chưa bàn đến
tính chất, nội dung của các bản án, bởi để có được một bản án công minh, đúng người,
đúng tội thì phải có một quá trình thực hiện tố tụng, xét xử chặt chẽ, khoa
học, theo đúng luật định. Nhưng cái cách tiếp cận vụ án của một số trang mạng
xã hội rõ ràng là “có vấn đề”, bởi dường như họ muốn dẫn dắt dư luận theo cách
nghĩ của họ, khiến dư luận nhìn nhận các vụ án một cách méo mó, đầy nghi ngờ.
Mục tiêu cuối cùng của nhiều trang mạng là hướng tới xuyên tạc, phủ nhận nền tư
pháp của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam.
Nền
tư pháp của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (trước đây là Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa) hình thành sau khi nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản
Việt Nam, đứng lên đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại chính quyền, thiết lập
một nhà nước Việt Nam tự do, độc lập. Năm 1946, thể theo nguyện vọng của toàn
dân, Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra đời. Đây là văn bản
luật đầu tiên của nước Việt Nam mới, thể hiện đầy đủ quyền tự do, dân chủ mà
người dân Việt Nam xứng đáng được hưởng và được Nhà nước bảo hộ. Cũng từ văn
bản luật gốc này, từ thực tiễn cuộc sống, nhu cầu xây dựng một nước Việt Nam
độc lập, thống nhất, hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội (CNXH), các văn bản
luật khác dần được hình thành, ra đời.
Quá
trình xây dựng các văn bản pháp luật (gọi chung là các luật) được tiến hành
chặt chẽ, khoa học, được lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân và
được tiếp thu, chỉnh sửa một cách hợp lý theo nguyện vọng của các tầng lớp nhân
dân trước khi trình Quốc hội thông qua. Điều đó thể hiện tính dân chủ rất cao
trong quy trình xây dựng các luật. Trong số 230 bộ luật, luật đang có hiệu lực
thi hành và sắp có hiệu lực thi hành thì có hai bộ luật quan trọng, liên quan
trực tiếp đến việc khởi tố, xét xử các vụ án hình sự đối với các cá nhân, tổ
chức có vi phạm, đó là Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. Các điều,
khoản trong hai bộ luật nêu trên vừa khái quát đầy đủ các lĩnh vực, vừa cụ thể
hóa rõ ràng các hành vi, dấu hiệu vi phạm hình sự của mọi cá nhân, tổ chức trong
mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc áp dụng các điều, khoản trong quá trình
tố tụng và xét xử được các cơ quan tư pháp tiến hành độc lập, theo đúng chức
năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, do đó về mặt nguyên tắc là rất chặt chẽ, không
có chuyện vi phạm dân chủ như một số trang mạng cố tình đoán mò rồi dẫn lái dư
luận. Trong điều kiện hiện nay, với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ nên thông
tin được truyền đi nhanh chóng và rộng rãi. Trong lĩnh vực điều tra, xét xử các
vụ án cũng có quy trình rất minh bạch, công khai, thông tin đầy đủ, điều đó
không cho phép các cá nhân tham gia vào quy trình xử lý các vụ án có thể cố
tình làm sai lệch kết quả điều tra, xét xử.
Tuy
nhiên, trong thực tiễn, có những vụ án rất phức tạp, nhiều tình tiết, chứng cứ
khó có thể làm rõ trong một thời hạn nhất định, chính vì thế mới xảy ra các lỗi
trong quá trình điều tra, xét xử dẫn đến hiện tượng lọt người, sót tội ở một
vài vụ án trong số hàng nghìn vụ án mà các cấp tòa phải xét xử hằng năm. Thế
nên có thể khẳng định, việc sai sót trong điều tra các tình tiết cụ thể, có thể
xảy ra, nhưng đó là do sai sót của từng khâu, thuộc về từng cá nhân tham gia
vào quy trình điều tra, xét xử. Còn về mặt nguyên tắc tổng thể của quá trình
điều tra, xét xử các vụ án hình sự là hoàn toàn chặt chẽ, minh bạch, thể hiện
rõ sự nghiêm minh, ưu việt của pháp luật XHCN. Thế nên, không thể lấy một vài
sai sót từ một số vụ án để quy chụp và xuyên tạc cả nền tư pháp của Việt Nam.
Đó là tư duy và cách hiểu của những người cố tình phủ nhận sạch trơn hệ thống
pháp luật của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, nhằm vào những mưu đồ và lợi ích
cá nhân.
Sở
dĩ thông tin bịa đặt, thông tin giả về các vụ án còn tồn tại trên không gian
mạng và luôn phát triển với cấp số nhân là vì mấy vấn đề sau: Thứ nhất,
còn nhiều người tin vào những sự “bịa như thật” trên mạng. Nói về vấn đề này,
TS Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, từng nhận xét: Ở Việt Nam, tốc độ phát triển
của internet khá nhanh và lượng người sử dụng rất cao (khoảng 64 triệu người),
trong khi trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn có những hạn chế nên
khó phân biệt được tin thật với tin giả lan truyền trên mạng. Vì vậy, việc nâng
cao dân trí thông qua tuyên truyền, phổ biến, giáo dục... là rất cần thiết, đây
chính là cái gốc sâu xa nhằm giải quyết vấn đề dư luận sẽ đi theo chiều cạnh
nào khi tiếp nhận biển cả thông tin mênh mông. Đối với các vấn đề quan trọng,
có ảnh hưởng sâu sắc đến dư luận, tâm lý xã hội, nhất là các vụ án trọng điểm
thì càng cần được định hướng, tuyên truyền sâu rộng để đông đảo các tầng lớp
nhân dân được biết, được hiểu, từ đó tự xây dựng nhận thức đúng đắn khi tiếp
nhận các thông tin trái chiều. Một quy luật tất yếu là nếu lúa tốt thì cỏ dại
khó mọc và ngược lại.
Nhiều
nhà mạng thiếu trách nhiệm với những thông tin mà mình cung cấp, điều nguy hại
hơn là họ còn trả tiền cho cả những thông tin giả, thông tin bịa đặt. Với vai
trò là cung cấp nền tảng hơn là vai trò của nhà xuất bản, các nhà mạng lớn trên
thế giới hiện nay có vẻ không quan tâm đến độ chính xác của các thông tin, vì
thế các thông tin thất thiệt hầu như không bị can thiệp, mặc sức hoành hành
trên mạng. Thực tế hiện nay, mạng xã hội không khác gì "chợ truyền
thông", trong đó lẫn lộn cả thông tin tốt lẫn thông tin xấu độc. Có lẽ đã
đến lúc cần phải nghiên cứu xây dựng các đạo luật, hoặc các công ước có tính
quốc tế nhằm quản lý tình trạng trên, không thể để tình trạng vì tiêu chí tự do
ngôn luận mà xâm hại các quyền hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thậm chí là quyền
lợi chính đáng của một quốc gia. Mục tiêu của các nhà mạng là kiếm tiền từ
thông tin thì dứt khoát phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông
tin mà mình đóng vai trò hỗ trợ cung cấp. Trong một cái chợ thì ban quản lý chợ
cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng trộm cắp, bất lương của cái chợ đó.
Việc
cung cấp thông tin chính thống có lúc chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Về vấn đề
này, có lần trao đổi với chúng tôi, nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương
Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cho rằng: Cơ chế thông tin
của Nhà nước ta là dân chủ và minh bạch, tuy nhiên đối với từng cơ quan cụ thể,
có lúc chưa làm tốt vấn đề này, chính vì vậy mới tạo ra kẽ hở để một số tổ
chức, cá nhân có dã tâm lợi dụng, hòng trục lợi và mưu đồ chống phá. Do đó,
việc thông tin những vấn đề quan trọng có liên quan tới quyền lợi về chính trị,
kinh tế, văn hóa... của các tầng lớp nhân dân cần phải được tiến hành thường
xuyên, liên tục, toàn diện và sâu kỹ. Khi có thông tin đích thực, chính thống,
có nghĩa là dư luận đã được định hướng, không còn sự ngả nghiêng, nghi ngờ giữa
cái thật và không thật. Báo chí chính thống, cách mạng phải giữ vững vai trò
chủ đạo trong thông tin chân thực, tuyệt đối không để lợi ích cục bộ che lấp
bản chất cách mạng của các nhà báo, cơ quan báo chí. Giải quyết được 3 vấn đề
trên có nghĩa là chúng ta đã thực hiện được những yếu tố cơ bản, góp phần làm
trong sạch môi trường truyền thông, tạo điều kiện tốt nhất để dư luận tiếp cận
các thông tin đúng, chân thực, loại bỏ các thông tin xấu độc, giả mạo để người
dân hiểu đúng bản chất sự việc, sự thật.
PTC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét