Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

"QUÉT CẦU THANG" BÀI HỌC KHÔNG BAO GIỜ CŨ


Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) là nhà lãnh đạo kiệt xuất, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị đầu tiên của Quân đội ta. Ông cũng nổi tiếng là vị tướng có tài khái quát thực tiễn thành những phương châm giản dị, dân dã, dễ hiểu. Là người phát động phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong quân đội, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã tổng kết thành câu chuyện “quét cầu thang” rất có giá trị với cuộc sống hiện đại hôm nay...
Phải quét từ trên quét xuống
Câu chuyện “quét cầu thang” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được nhiều người kể lại. Trong đó, có hai người đã đưa vào tác phẩm của mình là nhà báo lão thành Hữu Thọ và nhà văn Hải Hồ.
Trong cuốn sách “Quét cầu thang”, nhà báo Hữu Thọ viết: “Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của anh và ngày mở đầu năm 2014... tôi nhớ lại cuộc nói chuyện của anh ở Vĩnh Yên mà tôi được dự. Anh nói chuyện chống tham nhũng, chống lãng phí phải như chuyện quét cầu thang. Anh nói mà mọi người hiểu ngay, khi quét cầu thang thì không ai quét từ dưới lên mà phải quét từ trên xuống, bắt đầu từ bậc cầu thang cao nhất cho tới chân cầu thang, quét bậc nào cho sạch bậc đó. Chống tham nhũng, lãng phí-bọn giặc nội xâm thì cũng phải như quét cầu thang”.
Nhà văn Hải Hồ trong sách “Nhà số 4” kể lại: Một lần, không báo trước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mặc bộ quần áo nâu sồng như một bác nông dân, lững thững cuốc bộ ra nhà số 4 Lý Nam Đế (trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội) thăm các văn nghệ sĩ. Chiến sĩ gác cổng thấy “bác nông dân” không có giấy tờ tùy thân, bèn ngăn không cho vào và nói “bác muốn gặp ai thì để tôi nhắn cho”. Biết tin, Chủ nhiệm tạp chí Văn Phác cùng nhiều nhà văn vội chạy ra đón và cùng theo lên gác. Hồi đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vừa có bài báo “Chống chủ nghĩa cá nhân” nổi tiếng đăng Báo Quân đội nhân dân. Vừa bước lên cầu thang, Đại tướng nói: “Chống cái gì, chống thứ gì đều phải chống từ trên xuống dưới. Ví như các cậu quét cầu thang này. Ai mà lại đi quét từ bậc dưới quét ngược lên. Vậy sao sạch hết rác rưởi. Phải quét từ trên quét xuống chứ. Phàm làm việc gì cũng vậy. Đầu xuôi đuôi mới lọt”.
Nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo đều thừa nhận: Câu chuyện “quét cầu thang” thì nhiều người thấy, nhiều người biết, nhưng không ai có cách nói ví von sâu sắc, dí dỏm như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, từ việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đến những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng như việc nêu gương của cán bộ cấp cao, đều phải thấm nhuần bài học “quét cầu thang”.
Bệnh “mỗi cái một tí”
Câu chuyện “quét cầu thang” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có thời điểm xuất phát từ ngày 12-5-1957. Hôm đó, Tổng Quân ủy phân công đồng chí Nguyễn Chí Thanh đến nói chuyện trong Hội nghị chỉnh huấn cán bộ cao cấp và trung cấp trong quân đội. Trước đó, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có bài nói chuyện nhắc nhở đội ngũ cán bộ trung, cao cấp trong quân đội phải đề phòng và ngăn chặn tính tự kiêu. Bài nói chuyện về chống “chủ nghĩa cá nhân” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh và làm sâu sắc hơn vấn đề này, chỉ rõ nguyên nhân, thực trạng, phương châm, phương pháp phòng, chống “chủ nghĩa cá nhân”. Đặc biệt, Đại tướng đã vạch rõ các biểu hiện cụ thể của “chủ nghĩa cá nhân” trong quân đội lúc đó là: Công thần địa vị, đòi hỏi hưởng thụ, cục bộ địa phương, tự do vô kỷ luật...
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ ra những biểu hiện của người mắc bệnh “công thần địa vị” như: Thấy tác dụng cá nhân mình tăng lên một tí, thấy tác dụng của quần chúng nhân dân giảm đi một tí. Thấy công lao của mình tăng lên một tí, thấy công lao của Đảng giảm đi một tí. Đối với mình thì cộng một ít thành tích, đối với người khác thì lại cộng thêm cho họ một ít sai lầm, khuyết điểm. Trong công tác thường nhấn mạnh khó khăn của mình lên một tí, coi nhẹ khó khăn của người khác hay của Đảng một tí. Đôi lúc nhẹ một tí về phần mình phải cống hiến thêm gì cho cách mạng mà nặng một tí về phần đòi hỏi cách mạng phải đãi ngộ mình. Những người này “luẩn quẩn trong vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân, đôi lúc thấy hoài bão về chủ nghĩa xã hội bớt đi một tí mà lo lắng cho tiền đồ cá nhân mình ngày càng tăng lên một tí”...
Từ đó, Đại tướng nhấn mạnh rằng, nếu mỗi người có “mỗi cái một tí” như trên thì thật nguy hiểm.
Có lần, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi công tác cơ sở thì gặp lại một cán bộ cấp dưới đã phục viên về làm cán bộ xã. Người cán bộ này từng cậy mình là người có thâm niên quân ngũ nên không tham gia học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin. Khi bị nhắc nhở, người này còn phản ứng và cho rằng mình là lính cũ, đã học thuộc lòng Chủ nghĩa Mác-Lênin rồi, giờ học lại khác nào “hâm lại”. Chính vì thế, khi về địa phương công tác, va vấp với nhiều vấn đề của cuộc sống, anh nhận ra mình đã mắc bệnh công thần, cậy công nên lơ là học hành. Anh tự phê bình với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: “Giờ suy nghĩ lại mới thấy tôi đã ôm tư tưởng cá nhân công thần mà không biết”.
Bóng ma “cá nhân” đáng ghét nhưng không đáng sợ
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, trong hàng ngũ cán bộ cao cấp và trung cấp của quân đội, một số người có cách nói: “Tôi mà thế này à?”, “Tôi mà thế kia à?”, “Tôi đánh đông dẹp bắc”, “Tôi vào sinh ra tử”... Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thẳng thắn phê phán những tư tưởng, suy nghĩ, cách nói đó. Ông nhấn mạnh: “Nếu trong cán bộ cao và trung cấp chúng ta cũng còn có phần nào quá lo lắng cho tiền đồ cá nhân thì nó sẽ ảnh hưởng xấu đến chiến sĩ trong quân đội và đến quần chúng bên ngoài”.
Tuy nhiên, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng rất bình tĩnh, tỉnh táo, nhân văn trong xem xét vấn đề “công thần địa vị” của một số cán bộ mắc phải. Ông nhấn mạnh: “Không ai dại dột gì mà hoảng hốt la lên rằng “thằng giặc chủ nghĩa cá nhân” đã nổi dậy và đã làm loạn cả trong cán bộ chúng ta rồi”. Ông nhận định: “Bóng ma chủ nghĩa cá nhân đã xuất hiện và đã bắt đầu có sức ám ảnh, chi phối. Bóng ma đó thực sự đáng ghét nhưng không có gì đáng sợ. Vì chúng ta đã có sẵn lá bùa thiêng để trừ khử nó-Chủ nghĩa Mác-Lênin. Vì chúng ta đã có sẵn một pháp bảo thần diệu để trừ khử nó-đó là tự phê bình và phê bình. Vì năm nay chúng ta đã và sắp mở cho nó những đòn chí tử-đó là cuộc chỉnh huấn chính trị nhằm nâng cao tư tưởng vô sản, khắc phục tư tưởng tư sản và tiểu tư sản, tiếp tục chống ảnh hưởng của tư tưởng đế quốc và phong kiến. Tư tưởng xã hội chủ nghĩa sẽ được xây càng lên cao bao nhiêu thì đồng thời nó sẽ là cái mồ chôn chủ nghĩa cá nhân sâu bấy nhiêu. Hãy cho nó “yên giấc ngàn thu”...
Năm 1959, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dành nhiều thời gian đi nói chuyện ở các lớp chỉnh huấn chính trị của quân đội. Ông tiếp tục chỉ ra những biểu hiện mới của chủ nghĩa cá nhân, nhất là bệnh “công thần địa vị”. Theo ông, những người mắc bệnh “công thần địa vị” lúc nào cũng khổ sở như đi đưa đám, vì: “Ngồi không yên, đứng không yên, như là bị kiến đốt. Thấy cấp trên được đề bạt cũng buồn; thấy cấp dưới được đề bạt cũng buồn; thấy đồng cấp được đề bạt càng buồn! Khi chưa được đề bạt thì mong sao được đề bạt, lúc được đề bạt rồi thì lại chóng chán, muốn chóng được “đổi ngôi” mau hơn nữa. Thấy đồng chí có gì hơn mình cũng không vui. Kém người một cái gì, đêm nằm đã giở mình luôn. Thấy cấp dưới hăng hái quá cũng sợ, thấy cấp trên đi sát quá cũng phiền, lúc nào cũng áy náy không biết cấp trên đánh giá mình thế nào, cấp dưới có phục mình không, trông trước trông sau, lo ngại nhiều bề. Thậm chí, “gặp vợ, gặp con, đáng ra thì mừng nhưng có khi trút cả bực dọc lên đầu vợ con”, “rồi sinh ra không nói thật, có khi còn thủ đoạn, kèn cựa, mất đoàn kết, phạm kỷ luật, phá nguyên tắc”, “càng xa rời quần chúng, lạc mất phương hướng”, “tự mình hại mình”.
Từ đó, ông đưa ra lời khuyên để những người mắc bệnh “công thần địa vị” sửa chữa là nên “tự phê bình và phê bình công khai trong tập thể, tránh lối tu kín”. Đại tướng khẳng định, phàm người mắc bệnh “công thần địa vị” mà không dám nói cho đồng chí, đồng đội biết về “chủ nghĩa cá nhân còn núp bóng trong mình” thì khó có thể chữa được. Chỉ khi công khai “bệnh”, tăng cường học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin và hòa mình vào tập thể, tích cực rèn luyện trong thực tiễn cách mạng thì mới tiến bộ.
Câu chuyện “quét cầu thang” cùng những quan điểm chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về nhận diện chủ nghĩa cá nhân, về bản chất và sự phát triển của nó, về phương pháp phòng, chống chủ nghĩa cá nhân... cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đặc biệt, khi chúng ta thực hiện hai Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng thì nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình vẫn là phương thức hữu hiệu nhất để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét