Thứ Tư, 29 tháng 7, 2020

“CHỦ NGHĨA XÉT LẠI” VÀ ÂM MƯU CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH


“CHỦ NGHĨA XÉT LẠI” VÀ ÂM MƯU CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH
Từ năm 2014, Ukraine đã có nhiều động thái loại bỏ "kí ức Hồng quân" khỏi đời sống, xã hội, lịch sử của quốc gia này. Họ cho rằng đó là những dấu hiệu của "tàn dư tuyên truyền Liên Xô cũ". Những người lính già Hồng quân gốc Ukraine bị giới trẻ nước này ném đá, tạt nước, giật áo mũ. Vệ binh quốc gia Ukraine mang đồng phục với lá cờ biểu tượng phát xít, một số người khác tại vùng Baltic coi ngày họ "được" giải phóng khỏi phát xít Đức là "niềm đau lịch sử".
Tại Mỹ, người biểu tình giật đổ tượng Abraham Lincoln. Cần biết rằng, đây là một trong mười vị tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ. Chính ông là người đã thống nhất và hoàn thiện thể chế liên bang đến tận ngày nay, đồng thời, ông đặt một "nền móng" cho việc chấm dứt chế độ nô lệ tại Mỹ.
Cũng trong đợt biểu tình vừa qua, người dân Hoa Kỳ cũng "tranh thủ" hạ đổ tượng của tướng Albert Pike - một tướng có vai trò quan trọng trong cuộc chiến Mỹ - Mexico, là một nhà thơ, nhà hùng biện nổi tiếng. Tổng thống Donald Trump nói những người giật đổ tượng của các nhân vật lịch sử nổi tiếng trong lịch sử nước Mỹ là "nỗi hổ thẹn với đất nước Mỹ".
Đó, chỉ là một vài ví dụ, về cái gọi là tư duy xét lại lịch sử, phủ nhận thành quả của các thế hệ đi trước.
Đáng buồn thay, những điều đó lại đang âm ỉ tồn tại ở Việt Nam.
Có những người tự cho mình là cấp tiến, lớn tiếng đòi phủ nhận tính chính nghĩa của hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Báo Thanh Niên từng thừa nhận Việt Nam Cộng Hòa là có một chính quyền hợp pháp và có tính chính danh. Nếu như vậy, thì không khác tờ báo này nói quân nhân cả nước tiến hành chiến tranh không phải vì giải phóng đất nước mà là để "lật đổ chính quyền".
Từ một chính quyền bù nhìn, ngụy quyền, được nâng cấp thành một chính quyền "có tính chính danh và hợp pháp". Từ một cuộc chiến nhằm thống nhất đất nước, họ đánh lận sang thành một cuộc "nội chiến" hay chiến tranh "ý thức hệ" - tức là cuộc chiến giữa phe tư bản và cộng sản. Rồi sau này, rất có thể, từ "nội chiến" sẽ trở thành một cuộc chiến "Bắc xâm lược Nam", rồi "cộng sản" thắng "tư bản và "Bắc thắng Nam".
Hay như cuộc chiến chống Pháp, lại trở thành một cuộc chiến "đánh đuổi nền văn minh". Họ đặt ra một giả sử, rằng nếu không có Pháp, thì Việt Nam vẫn ở một thời kỳ phong kiến lạc hậu. Không có Pháp, thì không có phố cổ, không có cầu Long Biên, không có Đà Lạt, không có Chợ Lớn... Nhưng cái giá để có những thứ đó, là gần 80 năm bị đô hộ, là hàng triệu người chết, những người Việt trở thành lính đánh thuê ở châu Phi... Một quá khứ bị đô hộ, bị lệ thuộc, từ bao giờ lại trở thành một quá khứ văn minh, mực thước như vậy?
Hôm trước, mình có viết một bài về cuộc chiến chống Khmer Đỏ, có rất nhiều bình luận và tin nhắn gửi về mình, cho rằng mình là "bò đỏ", rằng Việt Nam là quốc gia xâm lược Campuchia chứ không phải là giúp đỡ. Nhưng cũng có rất nhiều bác cán bộ cựu chiến binh, phản hồi rằng tất cả những ai đã từng tham gia vào cuộc chiến này - có những cựu binh thuộc chế độ cũ, không có bất cứ tư tưởng chiếm hữu, xâm lược nước bạn.
Chỉ với một vài ý như vậy thôi, đã khiến cho tính chính nghĩa của các cuộc chiến chống xâm lược và giải phóng dân tộc đi tong. Cũng theo đó, hàng triệu người lính, dân thường đã ngã xuống vì độc lập, tự do trở thành những cái chết vô bổ.
Nực cười thay, một đám trẻ không trải qua thời chiến lại thích phán xét lịch sử, không tạo ra những chiến công mà chỉ thích chỉ trích những chiến công, chỉ thích nghe những lời đường mật từ Tây và Tàu và quên đi sự thực dân tộc. Rồi họ học lịch sử qua Youtube, đọc bài xuyên tạc trên Facebook và trở thành những "chuyên gia lịch sử và quân sự" rành hơn bất cứ một người cựu binh nào.
Có một số người nổi tiếng, như một giáo sư nào đó, lớn tiếng cho rằng ngày 30/04 là không cần thiết vì nó "gợi lên những đau buồn". Một số người khác, cũng cho rằng ngày 27/7 "không nên tồn tại" - vì một quốc gia văn minh, hiện đại thì không nên dành một ngày để tưởng niệm những người đã chết cả. Nhưng họ quên rằng, người Mỹ cũng có một ngày tương tự như ngày 27/7, đó là ngày Chiến sĩ trận vong (Memorial Day) được tổ chức vào cuối tháng 5 hằng năm.
Năm 2013, tại Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, đã có nhiều tranh cãi giữa những người có trách nhiệm trong nền âm nhạc Việt Nam về việc nên hay không sửa lời trong bài Quốc ca Việt Nam. Từ đó đến nay, đã có nhiều ý kiến trên mạng xã hội và báo chí, rằng lời bài hát Quốc ca Việt Nam nên được sửa đổi vì nó mang nhiều ngôn từ bạo lực, ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và không mang tính văn minh, hiện đại hay hòa hợp. Một số câu hỏi được đặt ra, liệu khi các em học sinh hát những ngôn từ bạo lực, có ảnh hưởng tâm lý của các em hay không?
Quốc ca Pháp hay Italia đều có những ngôn từ "sắt đá" không kém như "uống máu", "cắt cổ" hay "đốt thiêu cháy rụi". Quốc ca Pháp đã tồn tại từ năm 1792 đến hiện nay, còn quốc ca của người Ý ra đời sau Chiến tranh thế giới lần thứ II. Italia và Pháp đều là những quốc gia hiện đại và họ cho rằng lịch sử là lịch sử, nghĩa vụ của thế hệ đi sau là tôn trọng và tôn vinh những thế hệ đi trước.
Rồi một ngày, những thế hệ hào hùng cũ cũng sẽ ra đi, không ai chống lại được thời gian. Nhưng dù họ có khuất bóng, thì những chiến công vĩ đại vẫn luôn còn đó, những con người khiến người Mỹ, người Pháp, người Trung Quốc, Khmer Đỏ..., hiểu rằng họ đang phải đối diện với một thế hệ vĩ đại đến như thế nào. Những con người sinh hoạt thiếu thốn, thiếu lương thực và vũ khí, nhưng có thể hành quân hàng chục cây số, những con người kéo pháo lên đèo cao, những con người vui mừng vì "được chết" để “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, cho một dân tộc sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Vì vậy Những câu chuyện như ở Ukraine hay Mỹ sẽ không được phép tồn tại ở Việt Nam./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét