Tỷ phú giàu thứ 2 thế giới khẳng định những thông tin sai lệch có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật trên các dịch vụ truyền thông xã hội. Đây là một thực trạng đáng báo động, và cũng khiến các nhà chức trách, cơ quan thực thi pháp luật gặp khó.
"Khi bạn để mọi người giao tiếp, bạn phải đối phó với thực tế là một số thông tin không chính xác, sai với chuẩn mực, có thể sẽ lan truyền rất nhanh so với thông tin chính thống", Gates nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC.
Ông cũng nhấn mạnh việc các mạng xã hội ưu tiên những tin bài "hot", có nhiều lượt tương tác và chia sẻ chính là mấu chốt xảy ra vấn đề.
Thực tế cho thấy các thông tin đúng sự thật thường có chỉ số tiếp cận thấp hơn so với các thông tin sai lệch, khiến các công ty như Facebook, Twitter gặp rất nhiều khó khăn trong khâu cân bằng thông tin. "Họ đối mặt với lựa chọn loại bỏ chúng hoặc làm chậm chúng, đó đều là những điều rất khó khăn", Bill Gates cho biết.
Bill Gates từng cho rằng một phần nguyên nhân khiến cho dịch bệnh Covid-19 lây lan với tốc độ chóng mặt tại Mỹ là do Facebook, cũng như các mạng xã hội lớn trên thế giới.
Tỷ phú người Mỹ cũng từng trở thành mục tiêu bị nhắm đến nhiều nhất của các thuyết âm mưu và tin tức giả mạo trên mạng xã hội, gồm thông tin cho rằng ông đã tạo ra Covid-19 để kiếm lời nhờ bán vắc-xin trị bệnh.
Báo cáo cho biết các thuyết âm mưu liên quan đến Bill Gates đã được đề cập đến 1,2 triệu lần trên truyền hình và các phương tiện truyền thông xã hội trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, riêng trong tháng 4, Zignal Labs cho biết đã có hơn 18.000 thuyết âm mưu liên quan đến Bill Gates được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Bên cạnh đó, một số thuyết âm mưu và tin tức giả mạo cũng đã lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, cho rằng mạng 5G chính là nguyên do gây phát tán virus Covid-19 trên toàn cầu, điều này đã khiến một số trạm phát sóng mạng 5G tại Anh và Hà Lan bị người dân đốt phá vì tin theo các thông tin không chính xác này.
“Liệu các công ty truyền thông xã hội có thể trở nên hữu ích trong phòng chống dịch bệnh hay không?”, Bill Gates đặt câu hỏi. “Sự sáng tạo mà chúng ta có là gì? Thật đáng buồn là các công cụ kỹ thuật số thường chỉ tiếp tay cho việc truyền bá những ý tưởng theo tôi là điên rồ”.
Hiện nay tại Việt Nam, trên không gian mạng cũng đã xuất hiện rất nhiều trang mạng, tài khoản đăng tải thông tin giả, hoặc người dân vô tình chia sẻ các tin sai sự thật, không chính xác.
Từ 15/4/2020, việc đăng thông tin sai sự thật lên mạng xã hội sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Theo khuyến cáo của Bộ Công An, người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo.
Ngoài ra, cũng cần kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào? Nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra.
(Nguồn: Báo điện tử Dân trí).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét