Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2020

BỆNH NHÂN CÓ VÔ ƠN?

Thông tin bệnh nhân người Anh về nước và từ chối các báo đài chụp ảnh quay phim phỏng vấn khiến khá nhiều người bực bội - trong đó một tờ báo viết ra hẳn hoi là ông ta chảnh, là thế này thế nọ.


Trên mạng, khá nhiều lời lẽ tiêu cực ném vào ông, thậm chí ném luôn vào ngành y, vào cả nhà nước vì tội “ngạo nghễ”,

Có người còn suy diễn so sánh, rằng ngàn đồng bào ở nước ngoài chưa về được mà đi lo cho một cái ông đâu đâu; dân mình còn phải từ chối trợ cấp trong khi dồn hết tâm lực để cứu một kẻ “không ra gì”,

Tóm lại, câu chuyện có đáng phải như thế hay không? Ông ta đòi hỏi quá đáng hay chính chúng ta đòi hỏi quá đáng?

🛑 1- Bất luận ông ta thế nào, thì ngành y của chúng ta đã làm đúng và đã viết ra một câu chuyện cứu người thật đẹp trong mùa dịch bệnh, các bạn ạ.

Chẳng có điều gì phải sân si, khi đưa một con người dưới đáy tuyệt vọng về sự sống quay trở lại cuộc sống tươi đẹp. Ai làm được điều đó, thật đáng tụng ca, và thật sự vĩ đại. Phần thưởng này không dành cho sự “ngạo nghễ” mà là người thật việc thật, việc thật tâm thật.

Nếu ông ta từ chối truyền thông VN, thì cũng đâu có sao? Xin thưa, nhân vật chính ở đây là các y bác sĩ, là sự tận tâm thậm chí cả sự hy sinh của họ khi cứu chữa cho ông ta, chứ ông ta hay ai khác cũng đều giống nhau cả. Bạn cần gì một lời cảm ơn xã giao - kể cả thật lòng chăng nữa đầy hình thức và mùi mẫn, khi mà văn hay chữ tốt, các tác phẩm truyền thông đẹp, cần phải dành cho các bác sĩ nước nhà vì họ mới thật sự xứng đáng?

🛑 2- Ông ta có vô ơn không - thưa là không. Ông ta không “chữa chùa” mà có bảo hiểm thanh toán. Ông ta không xin chúng ta mà chúng ta tình nguyện cứu sống ông ấy.

Khi bạn đang làm một việc tốt, bạn đang ở thế thượng phong, hà cớ gì phải cúi xuống để sân si với những điều vô cùng bé nhỏ và thậm chí hơi nhảm nhí? Khi giúp ai đó thật lòng, cái chính là chúng ta nghĩ về tấm lòng chứ đừng nghĩ về những lời cảm ơn. Đành rằng lời cảm ơn là thể hiện văn hoá sống, nhưng nếu không có điều đó từ kẻ được giúp thì kẻ giúp cũng đâu mất mát gì, phải không?

Ta biết ta đẹp là được rồi. Ta tin ta luôn tốt là được rồi. Giữa một bầu trời trong lành thì một hạt bụi bay qua sẽ vô cùng nhỏ bé, bạn ạ.

🛑 3- Ông ta có quyền từ chối lên báo không? Xin thưa là có. Chúng ta cần tôn trọng điều đó.

Các bạn thử đặt mình vào ông ấy đi - xuất hiện rầm rộ trên truyền thông với tư cách...bệnh nhân, dù là bên một câu chuyện đẹp khác, các bạn muốn điều đó? Tôi thì không. Ai cũng muốn mình khoẻ mạnh vui vẻ chứ lúc nào cũng bị dán cái mác Covid, nổi tiếng vì là “bệnh nhân Covid”, tôi hỏi thật lòng, nếu là các bạn, các bạn muốn điều đó?

🛑 4- Đừng so sánh sự chăm sóc ông ta với đồng bào mình đang thiệt thòi vì Covid, vì chuyện gì ra chuyện đó. Nếu không phải ông ta mà là một chị công nhân ở nước ngoài về hay một ông hành khất ngoài phố bị nhiễm, tôi tin là vẫn được đối xử như nhau - trong trường hợp này.

🛑 5- Cái cần phê phán thì bạn không phê phán. Quay ngược lại thời gian, bạn cần biết ông này từ đâu mà ra không?

Thưa, là một ông phi công của một hãng hàng không lớn, Vietnamairlines, thế nhưng, trong mùa dịch bệnh, hãng hàng không này đã không có một quy chế chặt chẽ cho phi hành đoàn. Chủ quan, vô tâm và dễ dãi, đã để người của phi hành đoàn thích đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm thay vì phải tập trung như một dạng tự cách ly.

Kết quả là, người của phi hành đoàn ấy mà cụ thể là ông ta, đã trây trét bệnh tật khắp nơi, làm hoảng loạn cả khu Thảo Điền, làm khổ các y bác sĩ.

Ông ta có thể không nói lời cảm ơn, nhưng VNA nên nói lời xin lỗi dù muộn màng. Đó mới là thứ cần phải nói trên truyền thông, các bạn ạ. Thay vì cần một lời cảm ơn giao đãi hay một vài câu tôi yêu Việt Nam gì đó từ ông ta!

Ông ta không “vô ơn” đâu, mà chính chúng ta “vô lý”!

Một lần nữa! Cảm ơn và chúc mừng tất cả.

H. N. Vũ
Nguồn : An Ninh Ngày Mới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét