“Phải đặc biệt giữ gìn,
phát huy hình ảnh, uy tín của quân đội, giữ vững niềm tin yêu của nhân dân đối
với quân đội. Muốn vậy, kỷ luật, kỷ cương phải nghiêm, quân đội phải làm gương
cho các nơi khác”- đó là phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy
Trung ương Nguyễn Phú Trọng (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy
Trung ương) tại Hội nghị Quân ủy Trung ương phiên họp cuối năm 2017. Tinh thần
chỉ đạo ấy đã và đang được thể hiện rất rõ qua việc xử lý sai phạm của một số
cán bộ cao cấp trong quân đội thời gian gần đây…
XỬ LÝ NGHIÊM MINH, KHÔNG
CÓ VÙNG CẤM
Việc Kỳ họp thứ 35 của Ủy
ban Kiểm tra Trung ương mới đây thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi
phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và xem xét, thi hành kỷ
luật một số cán bộ cấp cao ở Quân khu 9 không phải là những gì bất thường, đột
biến mà chỉ là việc tiếp tục triển khai những chủ trương nhất quán, quyết liệt
trong đấu tranh phòng, chống tiêu cực của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta. Trước
đó, năm 2018, một số cán bộ cấp cao quân đội, trong đó có cả tướng lĩnh đã phải
chịu xử lý nghiêm minh theo pháp luật và kỷ luật của Đảng, Nhà nước và quân đội
do có những sai phạm liên quan tới quản lý kinh tế, quản lý đất quốc phòng. Đây
là những lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, bị nhiều tác động của mặt trái kinh tế
thị trường.
Tuy nhiên, không phải chỉ
đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc, những sai phạm mới được xử lý. Quân ủy
Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn chủ động, nghiêm túc, quyết liệt thực hiện công
tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung
ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự
suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn
biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các vụ việc được xử lý nghiêm túc, kịp
thời nhận được sự tin tưởng, đồng tình của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về sự
quyết tâm và hành động của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng
trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong quân đội, thể hiện trên mặt trận
này không có “vùng cấm”, kể cả đối với lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức hay
đã nghỉ hưu, cán bộ là sĩ quan cao cấp và kể cả tướng lĩnh. Việc xử lý bảo đảm
chặt chẽ trên cơ sở các quy định của pháp luật, nhanh chóng, kịp thời, nghiêm
minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; thông tin kịp thời, không bao che,
bưng bít, nương nhẹ.
Việc xử lý sai phạm của
cán bộ quân đội gần đây đã theo đúng Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý
đảng viên vi phạm, về thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật, thời hiệu xem xét có thể
là 5 năm, 10 năm, thậm chí dài hơn tùy theo mức độ sai phạm. Như vậy, không còn
vùng cấm cả với những cán bộ đã chuyển công tác khác hay đã nghỉ hưu thì coi
như “hạ cánh an toàn”, là một sự nghiêm túc về thực hiện trách nhiệm nêu gương,
khắc phục tư duy nhiệm kỳ…
Thông qua việc xử lý góp phần làm trong sạch bộ máy, loại bỏ
khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa biến chất; củng cố, nâng cao sức mạnh, sức
chiến đấu của quân đội; trước hết là sự vững mạnh về chính trị.
KHÔNG ĐỂ HIỆN TƯỢNG CÁ BIỆT LÀM ẢNH HƯỞNG BẢN CHẤT TRUYỀN THỐNG
Trước những sự việc xảy
ra thời gian qua, từng có ý kiến đây đó trong dư luận đặt câu hỏi có hay không
sự gia tăng tham nhũng, tiêu cực trong quân đội, trong lực lượng vũ trang
(LLVT)? Có hay không sự suy thoái đến mức phổ biến, làm suy giảm sức chiến đấu,
làm suy giảm niềm tin của nhân dân?
Với tinh thần nhìn thẳng
vào sự thật, cùng với sự đau xót, nghiêm khắc rút ra những bài học đắt giá,
chúng ta phải khẳng định một số sai phạm đó chỉ là những hiện tượng cá biệt.
Việc xử lý nghiêm minh, kịp thời chính là sự thanh lọc, đẩy lùi những sai phạm
cá biệt để Quân đội ta luôn trong sạch, vững mạnh, luôn xứng đáng với niềm tin
cậy, yêu mến tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Trước những tác động tiêu
cực của mặt trái kinh tế thị trường, hiện tượng cán bộ có chức có quyền, kể cả
cán bộ LLVT rơi vào một số sai phạm kinh tế, lợi ích nhóm là một thực tế đã xảy
ra. Đây cũng là điều không tránh khỏi đối với quân đội ở nhiều quốc gia trên
thế giới những năm gần đây. Nhiều năm nay, Trung Quốc là quốc gia rất quyết
liệt trong chống tham nhũng trong quân đội với rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ cao
cấp bị xử lý. Năm ngoái, Tổng thống Philippines sa thải 20 sĩ quan cao cấp do
tham nhũng. Ở nước Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần 10 năm qua luôn mạnh
tay chống tham nhũng. Nhiều công ty thuộc quyền kiểm soát của Bộ Quốc phòng Nga
đã bị kiểm tra, xử lý và nhiều lãnh đạo cấp cao, trong đó từng có 4 cán bộ cấp
lãnh đạo bộ bị thôi chức do tham nhũng… Tại Ukraine, năm 2016, hai quan chức
cấp cao trong Bộ Quốc phòng đã bị bắt vì tội biển thủ công quỹ liên quan đến
mua sắm quốc phòng. Tại Mỹ, quốc gia được coi là có hệ thống pháp luật và cơ
chế kiểm soát quyền lực nghiêm ngặt trong phòng ngừa tham nhũng, nhưng gần đây
vẫn xảy ra nhiều vụ tham nhũng trong quân đội, điển hình là vụ một sĩ quan cao
cấp trong lực lượng hải quân bị kết án 78 tháng tù vì tham nhũng, thừa nhận đã
“nhận quà” của một nhà thầu quốc phòng nước ngoài để đổi lấy thông tin mật của
hải quân Mỹ.
Đối với Quân đội ta, ngay
từ những ngày đầu còn non trẻ, nhiều khó khăn, thiếu thốn, cũng đã có bài học
đau xót, như vụ án Trần Dụ Châu. Trong khi bữa cơm của Bác Hồ và các chiến sĩ
thời chống Pháp rất kham khổ thì Trần Dụ Châu và một số sĩ quan biến chất lại
sống như những ông hoàng. Chính vì thế, ngay từ ngày đó, quan điểm của Đảng và
Bác Hồ là phải xử lý rất nghiêm minh để làm gương. Ngày 5-9-1950 ở thị xã Thái
Nguyên-thủ đô kháng chiến, Tòa án binh tối cao mở phiên tòa đặc biệt với 3 bị
cáo hầu tòa là nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu và đồng bọn
can tội “biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến”. Cửa
vào phòng xử án có một bảng khẩu hiệu: “Nêu cao ánh sáng công lý trong quân
đội”. Trong phòng xử án, trên tường có hai khẩu hiệu: “Quân pháp vô thân” và
“Trừng trị để giáo huấn”. Phiên tòa xét xử công khai, bộ đội và nhân dân đến dự
đông kín. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên án tử hình, hai đồng phạm
mỗi tên lãnh án 10 năm tù. Chỉ một ngày sau, Trần Dụ Châu bị thi hành án tử
hình.
Ngay từ các khẩu hiệu của
phiên tòa đã thể hiện quan điểm, tinh thần chống tham nhũng, tiêu cực trong
Quân đội ta từ trước đến nay. Thông tin vụ án cũng được công khai kịp thời trên
báo chí. Báo Cứu quốc đã có nhiều bài phản ánh về vụ án. Ngày 27-5-1950, báo
đăng bài xã luận cho biết vụ án đã cho Chính phủ, Đoàn thể (Đảng) nhiều kinh
nghiệm trong việc sử dụng, giáo dục và kiểm soát cán bộ để phục vụ tốt cho
kháng chiến, kiến quốc... mặc dù có người e ngại, vì nếu công khai vụ án này sẽ
làm cho dân chúng chê trách, kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền, lợi ít, hại
nhiều...
Nhìn từ vụ án Trần Dụ
Châu, chúng ta càng thấm thía quan điểm sâu xa của Đảng, Bác Hồ trong giáo dục,
rèn luyện Quân đội ta. Bác từng chỉ rõ: “Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc
nhất định thua”. Lo ngại sự sa ngã của những cán bộ liên quan tới quản lý kinh
tế trong quân đội, Bác từng căn dặn: “Các chú phải làm thế nào một bát gạo, một
đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến
sĩ”.
Từ đó đến nay, các vụ
việc liên quan tới tham nhũng, tiêu cực trong quân đội đều được xử lý nghiêm
minh. Trong 33 số Báo Quân đội nhân dânxuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ, có
nhiều bài báo tường thuật việc tòa án binh mặt trận xét xử công khai cán bộ sai
phạm và đăng thông tin ngay trên trang nhất.
Chính sự nghiêm minh đó càng làm cho quân đội giữ được niềm tin
yêu trọn vẹn của nhân dân, coi quân đội là trường học lớn, là lực lượng mẫu mực
với những con người được tôi luyện trong một môi trường nghiêm ngặt, tiêu biểu
về bản lĩnh, đạo đức, ít lòng ham muốn vật chất, chấp nhận thiệt thòi, khó
khăn, gian khổ, thậm chí sẵn sàng xả thân, hy sinh cho Tổ quốc. Cán bộ, chiến
sĩ LLVT phần lớn ở nơi "đầu sóng ngọn gió", nơi tiền phương của Tổ quốc,
nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; miệt mài với gian khổ hy sinh trong
huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bộ phận tham gia làm kinh tế, quản lý kinh tế
chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ và những hiện tượng vi phạm như vừa qua cũng chỉ là
cá biệt. Quân đội vẫn là đội quân tiên phong, gương mẫu, trách nhiệm trước Tổ
quốc, trước Đảng, trước nhân dân; là thanh bảo kiếm, là nòng cốt, là lực lượng
chính trị trung thành tuyệt đối bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng và
chế độ XHCN.
GIỮ VỮNG PHẨM CHẤT BỘ ĐỘI CỤ HỒ VÀ HÌNH ẢNH QUÂN ĐỘI ANH HÙNG
Những câu chuyện ấy khiến
chúng ta càng thấm thía hơn khi những ngày này, chúng ta đang kỷ niệm 50 năm
thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Di chúc của Bác, có những câu
Bác viết ngày nay được in ra treo ở hội trường của nhiều tổ chức Đảng: “Đảng ta
là Đảng cầm quyền. Mỗi Đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách
mạng, thật sự liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.
Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân”.
Còn nhớ chuyện Bác Hồ
từng giáo dục đồng chí Phùng Thế Tài khi mới là một trung đoàn trưởng. Biết
chuyện đồng chí có một số sai phạm, Bác trực tiếp gặp gỡ, căn dặn: “Bây giờ chú
là lính. Cách mạng phát triển, quân đội phát triển mai sau chú cố gắng, sẽ là
“quan”, là “tướng”. Tướng mà tính nóng là hỏng việc; hai là, tính chú liều quá.
Có Bác bên cạnh mà chú còn dám bắt gà, bắt ngựa của dân, sau này ra “hùng cứ
một phương” chú sẽ còn làm nhiều điều sai trái, ai ngăn được chú? Lần này ra
chiến đấu chú nhớ phải phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm”. Lời căn dặn
của Bác Hồ giúp người trung đoàn trưởng sửa sai, tiến bộ, sau này trở thành một
vị tướng nổi tiếng.
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng
Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí
Minh), từ vụ việc một số cán bộ, tướng lĩnh cấp cao bị xử lý, chúng ta rút ra
được rất nhiều bài học. Cán bộ cấp cao, tướng lĩnh, thậm chí là lãnh đạo cấp
cao hơn nữa nếu không tu dưỡng thì cũng trở thành nạn nhân, tù binh của chính
sự thoái hóa biến chất. Cha ông ta có câu: Tu thân, tề gia, trị quốc. Cho nên,
bài học tự rèn luyện rất quan trọng. Cùng với đó, phải kiểm soát quyền lực thật
tốt. Bác nói là kiểm tra, kiểm soát hành vi của mỗi người, nếu làm đúng thì
biểu dương, sai thì nhắc nhở, “tuýt còi” để phòng ngừa. Nếu không làm tốt sẽ
dẫn đến tình trạng vi phạm rồi mới phát hiện, mới lôi nhau ra xử phạt, kỷ luật.
Còn đã sai phạm thì phải xử lý đến nơi đến chốn nhưng không coi trừng phạt là
mục đích cuối cùng… mà chỉ là để giáo dục, với tinh thần chặt cành để cứu cây;
để mỗi người và tập thể tiến bộ. Đó cũng là bài học để cùng với xử lý kiên
quyết, nghiêm minh, Quân đội ta phải ngày càng hoàn thiện hơn cơ chế, chính
sách để kiểm soát quyền lực, phòng ngừa sai phạm, quản lý chặt chẽ hơn cán bộ,
đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền và tham gia các lĩnh vực liên quan
đến kinh tế, tài chính, đất đai…
Chủ trì Hội nghị Quân ủy
Trung ương đầu năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Bí thư Quân ủy Trung ương
Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cần xử lý kiên
quyết, dứt điểm, quyết liệt hơn những tồn tại, hạn chế, nhất là những vụ việc
tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng và nhấn mạnh: “Không sợ mất uy
tín của quân đội và không sợ bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, chống phá. Nếu
chúng ta làm tốt thì chính là đã nâng cao uy tín và bác bỏ các luận điệu xuyên
tạc”.
Với tinh thần đó, chúng
ta tin tưởng rằng, việc xử lý nghiêm minh một số sự việc sai phạm vừa qua sẽ
góp phần làm cho Quân đội ta xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh toàn diện
về mọi mặt; thực sự trở thành Đảng bộ mẫu mực, giữ vững phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
và hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, coi đây là danh dự thiêng
liêng và cao quý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét