Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

KHÔNG THỂ SO BÌ TIỀN LƯƠNG CỦA LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VỚI CÁC NGÀNH KHÁC


Vừa qua trên một số diễn đàn và mạng xã hội đang xuất hiện một số ý kiến so bì tiền lương của ngành công an, quân đội với các ngành khác hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Xuất phát từ việc không nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam và về tính chất, đặc thù hoạt động quân sự gắn với tình hình đất nước và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc ngày càng cao, những ý kiến đó đưa ra lập luận, so sánh mức lương của sĩ quan quân đội và các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực quân sự với thu nhập của cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị nói chung. Đáng buồn là từ những ý kiến chưa toàn diện ấy, một bộ phận quần chúng do thiếu thông tin nên đã “a dua”, “cổ xúy”, “thêu dệt”… thông qua các trang mạng xã hội và tin đồn xã hội, tạo nên những luồng thông tin khó phân biệt đúng sai, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý xã hội. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm, trách nhiệm của những người đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, dù trong điều kiện thời bình nhưng vẫn có không ít cán bộ, chiến sĩ quân đội anh dũng hy sinh vì chủ quyền Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, trở thành những tấm gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng giai đoạn mới, được xã hội và quần chúng tôn vinh, trân quý. Tại Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ X vừa diễn ra thành công tốt đẹp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội đã vinh danh hàng trăm điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân ngày đêm cần mẫn hy sinh cho lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đó là hình ảnh, những con người hành quân vào vùng bão lũ cứu dân; đi ngược dòng người “tránh” đại dịch CoVid-19, đến với biên cương chốt chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đó là những cán bộ, chiến sĩ chắc tay súng, ngày đêm bảo vệ vùng biển, vùng trời; những người phải chịu thương tật, thậm chí hy sinh khi đấu tranh với tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân và nền hòa bình cho đất nước, khu vực. Như vậy, “đánh đồng” tính chất hoạt động quân sự với hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của cán bộ, công chức trên lĩnh vực dân sự là một cách tư duy hoàn toàn không đúng với thực tế, cần phải được khắc phục triệt để. Thay vào đó, cần phải thống nhất nhận thức từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ đến quần chúng về đặc thù hoạt động quân sự; cần thấu hiểu, chia sẻ và sớm có thêm những chủ trương, giải pháp mới, đồng bộ, cùng với những hành động thiết thực của toàn xã hội nhằm giúp đỡ, hỗ trợ tốt hơn cho cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời động viên, quan tâm hơn nữa đến tư tưởng, tình cảm, đời sống vật chất của cán bộ, chiến sĩ.
Ngay tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Đại biểu Thành phố Đà Nẵng cũng đã phản ánh kiến nghị của cử tri, về vấn đề chế độ tiền lương của ngành công an, quân đội có sự chênh lệch khá lớn so với các ngành khác hưởng lương từ ngân sách; trong khi tuổi nghỉ hưu ở 2 ngành này sớm hơn các ngành khác 5 năm và cho rằng, chênh lệch lương quá lớn không đảm bảo sự công bằng, đồng thời là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thâm hụt quỹ bảo hiểm xã hội. Do đó, cử tri Thành phố Đà Nẵng đề nghị Chính phủ nghiên cứu lại vấn đề này. Phản ứng lại ý kiến này, ngay trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã phân tích rõ đặc thù hoạt động 24/24 giờ của cán bộ, chiến sĩ quân đội; với tính chất, cường độ ác liệt, khó khăn, thử thách con người trên nhiều phương diện; đòi hỏi sự đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi mà còn bằng máu của cán bộ, chiến sĩ. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, lương của sĩ quan quân đội chỉ là nguồn thu nhập duy nhất và mức lương ấy cũng còn quá thấp so với lương sĩ quan quân đội các nước trên thế giới, chỉ bảo đảm mức sống trung bình so với đời sống xã hội Việt Nam hiện tại.
Trả lời kiến nghị trên của cử tri Thành phố Đà Nẵng, Bộ Nội vụ cho biết, lực lượng vũ trang (quân đội, công an) là ngành lao động đặc biệt, yêu cầu phải thường xuyên tập trung làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn, thảm họa thiên tai và cho rằng, mức lương lực lượng vũ trang được hưởng là phù hợp với điều kiện làm việc. Đây là lực lượng phải đóng quân trên các địa bàn khó khăn, phần lớn xa gia đình, sống và sinh hoạt tập thể trong doanh trại. Lực lượng vũ trang phải tiếp xúc với môi trường độc hại, vũ khí, khí tài quân sự, đối diện hiểm nguy. Lực lượng vũ trang cũng phải “tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên”. Trong những trường hợp cần thiết, mệnh lệnh cấp trên chính là mệnh lệnh của quốc gia, dân tộc; mọi quân nhân, công an nhân dân có nghĩa vụ thực thi với trách nhiệm cao nhất, không kể ngày đêm, kể cả hy sinh tính mạng. Bộ Nội vụ dẫn kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia,...) cho biết, tiền lương của lực lượng vũ trang được thiết kế riêng và cao hơn công chức có cùng trình độ đào tạo, để phù hợp với chế độ làm việc, điều kiện lao động và tính sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Theo đó, bảng lương hiện hành của lực lượng vũ trang ở nước ta được thiết kế riêng và cao hơn công chức là phù hợp với đặc điểm lao động của quân đội nhân dân, công an nhân dân, và cũng phù hợp với xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Về tuổi nghỉ hưu, luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và luật Công an nhân dân Việt Nam quy định hạn tuổi phục vụ của quân nhân và hạ sĩ quan, sĩ quan công an nhân dân phù hợp với đặc điểm lao động của lực lượng vũ trang. Theo Bộ Nội vụ, tại khoản 3, mục 2, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp” cũng đã xác định: xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Nghị quyết này cũng vẫn giữ tương quan tiền lương của lực lượng vũ trang so với công chức hành chính như hiện nay./.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét