Có
phải chăng đất nước càng phát triển, càng đổi mới thì những thế lực thù địch,
phản động, những người bất mãn với chế độ… lại càng cay cú và cực đoan, cho dù
trong số họ có không ít người đang được sống, được thụ hưởng thành quả sau gần
35 năm đất nước đổi mới. Họ hô hào tập hợp lực lượng, gồng mình kéo bè kéo cánh
nhằm phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Đặc
biệt, trước mỗi kỳ đại hội đảng, họ luôn tìm kiếm, bới móc và hả hê trước những
khuyết điểm, thiếu sót của cán bộ, chính quyền các cấp. Trước thềm Đại hội XIII
của Đảng, họ tung ra những luận điệu mang nặng tính suy diễn, võ đoán về công
tác chuẩn bị tổ chức đại hội của Đảng, về tương lai sau đại hội của các đồng
chí trong BCT, BBT, của các đồng chí trong Trung ương Đảng.
Những
suy diễn, võ đoán ấy của họ thường chĩa mũi nhọn vào những chủ trương, chính
sách của Đảng và Nhà nước ta. Họ bóp méo thành quả của cuộc chiến chống tiêu
cực của Đảng. Mặc dù trước những vụ việc tiêu cực xảy ra, Đảng ta đã kiên
quyết xử lý, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chống
tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, họ cho
rằng đó thực chất là các cuộc đấu đá phe phái, loại trừ những người không thuộc
phe cánh của mình. Đối với những cán bộ lãnh đạo cấp cao, những đảng viên có uy
tín trong Đảng, chủ yếu là những cán bộ cấp Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí
thư, họ tập trung bôi nhọ, hạ uy tín. Những hoạt động của các đồng chí cán bộ
lãnh đạo tới các địa phương, trước nhân dân thì họ nói rằng đó là chuyến du
hành khoe khoang thành tích, đánh bóng tên tuổi, gây áp lực để được lựa chọn
vào vị trí cao hơn trong đại hội sắp tới.
Tập
trung suy diễn, võ đoán nhiều nhất là nhân sự cấp cao trước Đại hội XIII của
Đảng. Họ biết công tác chuẩn bị nhân sự cho mỗi kỳ đại hội là một trong những
công việc hết sức quan trọng. Vì vậy, họ tập trung xuyên tạc, dựng lên một kịch
bản theo “thuyết âm mưu” của họ, như chính họ là người trong cuộc, rằng đồng
chí này Bộ Chính trị không đồng ý; đồng chí khác thì chưa qua các chức vụ cơ
sở. Và họ khai thác sâu nhân sự vùng, miền, mục đích cuối cùng là chia rẽ, gây
nghi ngờ, thiếu lòng tin của nhân dân vào tính minh bạch của việc lựa chọn nhân
sự cho Đảng…
Nhìn
vào chiều dài lịch sử hơn 90 năm của Đảng, có thể nói sự ra đời của Đảng ta là
sự lựa chọn của lịch sử. Sứ mệnh như được định trước, Đảng ta đã gánh vác trọng
trách vô cùng lớn lao trước dân tộc, trước nhân dân. Sứ mệnh đó như Bác Hồ đã
nói: “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì
khác”. Một đảng sinh ra để thực hiện sứ mệnh cao cả trước dân tộc, trước đồng
bào của mình không thể không coi trọng việc chọn người có đức, có tài để gánh
vác trọng trách. Nhìn vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo mà Đảng ta đã lựa chọn trong
suốt 12 kỳ đại hội qua, dễ nhận thấy Đảng đã thấm nhuần tư tưởng chọn cán bộ
của Bác: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất
bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Nhìn xa hơn nữa, tư tưởng chọn người có đức,
có tài của Bác Hồ, của Đảng ta vừa là kế thừa tinh hoa truyền thống của cha
ông, vừa là bản chất của một chính đảng cách mạng, đạo đức, văn minh.
Trải
qua hàng nghìn năm lịch sử, ở nước ta, việc cầu hiền, tìm người tài giỏi ra
giúp nước được nhiều triều đại hết sức coi trọng. Trong chiếu cầu hiền của Vua
Lê (năm 1429) ghi rõ: “Đất nước thịnh vượng tất ở việc cử hiền. Người làm vua
thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”. Thời Vua Trần Nhân Tông, trước thế
giặc Nguyên-Mông hung hãn nhất thời bấy giờ nhưng cũng đã hai lần bị quân dân
ta đánh tan (năm 1285 và 1288), bằng việc mở Hội nghị Diên Hồng, ta đã thu
phục, trọng dụng được nhiều tướng tài cầm quân. Thời Quang Trung-Nguyễn Huệ thì
chỉ rõ: “Dựng nước lấy việc học làm đầu. Muốn thịnh trị lấy nhân tài làm gốc”.
Nước
Việt ta ngàn đời có truyền thống: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí
thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi
xuống thấp”. Bài học sử dụng người có đức, có tài ra giúp nước đã thấm sâu vào
tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính vì vậy, ngay từ khi nước nhà mới giành
độc lập, Bác đã mời một số nhân sĩ, quan lại chế độ phong kiến có kiến thức, có
kinh nghiệm ra giúp nước như cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Phan Kế
Toại… Năm 1946, trước khi sang Pháp, Bác Hồ đã trao quyền điều hành đất nước
cho cụ Huỳnh Thúc Kháng và dặn: “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đó là thời điểm
tình hình đất nước rất phức tạp, thù trong giặc ngoài, Bác vẫn giao quyền điều
hành cho một nhân sĩ, trí thức không phải là đảng viên. Tài, đức và cách ứng xử
của Bác đã quy tụ được những tinh hoa của dân tộc đến với cuộc kháng chiến cứu
nước và kiến quốc. Nhiều nhân sĩ, trí thức đã tự nguyện rời công việc ở nước
ngoài về nước cống hiến cho cách mạng, như: Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Trần Đại
Nghĩa, nhà nông học Lương Đình Của…
Trong
Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc ngày
11-5-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tầm quan trọng
của việc lựa chọn nhân sự: Đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đòi hỏi
chúng ta phải dày công chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ và tiến độ phù hợp, có
quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.
Khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chính là quyết tâm của toàn Đảng.
Thực tiễn cách mạng đã chứng minh rằng nhân dân ta tuyệt đối tin tưởng Đảng ta,
và “Dù ai nói ngả nói nghiêng/ Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét