Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2020

PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC ĐƯA MÁY BAY CHIẾN ĐẤU RA ĐẢO PHÚ LÂM THUỘC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM


PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC ĐƯA MÁY BAY CHIẾN ĐẤU
RA ĐẢO PHÚ LÂM THUỘC QUẦN ĐẢO HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM
Theo tạp chí Forbes, ảnh chụp vệ tinh hôm 15-7 cho thấy 4 tiêm kích của Trung Quốc xuất hiện trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Không rõ số lượng tiêm kích này chỉ là 4 hay nhiều hơn và còn có các tiêm kích khác loại hay không. Các máy bay chụp được trên ảnh vệ tinh được cho là mẫu J-11B, biến thể của tiêm kích nổi tiếng Sukhoi Su-27 (NATO gọi là Flanker) do Liên Xô thiết kế. Các tiêm kích trên có thể được xem là khá tương ứng với mẫu F-15 Eagle của không quân Mỹ. Trung Quốc đã chế tạo nhiều biến thể từ tiêm kích Sukhoi Su-27. Hiện dù chưa biết chính xác về loại tiêm kích xuất hiện tại Phú Lâm dựa theo ảnh vệ tinh, theo tạp chí Forbes, đây chắc chắn là một trong những biến thể của Sukhoi Su-27.
Việc ít nhất 4 tiêm kích của Trung Quốc xuất hiện trên đảo Phú Lâm được ghi nhận chỉ hai ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố chính thức nêu rõ lập trường của Mỹ: "Các tuyên bố của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên khắp Biển Đông là hoàn toàn phi pháp". Tạp chí Forbes nhận định thời điểm Trung Quốc đưa các tiêm kích tới đảo Phú Lâm có thể liên quan tới nhiều yếu tố bên ngoài.
Trước hết, động thái này có thể liên quan trực tiếp tới tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo. Động thái này cũng đáng chú ý vì diễn ra một ngày sau khi tàu khu trục USS Ralph Johnson của hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOP) trong khu vực, và khoảng 1 tuần sau khi Mỹ đưa 2 hàng không mẫu hạm tới Biển Đông tập trận. Từ hôm 4-7, Mỹ đã triển khai hai hàng không mẫu hạm là USS Nimitz và USS Ronald Reagan tới Biển Đông bắt đầu tham gia các cuộc tập trận, cùng lúc Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận (diễn ra từ ngày 1 tới 5-7) gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Mới nhất, hai tàu sân bay này cùng các tàu hộ tống và máy bay hiệp đồng diễn tập ở Biển Đông từ ngày 17-7, lần thứ 2 trong vòng hai tuần. Năng lực của 4 tiêm kích như trên không là gì so với một nhóm tác chiến tàu sân bay của hải quân Mỹ. Không rõ động thái của Trung Quốc nhằm mục đích gì, nhưng theo cây bút H I Sutton trên tạp chí Forbes, động thái này đã ngầm gửi đi một thông điệp (nhắm đến Mỹ - PV).
Hiện Trung Quốc chưa lên tiếng về thông tin đưa tiêm kích trái phép tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh có động thái ngang ngược như vậy. Tháng 6-2019, ảnh chụp vệ tinh do Đài CNN công bố cho thấy Trung Quốc đã triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích J-10 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đó cũng là lần đầu tiên tiêm kích J-10 xuất hiện trên đảo Phú Lâm.
Phát biểu trước báo chí hôm 16-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhắc lại Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét