Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

TINH THẦN VIỆT NAM TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

TINH THẦN VIỆT NAM TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19

Cuối năm 2019, Trung Quốc xuất hiện những ca bệnh lạ do một chủng mới của virus Corona gây ra. Sau đó, Trung Quốc trở thành tâm dịch đầu tiên của thế giới, phải thực hiện một số biện pháp rất mạnh để dập dịch, như phong tỏa toàn bộ thành phố Vũ Hán 11 triệu dân từ ngày 23/1/2020. Một số quốc gia láng giềng với Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… cũng ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2. Sau khi Trung Quốc cơ bản kiểm soát được dịch bênh, đánh dấu bởi chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình đến thành phố Vũ Hán ngày 10/3/2020, dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh mẽ ở nhiều quốc gia Phương Tây, trong đó có Mỹ, Nam Mỹ, Nga, EU… gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Ngay từ khi thông tin dịch bệnh xuất hiện tại Trung Quốc, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng có những phản ứng quyết liệt và phù hợp. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020; Ban Bí thư Trung ương Đảng có Công văn số 79-CV/TW ngày 29/01/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngày 30/01/2020, Việt Nam thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus SARS-CoV-2 gây ra do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Trưởng ban. Thông điệp “chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Chính phủ được truyền đi cùng lúc với các chỉ thị hành động, phương châm 4 tại chỗ (chỉ đạo tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và 5 định hướng hành động (ngăn chặn triệt để; phát hiện sớm nhất; cách ly ngay lập tức; khoanh vùng thật gọn; dập tắt triệt để). Những phản ứng kịp thời trên của Chính phủ đã mang lại kết quả tích cực, làm cơ sở vững chắc cho các giai đoạn chống dịch tiếp theo. 
Trước trận tuyến mới cam go và khốc liệt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có những giải pháp rất hợp lòng dân, khơi dậy được tinh thần, bản lĩnh dân tộc. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi toàn dân đoàn kết chung sức, đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt và hiệu quả những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp phát động Nhân dân, yêu cầu các bộ, ban, ngành khẩn trương tích cực chống dịch với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch; mỗi phường xã, thôn, bản, tổ dân phố, thậm chí mỗi gia đình là một pháo đài”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tận tâm tận lực trên trận tuyến không kể ngày đêm… đã truyền cảm hứng mạnh mẽ và niềm tin sâu sắc tới Nhân dân. Ngay khi nhận được tin có người lây nhiễm, lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương, Bình Thuận… đã khẩn trương đưa ra quyết định phong tỏa, cách ly, bố trí lực lượng tham gia xử lý kịp thời. 
Cùng với việc thông tin công khai, kịp thời, chính xác về diễn biến của đại dịch Covid-19, thời gian qua, Việt Nam đã thực hiện một cách quyết liệt các phương án ứng phó cụ thể với mục tiêu xuyên suốt: Sức khỏe và tính mạng của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu. Quán triệt quan điểm: “tuyệt đối không được giấu dịch, bởi giấu dịch sẽ phải trả giá đắt gấp trăm ngàn lần”, Việt Nam luôn chủ động công bố thông tin sớm nhất, chính xác nhất về tình hình diễn biến của dịch bệnh đến người dân và thế giới. Trong các buổi họp thường kỳ, họp báo của Chính phủ, Bộ Y tế... các thông tin đều được đưa ra đầy đủ và cụ thể nhất có thể (công khai nhưng vẫn phải bảo đảm quyền thông tin cá nhân) về các ca nhiễm mới, nguồn lây bệnh, quá trình tiếp xúc, tiến triển trong cách ly, điều trị... Ngoài các loại hình truyền thông truyền thống, lực lượng chức năng cũng sử dụng các mạng xã hội để gửi thông báo đến từng thuê bao một cách nhanh chóng và chính thống. Thông báo khẩn qua tin nhắn điện thoại và ứng dụng Zalo của Bộ Y tế, của Thủ tướng Chính phủ trở thành kênh thông tin nhanh chóng và chính xác nhất đến người dân.  Các cơ quan truyền thông, báo chí đã làm tốt nhiệm vụ định hướng dư luận, nhanh chóng, kịp thời chuyển tải thông tin trung thực đến Nhân dân, sử dụng hiệu quả tiếng nói chính thống của cơ quan ngôn luận đập tan các thông tin giả, xuyên tạc tình hình. Thông tin chính thống đã nâng cao ý thức cảnh giác cho đồng bào, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức kỷ luật như thời chiến, quy tụ sự đồng thuận của các giai tầng xã hội. Nhiều văn nghệ sĩ trí thức, vận động viên nhiệt thành kêu gọi cộng đồng ủng hộ chủ trương chống dịch của Đảng, Chính phủ. 
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế về thông tin và chuyên môn. Trong các cuộc họp quan trọng về ứng phó với dịch Covid-19, Việt Nam luôn mời đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (EOC) của Mỹ… tham dự. Chính sự công khai, minh bạch và quyết liệt đó đã giúp chúng ta bước đầu hạn chế sự bùng phát của Covid-19, được bạn bè quốc tế ghi nhận, trân trọng. 
Với tinh thần đó, ngay từ khi dịch bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo tới các cơ quan liên quan áp dụng việc phòng, chống dịch cao hơn 1 cấp độ so với khuyến nghị của WHO, sẵn sàng hy sinh các lợi ích kinh tế để đổi lấy an toàn sức khoẻ của Nhân dân. Trong giai đoạn 1, từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên đến khi cả nước có 16 ca bệnh bình phục, Việt Nam đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp như tạm ngừng toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, kiểm soát  đường mòn, lối mở dọc biên giới, thực hiện kiểm tra y tế và cách ly đối với những người từ vùng dịch trở về, đóng cửa trường học, hoãn các hoạt động vui chơi, giải trí, lễ hội... Cùng với đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an  thiết lập các khu vực cách ly quy mô lớn, kiểm tra, kiểm soát cách vùng dịch đã khoanh để cô lập và từng bước dập dịch. Sự triển khai đồng bộ và quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch đã phát huy tác dụng khi từ ngày 26/02 Việt Nam không còn ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, xác định nguy cơ về giai đoạn thứ 2 sẽ xảy ra khi châu Âu đang dần trở thành tâm điểm của Covid-19, Chính phủ vẫn áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp, cảnh báo toàn bộ hệ thống chính trị không được lơ là, mất cảnh giác.
22h ngày 06/3/2020, UBND thành phố Hà Nội tổ chức cuộc họp báo công bố thông tin về bệnh nhân số 17 nhiễm Covid-19 sau 22 ngày không có ca bệnh mới. Cũng gần như lập tức, toàn bộ hệ thống vốn được lập trình lại bắt đầu cuộc chiến mới cam go hơn rất nhiều lần. Cùng với đó, các biện pháp mạnh tiếp tục được tăng cường như yêu cầu cách ly bắt buộc đối với tất cả du khách nhập cảnh vào Việt Nam kể từ ngày 21/3/2020; tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài vào Việt Nam (trừ một số trường hợp đặc biệt), tạm dừng hiệu lực Giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân nhập cảnh vào Việt Nam kể từ 00h ngày 22/3/2020… Trước đó, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng quy định khai báo y tế bắt buộc đối với người nhập cảnh vào Việt Nam.
Từ ngày 01 - 15/4/2020, Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội trên quy mô toàn quốc và sau đó phân chia mức độ nguy cơ dịch bệnh giữa các địa phương để tiếp tục áp dụng biện pháp phù hợp. Việc cách ly xã hội không đơn thuần ở khía cạnh chống dịch, mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy một cách mạnh mẽ trong lúc đất nước gặp khó khăn. Nhân dân đồng tình, đồng lòng ủng hộ Chính phủ và cùng chung niềm tin chiến thắng đại dịch. 
Tờ Le Monde gọi đây là “cuộc tổng tấn công mùa Xuân 2020”. Tờ The Diplomat nhận định: “Việt Nam xếp hạng đầu bảng trong số các quốc gia mà Chính phủ có tỉ lệ tín nhiệm cao nhất trong dân chúng về phản ứng trước dịch bệnh, đồng thời thái độ có trách nhiệm của người dân Việt Nam cũng là yếu tố không kém phần quan trọng. Bằng cách quản lý cụ thể, có tổ chức, có sự chuẩn bị chu đáo, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò bảo vệ của nhà nước đối với người dân trong cuộc chiến chống đại dịch dù nền kinh tế chưa đủ mạnh và hệ thống cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại”.
Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đến mọi mặt của đời sống xã hội, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư và lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, ngày 09/4/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Để cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết của Chính phủ một cách nhanh chóng và kịp thời, ngày 24/4/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Có thể khẳng định, đây là một trong những chính sách chưa từng có tiền lệ và mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống của Nhân dân, người lao động trên cả nước, góp phần ổn định xã hội với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tính đến 9h sáng ngày 06/7/2020, tại Việt Nam có 355 ca mắc nhiễm Covid-19, trong đó bình phục 340 ca, chỉ còn 15 người đang điều trị bệnh Covid-19. Từ ngày 16/4 đến nay đã 81 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, số người cách ly là 12.291 người. Đến nay, tuy còn nhiều phức tạp, song Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, đã chữa khỏi 340/355 bệnh nhân và đặc biệt là chưa có bệnh nhân nào tử vong. Việc Việt Nam bước đầu đạt được thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế Điều này được thể hiện rõ nét trong bối cảnh nước ta đang là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 và Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020.
Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã nhanh chóng xác định, chuyển trọng tâm hoạt động trong ASEAN vào thực hiện hợp tác ứng phó dịch bệnh, coi đây là ưu tiên hàng đầu của ASEAN hiện nay. Việt Nam chủ động, kịp thời tổ chức thành công nhiều hội nghị trực tuyến trong ASEAN và với các Đối tác về phòng, chống đại dịch Covid-19, đề xuất nhiều sáng kiến có giá trị, như: ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN đối với đại dịch Covid-19, sớm triệu tập Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN, đề xuất thành lập và họp Nhóm Công tác liên ngành (cấp Thứ trưởng) của Hội đồng Điều phối ASEAN về ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; đưa ra sáng kiến về hình thành Kho vật tư y tế dự phòng chung của khu vực, Quỹ hợp tác ứng phó đại dịch Covid-19… 
Chính phủ Việt Nam đã viện trợ hàng hóa, vật dụng y tế trị giá khoảng 500.000 USD để chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động viện trợ hàng hóa trị giá 100.000 USD để ủng hộ Trung Quốc chống dịch. Nhân dân 7 tỉnh miền núi phía Bắc, bằng nhiều hình thức cũng chia sẻ khó khăn đối với nhân dân các tỉnh giáp biên của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chia sẻ kết quả nghiên cứu cũng như kinh nghiệm phòng chống Covid-19 với WHO, các quốc gia Mỹ, Hàn Quốc, Canada và khối ASEAN. Việt Nam tặng 550.000 khẩu trang vải kháng khuẩn do Việt Nam sản xuất cho 5 nước châu Âu là Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Anh; trao tặng 100.000 khẩu trang cùng loại cho nhân dân Ấn Độ; hỗ trợ Lào và Campuchia trang thiết bị y tế, mỗi nơi trị giá khoảng 7 tỷ đồng; trao tặng khẩu trang và vật tư y tế trị giá 50.000 USD cho Myanmar, 100.000 USD cho Nhật Bản; trao tặng 200.000 khẩu trang cho Chính phủ Mỹ. Thủ tướng Chính phủ Việt Nam còn trao tặng cho Văn phòng Nội các Nhật Bản, Văn phòng Nhà Trắng, Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga mỗi nơi 50.000 khẩu trang. Việt Nam còn chuyển giao hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont Hazmat do Việt Nam sản xuất cho Mỹ. Tổng thống Mỹ D. Trump đã viết lời cảm ơn “những người bạn của chúng ta ở Việt Nam” trên trang Twitter cá nhân. Những hành động chia sẻ trên là sự tiếp nối truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Việt Nam đã nhận được những lời cảm ơn sâu sắc của nhiều nước và đánh giá cao truyền thông quốc tế.
Tinh thần Việt Nam còn lan tỏa trong tình yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng, nhân loại. Trước mong muốn trở về của hàng trăm ngàn người Việt Nam từ các vùng dịch ở nước ngoài, dẫu biết chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng Chính phủ và người dân Việt Nam luôn mở rộng vòng tay với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Người Việt Nam cũng như người nước ngoài sống trong khu vực cách ly đều được chăm sóc, đối xử nhân văn như nhau. Cả dân tộc đồng lòng, gồng mình đồng cam cộng khổ, huy động nhân lực, vật tư ưu tiên cho mặt trận chống dịch. 
Quan điểm, kinh nghiệm và kết quả xử lý đại dịch bước đầu thắng lợi của Việt Nam được tạo dựng từ niềm tin tuyệt đối của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, phát huy cao độ tinh thần đại đoàn kết toàn dân. Chúng ta đặt mục tiêu chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân lên hàng đầu, thể hiện rõ quan điểm của Việt Nam về nhân quyền, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây là thử thách rất lớn và thực tế đã chứng minh niềm tin, sự ủng hộ của quần chúng nhân dân vào cuộc chiến chống giặc Covid của Đảng, Nhà nước. Chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng  niềm tin chính trị của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân sẽ mãi là sức mạnh để Việt Nam chiến thắng./.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét