Ngày 28-01-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc, sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước và hoạt động cách mạng ở nước ngoài; cùng với Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Sự lãnh đạo của
Trung ương Đảng và lãnh tụ là thống nhất và thể hiện ở việc đề ra, phát triển
đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, nêu cao ngọn cờ dân tộc. Đường lối đó
được nêu ra tại Hội nghị Trung ương tháng 11-1939 do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ
chủ trì và sau đó Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì
phát triển hoàn chỉnh.
Đường lối cơ
bản đó của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thúc đẩy sự phát triển
nhanh chóng của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc thông qua tổ chức thực
tiễn. Và thực tiễn lại tiếp tục kiểm chứng, bổ sung, cụ thể hóa, khái quát hóa
thành những chủ trương sát hợp với tình hình cách mạng, nhất là trước âm mưu,
thủ đoạn của kẻ thù và diễn biến của Chiến tranh thế giới thứ hai.
Với sự phát
triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, cần thiết phải thúc đẩy xây dựng lực
lượng chính trị và lực lượng vũ trang để đi tới tổng khởi nghĩa. Ngày
22-12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Cần phải động viên toàn dân, vũ
trang toàn dân, phát triển mạnh mẽ các đội vũ trang ở địa phương, phối hợp tác
chiến, thúc đẩy đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang của quần chúng. Khi
quân Nhật chiếm Đông Dương (tháng 9-1940), kẻ thù của cách mạng Việt Nam và
Đông Dương là Pháp-Nhật, thế lực quân Nhật ngày càng phát triển, Đảng xác định
kẻ thù là Nhật-Pháp. Ngày 9-3-1945, Nhật làm đảo chính, gạt Pháp khỏi Đông
Dương, kẻ thù lúc này là Nhật. Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn
nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12-3-1945) phát động cao trào kháng Nhật,
cứu nước.
Cao trào cách
mạng ngày càng phát triển, tháng 5-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh rời Cao Bằng về
Sơn Dương (Tuyên Quang), cùng Trung ương Đảng xây dựng trung tâm lãnh đạo, chỉ
đạo cách mạng. Theo quyết định của Đảng, ngày 15-5-1945, Việt Nam Giải phóng
quân được thành lập trên cơ sở thống nhất Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên
truyền Giải phóng quân; ngày 4-6-1945, thành lập Khu giải phóng Việt Bắc-hình
ảnh của nước Việt Nam độc lập. Nhiều địa phương trong cả nước cũng lập căn cứ
địa, chiến khu, phát triển lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang và đấu tranh
vũ trang. Đã có những cuộc khởi nghĩa nổ ra với những kinh nghiệm đấu tranh rất
phong phú, sáng tạo, như: Khởi nghĩa Thanh La ở Tuyên Quang (10-3-1945), Khởi
nghĩa Ba Tơ, Quảng Ngãi (11-3-1945) và Tự vệ cứu quốc Hưng Yên đánh đồn Bần
thắng lợi (12-3-1945)… Kinh nghiệm của các cuộc đấu tranh đó có ý nghĩa lớn đối
với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Từ tháng 3 đến tháng 5-1945, Đảng phát động
Phong trào “Phá kho thóc của Nhật, giải quyết nạn đói”. Từ mục tiêu đấu tranh
về kinh tế, đời sống phát triển, giác ngộ chính trị quần chúng đứng lên tự cứu
mình.
Tháng 8-1945,
phong trào cứu nước phát triển đến đỉnh cao trên cả nước, quần chúng sẵn sàng
hành động theo sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Đội quân xâm lược
của Nhật liên tiếp thất bại trước sự tiến công của Liên Xô và Đồng minh, khiến
chúng buộc phải tuyên bố đầu hàng Đồng minh (ngày 15-8-1945). Quân Nhật ở Việt
Nam hoang mang, mất sức chiến đấu. Trong hoàn cảnh đó, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra
Lời kêu gọi tổng khởi nghĩa: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự
giải phóng cho ta”. Ban Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết
định triệu tập Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên
Quang) từ ngày 13 đến 15-8-1945. Hội nghị nhận định: “Cơ hội rất tốt cho ta
giành độc lập đã tới”. Mục tiêu của ta là “giành quyền độc lập hoàn toàn”. Đảng
đề ra 3 nguyên tắc chỉ đạo khởi nghĩa là: Tập trung, thống nhất, kịp thời. Tập
trung mọi lực lượng vào nhiệm vụ giành độc lập, giành chính quyền; thống nhất
về quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; kịp thời hành động không bỏ lỡ cơ
hội.
Lãnh tụ Hồ Chí
Minh và Trung ương Đảng theo dõi chặt chẽ diễn biến trong nước và quốc tế.
Người nói với các đồng chí của mình: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy
sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho
được độc lập”. Đó là kết tinh ý chí của toàn Đảng và khát vọng độc lập của cả
dân tộc. Thực hiện quyết định của Đảng và lãnh tụ, Quốc dân đại hội được triệu
tập họp ở Tân Trào ngày 16-8-1945, thành lập Ủy ban Giải phóng Dân tộc Việt Nam
gồm 15 thành viên, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ủy ban có nhiệm vụ chỉ đạo cuộc
tổng khởi nghĩa của cả nước và khi khởi nghĩa thành công trở thành Chính phủ
lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Với đường lối,
chủ trương đúng đắn, sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời, cuộc tổng khởi nghĩa trên
cả nước đã nhanh chóng giành thắng lợi trong nửa cuối tháng 8-1945. Cách mạng
Tháng Tám là sự phát triển sáng tạo của khoa học nghệ thuật khởi nghĩa của Đảng
và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đặc biệt là sự chủ động xử lý đúng đắn tình thế và thời
cơ cách mạng. Cách mạng Tháng Tám là thành quả của sức mạnh đại đoàn kết toàn
dân tộc, của ý chí tự lực tự cường của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là kết quả của
sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh; đồng thời khẳng định vai
trò quan trọng, sự chủ động, sáng tạo của các cấp bộ Đảng địa phương, các Xứ
ủy, Thành ủy, Tỉnh ủy đến tổ chức Đảng ở cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo khởi
nghĩa.
Bài học thành
công về sự lãnh đạo của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám được Đảng ta phát triển
trong các thời kỳ cách mạng tiếp theo, dẫn tới thắng lợi của các cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành trọn vẹn độc lập,
thống nhất Tổ quốc, giành thắng lợi trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực
hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay vì mục
tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, nâng cao và khẳng định
vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét