Trong những năm gần đây, Trung
Quốc liên tục có những hành động gây căng thẳng, tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra
xung đột trên Biển Đông. Trung Quốc ngang ngược đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò”
đòi chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, từ năm 2014 đã tiến hành xây
dựng các đảo nhân tạo, cải tạo mở rộng diện tích sử dụng các đảo do nước này
chiếm hữu thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Thường xuyên có những hành động gây căng thẳng trên các vùng biển khu vực tranh
chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và
các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei.
Gần đây nhất, từ ngày 24 đến ngày 29.8.2020, Trung Quốc tổ chức tập trận quanh
khu vực quần đảo Hoàng Sa với khu vực tập trận rộng khoảng gần 49.000
km2, trong đó, sáng 26.8.2020 Trung Quốc đã phóng 2 quả tên lửa đạn đạo chống
hạm Đông Phong từ những vị trí bí mật ở hai tỉnh Chiết Giang, Thanh Hải ra Biển
Đông.
Những hành động trên của Trung
Quốc đã gặp sự phản đối, lên án của nhiều quốc gia trên thế giới. Các nước Mỹ,
Úc, Malaysia, Indonesia, Philipin đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ mọi
yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc, trong đó có yêu sách đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc. Những hành động và yêu
sách về Biển Đông của Trung Quốc đang vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên
Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Điều 60
của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 phủ nhận quy chế
cho các đảo nhân tạo (Artificial islands) nêu rõ: "Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế
của đảo.
Chúng không có lãnh hải riêng
và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh
giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa".
Việt Nam đã rất nhiều lần lên tiếng khẳng định lập trường cứng rắn về chủ quyền biển đảo của mình, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc. Phản ứng việc Trung Quốc ngang nhiên tiến hành tập trận ở Hoàng Sa từ ngày 24 đến 29.8.2020, phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 26-8 nêu rõ “Việc Trung Quốc liên tiếp tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự.”
Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn thế giới đang oằn mình phòng chống dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc, bản thân Trung Quốc đang đối phó với thiên tai mưa lũ lịch sử, nền kinh tế Trung Quốc đang bị đe dọa nghiêm trọng trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ với nguy cơ thoái hóa cao do bị phía Mỹ liên tục áp đặt các lệnh trừng phạt trong quan hệ kinh tế, những hành động mang yếu tố quân sự, chính trị của Trung Quốc trên Biển Đông đang gây phản tác dụng trong việc xoa dịu căng thẳng và duy trì sự ổn định, có thể khiến cho Mỹ và các nước trong khu vực gia tăng sức mạnh quân sự hiện diện trong khu vực, điều đó càng gây thêm bất ổn cho tình hình ở Biển Đông, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước có nguy cơ càng xấu đi. Liệu Trung Quốc có phải đang tự làm khó mình, tự đưa đất nước vào vòng xoáy bất ổn và thoái trào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét