Sa vào cạm bẫy tệ nạn xã hội - “chiếc dây thòng lọng” nhân cách cán bộ, đảng viên
Tệ nạn xã hội là một hiện tượng lệch chuẩn xã hội, nó thường được biểu hiện dưới những hành vi vi phạm đạo đức, pháp luật, gây hậu quả xấu đối với đời sống xã hội. Tệ nạn xã hội không những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tinh thần, đạo đức của con người, mà còn làm rạn nứt hạnh phúc gia đình, làm mọt ruỗng văn hóa và gây mất trật tự an toàn xã hội.Băn khoăn trước thực trạng một bộ phận người dân trong xã hội, trong đó có cả cán bộ, đảng viên có những biểu hiện, hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc và đạo đức xã hội, mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói rằng “cảm thấy xót ruột khi đạo đức xã hội xuống cấp”. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta đã nhấn mạnh rằng: Đạo đức là nền tảng tinh thần của xã hội. Càng phát triển kinh tế thị trường thì càng phải quan tâm chăm lo giữ gìn văn hóa, đạo đức, vì đó là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Không ai phủ nhận những giá trị tích cực mà nền kinh tế thị trường đã mang lại cho xã hội và con người. Tuy nhiên, những mặt trái của cơ chế thị trường “cộng sinh” với lối sống lai căng, văn hóa độc hại du nhập từ bên ngoài vào khiến tệ nạn xã hội có nguy cơ trỗi dậy và làm băng hoại đạo đức xã hội. Cán bộ, đảng viên cũng là con người nên khó tránh khỏi những ảnh hưởng, tác động của môi trường xã hội ở cả mặt tốt và mặt xấu, ở cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Thực tế cho thấy, trước sự “cám dỗ, mê hoặc” của những “chiếu bài, ván bạc” hay lời “mời gọi quyến rũ” từ vũ trường, nhà hàng, khách sạn, thậm chí chiêu bài “mỹ nhân kế” làm chao đảo cả một triều chính xưa kia cũng có thể tái diễn để trở thành “cái dây thòng lọng” đối với bất cứ cán bộ, đảng viên nào thiếu bản lĩnh, thiếu tỉnh táo, thiếu nghiêm khắc với chính mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét