Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

VÌ MỘT NƯỚC VIỆT NAM HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP VÀ THỐNG NHẤT


    Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cứu nước trong thời đại mới và khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Từ bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Người đã lựa chọn và đứng trên lập trường của giai cấp vô sản để tiến hành giải phóng dân tộc bằng một cuộc cách mạng vô sản và bước phát triển tiếp theo là xây dựng chủ nghĩa xã hội khi nhấn mạnh:

    1) Cách mạng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đội tiền phong của giai cấp công nhân và dân tộc;

     2) Phải thực hiện Dân tộc cách mệnh để tập trung đánh đổ bọn đế quốc thực dân và bọn phong kiến tay sai giành lại độc lập cho xứ sở và Thế giới cách mệnh giống như giai cấp công nông Nga đánh đổ tư bản áp bức…

    Luận cứ để mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội có thể trở thành hiện thực sinh động ở Việt Nam chính là cách mạng giải phóng dân tộc được đặt trong quỹ đạo cách mạng vô sản, là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội theo tinh thần khẩu hiệu chiến lược của Quốc tế thứ III: “Vô sản giai cấp và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại”! Đồng thời, “muốn cách mệnh thành công thì dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” và “An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa Xuân năm 1930, tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được khẳng định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội để đi tới xã hội cộng sản chủ nghĩa được chỉ rõ là: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” - tức là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng, từng bước đưa đất nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hai giai đoạn cách mạng này có quan hệ biện chứng; trong đó: 1) Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì trước hết phải giành được độc lập dân tộc. 2) Đi lên chủ nghĩa xã hội chính là điều kiện tiên quyết để giữ vững được độc lập dân tộc và xây dựng được cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

    Độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội (giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa) - mục tiêu định hướng tương lai của dân tộc Việt Nam là sự lựa chọn chính xác, đúng đắn của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ thập niên 1930, đã góp phần khơi nguồn sức mạnh của toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ, phát triển đất nước. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Đảng tiếp tục bổ sung, phát triển, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

    Đại hội lần thứ II của Đảng (1951) khẳng định, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam sẽ tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa và nước Việt Nam sẽ thành một nước xã hội chủ nghĩa. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng, cuộc trường chinh chống thực dân Pháp kéo dài 9 năm (1946-1954) đã giành được thắng lợi. Song, với Hiệp định Giơnevơ, miền Bắc Việt Nam được giải phóng đã từng bước khôi phục, cải tạo kinh tế, xã hội, văn hóa và đi lên chủ nghĩa xã hội, còn ở miền Nam, đồng bào ta tiếp tục thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng, thực hiện khát vọng thống nhất nước nhà. 

    Đại hội Đảng lần thứ III (1960) - Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà đã xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là: Đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Hướng đến tương lai tươi sáng đó, cuộc đấu tranh đầy gian khổ sau 21 năm gian nan, thử thách, vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh cách mạng ở miền Nam đã kết thúc bằng cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Miền Nam được giải phóng, hai miền Nam - Bắc đã sum họp một nhà và cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.

    Từ sau khi hoàn thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, non sông thu về một mối, tiếp nối, kiên định đường lối cách mạng mà Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra. Chúng ta đã vững vàng trước những khó khăn, thử thách vô cùng to lớn, phá vỡ thế bao vây, cấm vận của đế quốc, đánh tan hai cuộc xâm lược ở hai đầu đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toần vẹn lãnh thổ. Từng bước vượt qua khủng hoảng kinh tế, xã hội và phát triển từng bước vững chắc. Đên nay, chúng ta đã có một vị thế, cơ đồ, uy tín lớn chưa từng có. Điều đó, thể hiện sự sáng suốt, kiên định và nỗ lực quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong suốt tiến trình cách mạng từ khi có Đảng. Đồng thời khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đối với dân tộc việt Nam là hoàn toàn chính xác và không thể đảo ngược.

                                                                                                                        Chủ lực

1 nhận xét:

  1. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực để tập hợp, đoàn kết dân tộc tạo thành sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn, thách thức dù to lớn đến đâu.

    Trả lờiXóa