Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Kỷ luật nghiêm minh để quân đội thêm mạnh

       Thời gian qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta được đẩy mạnh và đạt được kết quả rất tích cực. Một số cán bộ cấp cao ở các lĩnh vực đã bị kiểm điểm, kỷ luật, kể cả trong công an, quân đội.
Việc một số tướng lĩnh, trong đó có những vị trí cấp cao trong quân đội bị xử lý kỷ luật liên quan tới vấn đề quản lý kinh tế, quản lý đất quốc phòng là điều đáng tiếc, đáng buồn. Chúng ta phải khẳng định, đó chỉ là những hiện tượng cá biệt, không phải vì thế mà làm ảnh hưởng tới thiện chí, thiện cảm, sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân với quân đội. Các vụ việc sai phạm được quân đội xử lý nghiêm túc, kịp thời giúp quân đội càng củng cố được sức mạnh, tính kỷ luật, niềm tin của người dân, tất cả vì lợi ích quốc gia.
       Có thể nhìn nhận, hiện tượng vi phạm kỷ luật, nhất là trong lĩnh vực tài chính là hệ quả của sự thiếu tu dưỡng đạo đức của một số cá nhân. Bên cạnh đó, còn bị nhiều tác động của mặt trái kinh tế thị trường... Thời gian tới, để ngăn chặn những sai phạm cũng như tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong quản lý kinh tế nói chung và trong kết hợp kinh tế với quốc phòng nói riêng, cần tiếp tục rà soát, bổ sung các loại luật định có liên quan tới hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế trong quốc phòng; bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng chặt chẽ, đồng bộ hơn. Đồng thời, cần cụ thể hóa trong từng lĩnh vực, đề cao tính rõ ràng, minh bạch để khi áp dụng không bị lúng túng, không bị lạm dụng, không để mỗi người hiểu, áp dụng theo một kiểu khác nhau để cuối cùng phạm luật. Cùng với đó, hoạt động thông tin tuyên truyền, kiểm tra, cảnh báo phải được làm thường xuyên, kịp thời, tránh trường hợp đuổi theo xử lý hậu quả khi sai phạm đã xảy ra...

Đọc bài viết “Giữ gìn kỷ luật, kỷ cương và hình ảnh, uy tín Bộ đội Cụ Hồ” trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 9-5-2019, tôi hoàn toàn đồng tình với nội dung bài viết và cảm ơn bài báo đã nói giúp tâm tư, tình cảm của nhiều người, nhất là đội ngũ cán bộ quân đội đã nghỉ hưu.
Công tác nhiều năm tại cơ quan Tổng cục Hậu cần nên tôi hiểu, từ trước tới nay, người cán bộ lãnh đạo, chỉ huy luôn phải đối mặt với những cám dỗ, chỉ cần không có bản lĩnh, một phút để ham muốn bản thân trỗi dậy là sẽ vi phạm kỷ luật. Vì nhiệm vụ cách mạng, với mục tiêu chiến đấu cao cả nên trước đây, những cám dỗ vật chất ấy thường không “đánh gục” được họ. Mặc dù vậy, lịch sử Quân đội ta vẫn chứng kiến vụ việc đau lòng, như vụ án Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu tháng 9-1950, với tội danh biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến… Dẫu phải thức trắng đêm để cân nhắc, xem xét, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định phải xử nghiêm để làm gương. Sau đó, Trần Dụ Châu bị xử tử hình, tịch thu phần lớn tài sản. Quyết định đó của Bác Hồ giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang trong giai đoạn hết sức khó khăn như một sự cảnh tỉnh tất cả cán bộ, đảng viên, đồng thời, cũng khẳng định một điều, cán bộ cách mạng dù cấp cao đến đâu, nếu vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh. Chính quyết định sáng suốt, nghiêm minh ấy của Bác đã lấy lại niềm tin của đông đảo bộ đội và nhân dân, giúp mọi người càng thêm tin tưởng vào cách mạng.
        Sau vụ án lịch sử đó, Quân đội ta cũng nhiều lần phải xử lý, kỷ luật cán bộ, trong đó có những người giữ vị trí, chức vụ quan trọng. Các đợt “phẫu thuật” ấy đã làm cho Quân đội ta ngày càng vững mạnh, kỷ luật nghiêm minh, giữ được hình ảnh cao đẹp trước nhân dân. Vì vậy, trong bất cứ giai đoạn nào, những người lính Cụ Hồ vẫn được nhân dân tin tưởng, yêu mến.
Thực tế, trước sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, việc vẫn còn một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao không giữ được mình, vi phạm kỷ luật là điều có thể dự báo. Điều mà những cán bộ, đảng viên cao tuổi chúng tôi và đông đảo nhân dân mong muốn là Đảng, Nhà nước, quân đội phải tiếp tục thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người đúng tội các cá nhân, tập thể vi phạm, tránh vì một số trường hợp cá biệt mà làm hoen ố hình ảnh, danh xưng cao quý Bộ đội Cụ Hồ mà nhân dân đã trao tặng. Qua các vụ việc trên, tôi nghĩ đây cũng là bài học đối với những người cán bộ chủ chốt, chủ trì, người nắm trọng trách ở những vị trí nhạy cảm, liên quan đến tài sản, tiền bạc. Ngoài việc phải gương mẫu, nâng cao năng lực, bản lĩnh, trình độ công tác, phải đặc biệt quan tâm, làm sao chọn được đội ngũ cán bộ tham mưu vừa giỏi chuyên môn, vừa có tâm, có đức để giúp người chỉ huy đưa ra các quyết sách chính xác, phù hợp, tránh để những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét