Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2.9.1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Bản tuyên ngôn đã thể hiện mạnh mẽ ý
chí và khát vọng của dân tộc Việt Nam “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không
chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ."
Trải qua 75 năm, Tuyên ngôn độc lập
vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế.
Tuyên ngôn độc lập là một tác phẩm đỉnh cao, tiêu biểu, phản ánh đầy đủ nhất, sâu sắc nhất quan điểm triết học, quan điểm chính trị và cả quan điểm nhân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó chứa đựng cả những giá trị của văn minh nhân loại, những “lẽ phải không ai chối cãi được” về quyền con người, quyền dân tộc.
Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ
tịch Hồ Chí Minh trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn độc lập năm
1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm
1791.
Từ việc đề cập đến quyền của con
người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền
được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng
trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam,
đã khéo léo phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền
của các dân tộc.
"Suy rộng ra câu ấy có nghĩa
là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có
quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”
Người đã đi từ khái niệm con người
sang khái niệm dân tộc một cách tổng quát và đầy thuyết phục, khẳng định quyền
dân tộc và quyền con người có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn
nhau. Dân tộc độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo đảm thực hiện quyền con
người và ngược lại thực hiện tốt quyền con người chính là phát huy những giá
trị cao cả và ý nghĩa thật sự của độc lập dân tộc.
Nghiên cứu về Tuyên ngôn độc lập,
giáo sư Shingo Shibata (Nhật Bản) cho rằng "cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ
Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi
của dân tộc. Như vậy, tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận
mệnh của mình”
Bởi vậy, có thể nói Tuyên ngôn độc
lập năm 1945 không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là
tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu
tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Việc nâng tầm quyền con
người lên thành quyền dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một cống hiến
về nguyên lý lý luận của Người vào kho tàng tư tưởng nhân quyền của nhân loại.
"Nước Việt Nam có quyền hưởng
tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập"
Quyền độc lập dân tộc, quyền sống,
quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền.
Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, những quyền đó bị tước bỏ và
chà đạp.
Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch
Hồ Chí Minh đã lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp “trái hẳn với nhân đạo
và chính nghĩa."
"Về chính trị, chúng tuyệt đối
không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào... Chúng lập ra nhà tù nhiều
hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước, thương nòi.
Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của nhân dân trong những bể máu... Về kinh tế,
chúng bóc lột công nhân, nông dân đến tận xương tủy... Chúng cướp không ruộng
đất, rừng mỏ, nguyên liệu... Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho nhân
dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng...”
Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng
sản, nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi thực dân, phong kiến và đế quốc,
giành lại độc lập, tự do và quyền con người. Như vậy, nhân quyền ở Việt Nam không
phải là giá trị do ai ban phát mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của
nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh đó đã làm cho “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo
Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây
dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế
kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”
Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã
ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt
Nam” (5); đồng thời nhấn mạnh, “các nước đồng minh đã công nhận những nguyên
tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể
không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”
Kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền
hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể
dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để
giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Với hệ thống lập luận chặt chẽ, sắc
bén, lời lẽ đanh thép, đầy sức thuyết phục gói gọn trong hơn 1.000 chữ, Tuyên
ngôn độc lập là một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc
gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, đặt cơ sở cho việc thiết lập nhà
nước pháp quyền ở Việt Nam với mục tiêu độc lập-tự do-hạnh phúc; soi sáng con
đường cách mạng Việt Nam hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, vì mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Bg200802
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét