Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã huy động lực lượng vũ trang (LLVT), kết hợp với lực lượng quần chúng tiến hành khởi nghĩa, từ khởi nghĩa từng phần ở các địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc.
Việc xây dựng, phát triển và phát huy vai trò của LLVT, gồm các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân cùng các đội du kích, tự vệ chiến đấu đã trở thành một trong những lực lượng quân sự quan trọng, cùng toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi trong cả nước.
Căn cứ vào điều kiện đất nước ta bị thực dân Pháp áp bức bóc lột nặng nề, Đảng ta mới ra đời đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn đấu tranh chính trị là phải “tổ chức đội tự vệ của công nông”. Theo chủ trương đó, trong cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh, nhiều đội tự vệ công nông (Tự vệ đỏ) lần lượt ra đời ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3-1935) đã ra nghị quyết về Đội tự vệ, xác định những nguyên tắc xây dựng và hoạt động của đội tự vệ, cơ sở đầu tiên để xây dựng LLVT cách mạng của Đảng.
Vào những năm trực tiếp chuẩn bị khởi nghĩa, giành chính quyền, một số đội du kích, tự vệ chiến đấu lần lượt hình thành ở những nơi có phong trào cách mạng, kể cả miền núi, trung du và đồng bằng. Trên cơ sở quân du kích hình thành trong cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9-1940), Đảng quyết định thành lập Đội du kích Bắc Sơn (2-1941). Tại các tỉnh Nam Kỳ, quân du kích ra đời, phát triển trong quá trình chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940). Đó là những đội du kích tập trung làm nòng cốt cho nhân dân xây dựng và chiến đấu bảo vệ các khu căn cứ, đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích tại các huyện, xã.
Đội du kích Bắc Sơn đã qua rèn luyện, thử thách trong cuộc đấu tranh cách mạng, Đảng tăng cường cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chấn chỉnh tổ chức và đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân 1 (sau Hội nghị Trung ương, sau đó lần lượt tổ chức Trung đội Cứu quốc quân 2 (9-1941) và Trung đội Cứu quốc quân 3 (2-1944). Phương châm xây dựng, hoạt động của Cứu quốc quân là vừa chiến đấu để bảo vệ, vừa mở rộng, phát triển và củng cố khu căn cứ.
Trên cơ sở Cứu quốc quân và các đội du kích, tự vệ chiến đấu phát triển ở các chiến khu Cao-Bắc-Lạng, Thái-Hà-Tuyên, để có một lực lượng chủ lực làm nòng cốt thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ hơn, ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, theo chỉ thị của đồng chí Hồ Chí Minh. Với việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh dấu bước phát triển về tổ chức của LLVT cách mạng, gồm ba thứ quân bước đầu hình thành: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân chủ lực; đội du kích tập trung của các tỉnh, huyện và lực lượng tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu ở khắp các làng xã.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), cùng với sự phát triển của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Cứu quốc quân, hàng loạt đội du kích, tự vệ chiến đấu tiếp tục hình thành ở các chiến khu, các căn cứ cách mạng trong cả nước. Điển hình là Đội du kích Ba Tơ hình thành trong cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (3-1945), Trung đội giải phóng quân ra đời ở chiến khu Quang Trung và Du kích cách mạng quân hình thành ở chiến khu Trần Hưng Đạo. Các đội vũ trang này ngày càng phát triển trong cao trào chống Nhật, cứu nước.
Để chuẩn bị một LLVT quy mô tổ chức lớn đón thời cơ chuyển lên Tổng khởi nghĩa, Đảng gấp rút phát triển đội quân chủ lực, thống nhất Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với Cứu quốc quân và các đơn vị vũ trang cách mạng thành Việt Nam Giải phóng quân (15-5-1945). Sự ra đời của Việt Nam Giải phóng quân đánh dấu bước phát triển về quy mô tổ chức của LLVT cách mạng của Đảng, gồm ba thứ quân cơ bản được hình thành, trong đó các đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp thành bộ đội chủ lực giải phóng quân; các đơn vị du kích tập trung của các tỉnh, huyện chuyển thành giải phóng quân địa phương và các đội du kích, tự vệ tổ chức ở các căn cứ vũ trang, từ miền Bắc vào miền Trung đến tận miền Nam.
Thực hiện mệnh lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và đồng chí Hồ Chí Minh, Việt Nam Giải phóng quân cùng các đội du kích, tự vệ chiến đấu trở thành lực lượng quân sự quan trọng, cùng toàn dân tiến hành khởi nghĩa. Từ ngày 14 đến 18-8-1945, LLVT hỗ trợ nhân dân nhiều địa phương tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã, huyện, tiến lên giải phóng thị xã. Từ ngày 16 đến 20-8, các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân tiến đánh giải phóng các thị xã (nay là thành phố) Thái Nguyên, Tuyên Quang. Đặc biệt, thắng lợi của khởi nghĩa ở các thành phố lớn Hà Nội (19-8), Huế (23-8), Sài Gòn (25-8) đã đập tan sức kháng cự của quân Nhật và bọn tay sai, góp phần tác động mạnh tới các địa phương cả nước khởi nghĩa giành chính quyền. Đến ngày 28-8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước cơ bản hoàn thành.
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 khẳng định, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề ra đường lối đúng đắn và chỉ đạo xây dựng, phát triển LLVT với quy mô tổ chức, mở đầu từ các đội tự vệ công nông, đội du kích, tự vệ chiến đấu, Cứu quốc quân đến đội quân chủ lực, tiến tới hình thành LLVT ba thứ quân. Đồng thời, tổ chức, sử dụng hợp lý và phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt của LLVT, cùng toàn dân chuyển từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền ở các địa phương, phát triển thành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét