Quốc khánh 2/9 đã trở thành một mốc son hào hùng của dân tộc
Việt Nam trong suốt chặng đường 75 năm qua. Chúng ta cùng nhìn lại lịch sử và ý
nghĩa của ngày Quốc khánh 2/9.
Những ngày này, cả nước ta tưng bừng chào mừng ngày Quốc
khánh 2/9. Cách đây 75 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình,trong mùa thu lịch sử Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa
(nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Nhớ về Quốc khánh 2/9, chúng
ta càng thấy rõ những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược của Người thể hiện
trong Tuyên ngôn.
Từ
sáng sớm ngày 2/9, hàng chục vạn người với hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc,
áo quần tươi màu đỏ dồn về phía Ba Đình. Lễ đài bằng gỗ đơn sơ được dựng lên
giữa Quảng đường Ba đình; các đội tự vệ vũ trang cùng những đơn vị Quân Giải
phóng đội mũ ca lô, quân phục nghiêm trang, hàng ngũ thẳng tắp đứng trước lễ
đài; hơn 50 vạn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, nét mặt hân hoan phấn
khởi chờ đón giờ khai sinh của chế độ mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng giờ này, nhiều cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại Huế, Sài Gòn và nhiều
thành phố khác. Muôn triệu trái tim hồi hộp hướng về Hà Nội đợi chờ.
Đúng
14 giờ, Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo trong Chính phủ lâm thời ra lễ đài. Bản
nhạc Tiến quân ca hùng tráng vang lên, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao
vàng đang từ từ kéo lên. Hàng chục vạn bàn tay nắm chặt giơ lên ngang tai, biểu
thị lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị trong bộ quần
áo ka ki và đôi dép cao su tiến ra trước máy phóng thanh. Thay mặt Chính phủ
lâm thời - tức là ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương - Người đọc Bản Tuyên
ngôn Độc Lập. Lời nói của Người trang trọng đầm ấm vang trên Quảng trường Ba
Đình lịch sử.
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là văn bản
pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập nhà nước pháp quyền ở Việt Nam,
với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con
đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và
vì dân. Hơn thế nữa, Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp cho sự nghiệp giải phóng
nhân loại, là sự mở đầu kỷ nguyên độc lập, tự do của các dân tộc thuộc địa, bị
áp bức trên toàn thế giới.
Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử,
một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Với hệ thống lập luận chặt
chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định
mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời
kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.
Tuyên ngôn Độc lập là bản hùng ca viết tiếp những trang sử
huy hoàng của ngàn năm về trước, đã đánh dấu thắng lợi của một thế kỷ ngoan cường
chống thực dân và phong kiến và mở ra một kỷ nguyên mới trên đất nước ta. Tuyên
ngôn Độc lập chẳng những đã khai sinh một nhà nước - nước Việt Nam Dân Chủ Cộng
hòa, nhà nước độc lập đầu tiên trong hệ thống thuộc địa thế giới, mà còn báo hiệu
sự thành lập một chế độ xã hội mới - chính quyền công nông đầu tiên ở khu vực
Đông Nam Châu Á.
75 năm đã trôi qua, giá trị lịch sử và những tư tưởng của Chủ
tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh
to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện
lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết
đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự
do, độc lập ấy”. Với tinh thần đó mà cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành được những thành
tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt 75 năm qua. Hiện nay, toàn Đảng, toàn
dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh
tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động
trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức.
Ngày nay Tổ quốc ta được độc lập, nhân dân ta đời đời được tự
do, tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn Độc lập mãi mãi khắc sâu vào trái tim và
khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao đó, ngày 2
tháng 9 trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Cộng hòa
Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ,
thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần
đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc,
đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản
trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân.
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét