Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

Chúng ta cần tỉnh táo! (Chống thông tin xấu độc trước thềm Đại hội - Phần cuối)

 

Xét về góc độ pháp lý rõ ràng là mượn tay các phương tiện truyền thông để tung ra những thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm xâm hại lợi ích của các tổ chức cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Hiện tượng này cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, thế nhưng không chỉ là mạng xã hội, các kiểu gây rối truyền thống đã và đang áp dụng. Đó là những đơn kiện, đơn tố cáo vô căn cứ, đơn mạo danh, nặc danh luôn xuất hiện với chiều hướng tăng mạnh ở hầu hết các cấp. Công bằng mà nói, nếu việc khiếu nại tố cáo với động cơ và mục đích trong sáng thì sẽ giúp cho bộ máy trong sạch góp phần lựa chọn được những cán bộ có đức có tài. Nhưng cũng phải thẳng thắn nói với nhau, thời gian qua khiếu nại tố cáo đã phần nào bị lợi dụng để cố tình tạo ra sự bất ổn tại nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương trước mỗi kỳ Đại hội.

Nếu chúng ta không tỉnh táo, không trách nhiệm thiếu minh bạch khi xử lý các đơn khiếu kiện và những thông tin đồn đoán vô căn cứ. Một vài đơn thư khiếu nại tố cáo có nội dung liên quan đến cá nhân được đưa vào diện Đại hội Đảng các cấp, không ít trong số này là khiếu nại tố cáo vượt cấp. Tính cả năm 2019, riêng Ban Tiếp Dân Trung ương đã thu nhận trên 13.800 đơn từ các loại, trong đó chỉ có trên 4.300 đơn đủ điều kiện xử lý, chiếm trên 30%; còn trong 6 tháng đầu năm 2020, cơ quan này tiếp nhận thêm 6.000 đơn từ các loại, xong chỉ có hơn 1.600 đơn đủ điều kiện xử lý, tức trên 26%. Riêng số đơn từ liên quan trực tiếp Đại hội Đảng thì không ít thuộc diện nặc danh hoặc mượn danh kiến nghị nhưng thực chất là tố cáo để tránh trách nhiệm, ngay cả những số đơn từ đủ điều kiện xử lý không ít mang động cơ không trong sáng. Không chỉ có những loại đơn mà đối tượng giấu mặt hòng phá rối nội bộ để vụ lợi, mà trước thềm Đại hội không ít đương đơn dù đã được xử lý thỏa đáng theo quy định của pháp luật, nhưng vẫn tìm các kiện cáo để chống phá những cán bộ đảng viên được giới thiệu ra ứng cử. Vì thế, công tác xử lý những đơn từ khiếu nại tố cáo ngay trước Đại hội nếu không được làm chặt chẽ bài bản sẽ ảnh hưởng không chỉ những sinh mệnh chính trị của cả cán bộ mà cả uyu tín chất lượng tổ chức Đảng.

Nguy hiểm và đáng lo hơn là trong số các đơn thư tố cáo này lại có bàn tay và sự chống lưng, góp sức của một số cán bộ cơ hội, biến chất, kéo bè kéo phái đứng sau giật dây kích động. Họ đã lợi dụng Đại hội để hòng làm giảm uy tín, đẩy những cán bộ đảng viên chân chính, có tài có đức nhưng không cùng nhóm lợi ích ra khỏi đội ngũ lãnh đạo, để dễ bề làm ăn và chia trác. Có người bao biện “tôi có quyền tự do ngôn luận, tôi muốn nói gì, viết gì là quyền của tôi”. Nhưng, tự do gì thì cũng phải trong khuôn khổ pháp luật và đạo đức xã hội. Không có tự do ngôn luận nào muốn xúc phạm ai thì xúc phạm, muốn vu khống ai thì vu khống, đó là hành động thấp hèn. Vì vậy, cùng với việc xử lý kỷ luật nghiêm khi phát hiện cán bộ vi phạm thì cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp vu khống, bôi nhọ và tố cáo sai sự thật, phải kiên quyết loại bỏ những cán bộ đảng viên thoái hóa, biến chất tiếp tay cho các đơn thư này ra khỏi bộ máy.

Đáng tiếc là trước những thông tin bịa đặt có một số người, trong đó có cả cán bộ đảng viên đã suy nghĩ một cách giản đơn rồi sử dụng chính những thông tin đó để chia sẻ, bình luận trên mạng xã hội hoặc là tán phát trong cộng đồng kiểu câu chuyện làm quà. Vô hình chung thì giúp cho những thông tin dạng này có một vỏ bọc vững chắc hơn, vì ai cũng nghĩ nó được nói ra từ những cán bộ có trách nhiệm. Nhưng mảnh đất sống màu mỡ nhất của thông tin xấu độc lại chính là dư luận. Không còn xa lạ gì khi bắt gặp những nhóm người đang tụm 5 tụm 3 thì thầm gỉ tai nhau về tình hình nhân sự đại hội ở các quán trà đá vỉa hè. Mà những thông tin đó có thể mới nghe được từ một ông A lái xe ôm, ông B đi tập thể dục cùng và cũng có khả năng vừa đọc được ở trên Facebook, vừa xem một vài clip trên Youtube cứ thế tin lan truyền theo cấp số nhân, thậm chí theo cấp lũy thừa với những suy luận đồn đoán, nghi ngờ vô căn cứ.

Cho nên nếu như không bình tĩnh, tỉnh táo trong tiếp nhận thông tin thì rất có thể chúng ta sẽ mắc bẫy và tiếp tay cho những thủ đoạn chống phá, kích động. Nói đơn giản hơn là phải xây dựng được một hệ miễn dịch trước thông tin xấu độc.

Ngày 23/6 mạng xã hội xôn xao bởi một bài viết trên tài khoản Facebook có gần 200.000 lượt theo dõi, bài viết này nhắc đến tin đồn một vị lãnh đạo trung ương có quan hệ với một phụ nữ, mà bằng chứng chỉ là một bức ảnh. Không những thế còn bịa đặt rằng bức ảnh đã được đối thủ của vị lãnh đạo gửi tới Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương. Nhưng sự thật hình đó là một cảnh trong bộ phim nước ngoài có tên “Em là định mệnh đời anh” tập 30. Liên tục tung tin đồn, cách viết lập lờ thậm chí là vu khống, xuyên tạc trong các bài viết, dã tâm của kẻ này không chỉ nhằm bôi nhọ uy tín cán bộ cấp cao mà còn hướng lái người đọc hiểu nhầm rằng đang có cuộc đấu đá nội bộ trong Đảng. Nếu không tỉnh táo nhiều người rất dễ rơi vào bẫy này để rồi hoài nghi thiếu niềm tin và có những cái nhìn sai lệch.

Những luận điệu sai trái thường được tiền hô hậu ủng, được cổ xúy hậu thuẫn đánh vào tâm lý người dân theo kiểu mưa dầm thấm lâu, góp gió thành bão. Trước những sự kiện quan trọng của Đất nước những luận điệu ấy lại xuất hiện ngày một nhiều hơn.  Xong, rõ ràng người dân đã có sự cảnh giác khi tiếp cận thông tin, để những thế lực thù địch không thể xuyên tạc hay bịa đặt thì chính các cán bộ đảng viên cũng phải cẩn trọng với hành vi phát ngôn giữ gìn đạo đức, lối sống trong sáng. Còn người dân hãy thể hiện trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận và lan truyền thông tin.

Phải nói càng gần đến ngày diễn ra Đại hội thì các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội lại càng gia tăng các hoạt động tuyên truyền chống phá với nhiều thủ đoạn tinh vi, hoạt động của những kẻ này không còn thực hiện đơn lẻ như trước mà sẽ tiến hành ráo riết theo kiểu chiến dịch. Với việc huy động cùng lúc nhiều lực lượng tuyên truyền tập trung về một chủ đề trong một khoảng thời gian nhất định, sử dụng thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu”, tung tin theo kiểu nghe nhiều cũng thành quen, “có bé thì xé ra to”. Bởi vậy cùng với việc nâng cao cảnh giác, nâng cao sức đề kháng với tin xấu độc, chủ động đấu tranh, ngăn chặn các chiến dịch tuyên truyền thì cần coi trọng việc cung cấp thông tin kịp thời trung thực, minh bạch, khách quan để phân biệt được đâu thông tin thật, đâu thông tin giả và đâu là thông tin xấu độc./.

(Chuyên mục Đối diện, số 10/VTV1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét