Ba tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức bác bỏ gần hết yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên biển Đông, theo báo South China Morning Post, Trung Quốc đã mời các nhà ngoại giao của các nước thành viên ASEAN dự họp vào đầu tháng 8.
Tại cuộc họp, một quan chức Trung
Quốc phụ trách các vấn đề hàng hải và biên giới thể hiện nỗi lo của Bắc Kinh
đối với hoạt động quân sự của "các nước ngoài khu
vực" - ám chỉ Mỹ, đồng thời khẳng định ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng
nối lại đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Trong bài viết đăng ngày 24-8,
báo South China Morning Post dẫn nhận định của các nhà ngoại
giao ASEAN cho rằng Bắc Kinh đang mong muốn kéo các nước láng giềng châu Á lại
gần và đẩy Washington ra khỏi vấn đề tranh chấp biển Đông.
Giới chuyên gia trong khu vực tin
rằng đàm phán COC đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết với Trung Quốc sau khi
chính quyền Tổng thống Donald Trump đánh tín hiệu về một lối
tiếp cận cứng rắn hơn trước những "yêu sách phi pháp" của Trung Quốc
trên biển Đông.
Dù vậy, theo chuyên gia Pang
Zhongying của Trường ĐH Đại Dương Trung Quốc, sẽ rất khó để hai phía tạo đột
phá, đặc biệt là khi tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã khiến đàm phán trở
nên "khó khăn và phức tạp hơn" về phía Trung Quốc.
Trong lúc đối mặt những khó khăn hậu
trường nêu trên, Trung Quốc liên tục thông báo tập trận trên
biển Đông.
Theo thông báo ngày 23-8 của Cơ quan
Quản lý An toàn hàng hải Trung Quốc (CMSA), đợt tập trận mới nhất ngoài khơi
tỉnh Quảng Đông đã bắt đầu vào ngày 24 và sẽ kết thúc vào ngày 29-8. Trước đó
một ngày, CMSA ở tỉnh Hải Nam cũng thông báo đợt tập trận tương tự ngoài khơi
của một hòn đảo gần tỉnh này vào cùng thời điểm.
Hai cuộc tập trận khác ở phía Đông
của Trung Quốc - một trên biển Hoàng Hải, dự kiến kết thúc vào ngày 26-8 và một
ngoài khơi tỉnh Hà Bắc kéo dài đến cuối tháng 9 - cũng đã được thông báo trong
những ngày gần đây.
Ngoài các cuộc tập trận nêu
trên, quân đội Trung Quốc còn tuyên bố tiến hành 2 cuộc tập trận khác trên biển
Bột Hải - một diễn ra trong 2 ngày và kết thúc vào ngày 25-8; một diễn ra suốt
tuần và kết thúc vào ngày 28-8.
Thông báo của CMSA được đưa ra 2
ngày sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan trở lại biển Đông
để tập trận phòng không với Nhật Bản. Hải quân Mỹ cũng triển khai tàu khu trục
USS Mustin đi qua eo biển Đài Loan để thể hiện cam kết về "một khu vực Ấn Độ
Dương - Thái Bình Dương mở và tự do"./.
Theo giới chuyên gia, với 6
cuộc tập trận liên tục, Trung Quốc tiếp tục cho thấy xu hướng tăng
cường hoạt động quân sự bất chấp những kêu gọi đàm phán từ chính họ.
"Trung Quốc từng tập trận từ khu vực này sang khu vực khác nhưng tập trận
liên tục tại nhiều khu vực khác nhau với quy mô lớn hơn là điều hiếm thấy"
- ông Srinkath Kondapalli, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trường ĐH
Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), khẳng định.
Không chỉ tăng cường tập trận, gần
đây Trung Quốc còn gây căng thẳng với các nước ven biển Đông như xâm phạm vùng
biển quanh quần đảo Natuna của Indonesia, đeo bám tàu khoan dầu của Malaysia...
Hành động của Trung Quốc khiến một
số học giả nhận định các nước ASEAN có thể thực hiện chiến
thuật mới cứng rắn hơn với Bắc Kinh. Bằng chứng rõ ràng nhất là một loạt công
hàm ngoại giao mà các quốc gia liên quan tới tranh chấp biển Đông trong ASEAN
và cả các quốc gia không tuyên bố chủ quyền như Mỹ và Úc đệ trình lên Liên Hiệp
Quốc trong 9 tháng qua để phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc.
"Cuộc chiến công hàm" phát
sinh sau một công hàm do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa
(CLCS) của Liên Hiệp Quốc vào tháng 12-2019. Mới nhất, hôm 20-8, Philippines
gửi công hàm ngoại giao phản đối lực lượng Trung Quốc tịch thu ngư cụ của ngư
dân nước này ở biển Đông./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét