Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Nhạc sỹ Văn Cao với tác phẩm "Tiến quân ca"

 

Bài Tiến quân ca được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác cuối năm 1944 tại căn gác nhà số 171 phố Mongrand (nay là nhà số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, Hà Nội) và được in lần đầu trên trang văn nghệ của báo Độc lập tháng 11-1944. Ngay từ khi mới ra đời, bài hát đã được đội ngũ chiến sĩ cách mạng nồng nhiệt đón nhận, sau đó trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh, góp phần quan trọng cổ vũ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám.

Tháng 8-1945, Quốc dân Đại hội họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), bàn về kế hoạch Tổng khởi nghĩa và mẫu Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca khi Việt Nam độc lập. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến các đại biểu, lựa chọn một số bài hát đặc sắc để trình lên lãnh tụ Hồ Chí Minh và Quốc dân Đại hội quyết chọn làm Quốc ca. Ba bài hát được trình lên là Cùng nhau đi hồng binh của Đỗ Nhuận, Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi và Tiến quân ca của Văn Cao. Cuối cùng, bài Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca vì vừa thể hiện được ý chí, khát vọng dân tộc, hợp cảnh hợp thời, vừa ngắn gọn, dễ thuộc lời, dễ phổ cập mà giai điệu lại hùng tráng...

Trong những ngày Tổng khởi nghĩa từ 17 đến 19-8-1945 ở Hà Nội, bài hát đã vang lên tại các cuộc tuần hành, biểu tình, mít tinh của quần chúng cách mạng. Những chiến sĩ của chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) dọc đường hành quân về giải phóng Hải Phòng cũng ca vang bài hát này. Tiếp theo là Sài Gòn và cả nước cùng vang lên giai điệu Tiến quân ca...

Ngày tuyên bố độc lập 2-9-1945, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, Tiến quân ca được dàn nhạc Giải phóng quân cử hành, hàng triệu người hát vang lời ca theo tiếng nhạc của hành khúc hùng tráng, sôi động. Năm 1946, Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định lấy bài Tiến quân ca do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác làm Quốc ca Việt Nam. Hiến pháp năm 1946, tại Điều 3 cũng ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”. Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa I (năm 1955) đã quyết định giữ nguyên nhạc, chỉ sửa đôi chút về lời của Quốc ca.

Từ tháng 4-1981 đến tháng 6-1983, Hội đồng Nhà nước đã tổ chức một cuộc thi sáng tác Quốc ca mới nhưng cuối cùng cũng không chọn được bài hát nào có thể thay thế Tiến quân ca. Năm 1993, Quốc hội một lần nữa khẳng định vị thế thiêng liêng cao quý của Quốc ca Việt Nam. Và tại Khoản 3, Điều 13 Hiến pháp năm 2013 tiếp tục quy định: “Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.

Bài Tiến quân ca ngày nay có những điểm khác so với bài Tiến quân ca ban đầu do có một số sửa đổi về lời và nhạc. Về lời, câu đầu tiên trong các bản đầu của Tiến quân ca là “Đoàn quân Việt Minh đi” thì khi trở thành Quốc ca từ năm 1945 sửa thành “Đoàn quân Việt Nam đi”. Năm 1955, theo sự góp ý của các đại biểu Quốc hội khóa I, tác giả Văn Cao đã sửa câu “Thề phanh thây uống máu quân thù” thành “Đường vinh quang xây xác quân thù”. Câu cuối “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được tác giả sửa thành “Núi sông Việt Nam ta vững bền” nhưng đến khi xuất bản thành Quốc ca đã được Ban biên tập sửa thành “Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền”. Về nhạc cũng có một số sửa đổi, chẳng hạn bài Tiến quân ca trước khi được cử hành trong lễ chào cờ sáng ngày 2-9-1945 đã được tác giả cùng các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Đinh Ngọc Liên bàn bạc, thống nhất sửa 2 chỗ để tiết tấu của bản nhạc khỏe và hùng tráng hơn./.

HA200819


Ảnh: Đoàn quân nhạc trình diễn Quốc ca Việt Nam.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét