Đặc công Việt
Nam đánh căn cứ Ubon
Trước năm 1972,
sân bay Ubon đã 6 lần bị đặc công Việt Nam gài mìn phá hủy nên địch tăng cường
bảo vệ an ninh. Trong thời gian này, để đột nhập vào sân bay như những trận
đánh trước đây, đối với lực lượng đặc công của ta là rất khó khăn. Nhưng với
quyết tâm phá hủy phương tiện chiến tranh của địch, lực lượng đặc công của ta
không chịu bó tay trước những thủ đoạn đối phó mới của địch. Cách đánh tập kích
hỏa lực được chỉ huy Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A đưa ra nghiên cứu để vận
dụng.
Khó khăn nhất
đặt ra trong thời gian này với lực lượng của ta là thiếu vũ khí, ta chỉ có một
số súng bộ binh, mìn, thủ pháo… mà không có bất kỳ loại vũ khí nào thích hợp
với một trận đánh tập kích hỏa lực. Đồng chí Lê Toàn, Chính trị viên Tiểu đoàn
đã cùng đồng chí Nguyễn Bá Do bí mật sang Campuchia gặp Bộ Tư lệnh Quân tình
nguyện Việt Nam đề nghị chi viện vũ khí. Đồng chí Đồng Văn Cống, Tư lệnh mặt
trận, một người rất tâm huyết với bộ đội đặc công cùng cách đánh tinh nhuệ trên
khắp các chiến trường đã quyết định cấp ngay vũ khí theo đề nghị của Tiểu đoàn.
Và thế là “tài sản” của Tiểu đoàn 1A đã có thêm 2 súng cối 82mm, 2 cơ số đạn,
200 thủ pháo tay cùng một số vật chất chiến đấu.
Ngày 2/10/1972, một đội hình chiến đấu gồm 27
người của Tiểu đoàn Đặc công biệt động 1A được thành lập. Đội được tổ chức
thành 2 bộ phận, trong đó bộ phận trực tiếp chiến đấu gồm 13 người trang bị 1
súng cối 82mm, 40 quả đạn, do đồng chí Nguyễn Công Mùi chỉ huy.
Lúc này đang là
mùa mưa, hành quân mang vác nặng qua mọi địa hình phức tạp đã là vất vả, do yếu
tố bí mật, đội lại phải luồn lách qua các tuyến bố trí của địch. Nhiều đoạn
đường ngập sâu trong nước, anh em chỉ lo sao cho đạn dược không bị ẩm ướt, bảo
quản được vũ khí, không ai còn tâm trí lo đến miếng ăn là gạo rang đã thiu mốc,
quần áo ẩm ướt cả ngày không được thay, nước uống cặn đục, nằm bờ ngủ bụi… Gần
đến khu vực sân bay thì đồng chí Hồi, khẩu đội trưởng bị sốt cao, không thể
tiếp tục đi. Để lại 2 chiến sĩ ở lại trông nom, đội hình chiến đấu vẫn quyết
tâm lên đường, mặc dù thiếu vị trí khẩu đội trưởng.
Cơ động đến vị
trí sân bay, bí mật triển khai trận địa, đội hình chiến đấu nổ súng theo đúng
kế hoạch đã định. 40 quả đạn mang theo, 5 quả không nổ do ảnh hưởng thời tiết
mưa gió ẩm ướt, 35 quả đạn còn lại đã nổ trúng mục tiêu phá hủy đài chỉ huy sân
bay, xưởng sửa chữa và một số thiết bị sân bay.
Hoàn thành trận
đánh bí mật, nhanh gọn, bất ngờ, đội hình chiến đấu nhanh chóng rời trận địa,
chôn súng tại một địa điểm bí mật trên đường lui quân. Nhưng khi về tới gần
biên giới, đội đã bị lọt vào ổ phục kích của địch, 6 người lính đặc công đã anh
dũng hy sinh.
Hàng chục máy
bay B-52 vừa bị phá hủy tại sân bay Utapao, Udon, tiếp đến sân bay Ubon lại bị
đánh phá chỉ trong thời gian vài tháng đã khiến cho người Mỹ hoang mang về cách
đánh đặc công của ta. Những trận đánh này đã diễn ra đúng thời điểm, đúng ý
định của Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công là đánh trúng các mục tiêu quan trọng
có ý nghĩa chiến lược. Và phương pháp đánh địch ngay tại sào huyệt của địch của
quân đội Việt Nam thêm một lần nữa được thực hiện và hoàn thành bởi lực lượng
đặc công tinh nhuệ, anh dũng.
Theo CAND
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét